HÒA BÌNH – Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh có hai ngày một đêm lưu trú và tắm onsen khu nghỉ giữa rừng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tại Việt Nam từ ngày 1- 5/11, chiều 3/11, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tới thăm và làm việc tại Khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đồng thời trải nghiệm một khu resort dạng onsen nổi tiếng ở huyện Kim Bôi.
Ngay khi vừa đặt chân đến khu nghỉ dưỡng, Tổng thống Mông Cổ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Mông Cổ được khu nghỉ dưỡng đón tiếp bằng tiết mục múa cồng chiêng – một nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Mường, tỉnh Hòa Bình, thường được trình diễn mỗi khi có khách quý tới chơi nhà. Các cô gái trong trang phục áo tếch, khăn xanh của người Mường, từng nhịp đều đặn đánh cồng chiêng, tươi cười đón khách.
Trong hai ngày một đêm lưu trú, Tổng thống Mông Cổ cùng phu nhân đã nghỉ tại hạng phòng cao cấp nhất của khu nghỉ dưỡng là Onsen Villa. Căn villa với tổng diện tích lên đến 180 m2, được thiết kế gồm một phòng khách, hai phòng ngủ và một bể bơi riêng biệt được dẫn trực tiếp mạch nguồn nước nóng.
Villa giữ lối kiến trúc độc đáo dạng chữ U, sử dụng toàn bộ vật liệu xây dựng từ gỗ và tre nứa đậm nét văn hoá bản địa, đồng thời tận dụng tối đa không gian mở, mang đến cảm giác thoáng đãng mà vẫn gần gũi với hướng nhìn thẳng ra khung cảnh sông núi liền kề.
Được xem là ‘mỏ vàng trắng’ của du lịch Hoà Bình, các khu nghỉ dưỡng onsen có nguồn khoáng nóng quý hiếm. Đây được xem là một trong 7 mạch ngầm nước khoáng nóng được khai thác tốt nhất hiện nay tại Việt Nam.
Theo đại diện khu nghỉ, trong thời gian lưu trú, Tổng thống dành hàng giờ trải nghiệm tắm onsen. Khu vực khoáng nóng có 6 bể tắm riêng biệt, gồm hai bể tắm sức chứa 5 người, ba bể tắm 10 người và một bể tắm dành cho 20 người.
Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm tắm khoáng trị liệu, bể bơi trong nhà và ngoài trời, chứa nguồn nước khoáng nóng được dẫn trực tiếp từ lòng đất, ổn định ở mức nhiệt 43 độ C suốt bốn mùa. Vì thế, ngay cả trong những ngày lạnh giá của mùa đông, du khách cũng có thể thả lỏng cơ thể trong bể nước ấm nóng giữa khu vườn xanh mướt, ngắm khung cảnh non nước kỳ vĩ.
Trong lần đón tiếp phái đoàn Mông Cổ, khu nghỉ dưỡng cũng giới thiệu ẩm thực xứ Mường. Là người chuẩn bị cho ba bữa ăn sáng, trưa và tối của đoàn Tổng thống, anh Đoàn Anh Linh, bếp trưởng nhà hàng chia sẻ các quy trình chế biến cùng nguyên vật liệu đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, kết hợp các gia vị địa phương.
Các đặc sản được phục vụ trong thực đơn gồm món ăn nổi tiếng của Hòa Bình như nem cuốn cá lăng, cá lăng xông đá, gà đồi, xôi nếp hay cá tầm sông rang muối hồng tiêu, cá song cuộn song ngư hấp bí non, canh gà đồi hầm hạt sen, xôi ngũ sắc.
HÀ NỘI – Căn biệt thự có diện tích xây dựng khoảng 300 m2, bao quanh là 1.700 m2 sân vườn và bể bơi để phục vụ nhu cầu thư giãn của gia đình.
Công trình có quy mô 3 tầng, nằm trên khu đất rộng 2.100 m2 ở Sơn Tây (Hà Nội). Gia chủ mong muốn sở hữu một không gian sống mở, gần gũi thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của các thành viên trong nhà, đồng thời đón tiếp bạn bè, người thân đến chơi những lúc rảnh rỗi.
Sau khi khảo sát, nhóm thiết kế đã đưa ra ý tưởng về một căn biệt thự xanh có diện tích xây dựng khoảng 300 m2 (mật độ xây dựng 14%), 1.700 m2 còn lại dành làm sân vườn và bể bơi.
Công trình có tổng diện tích sàn 3 tầng là 700 m2, được thiết kế nhiều hệ kính bao quanh thay cho tường gạch, giúp tối ưu nguồn ánh sáng tự nhiên vào bên trong các phòng. Hàng rào cúc tần Ấn Độ giúp ngăn bức xạ nhiệt, tạo mảng xanh cho mặt tiền.
Biệt thự có kết cấu hình khối hiện đại. Điểm nhấn là những mảng tường đá rối màu vàng, vừa tăng tính thẩm mỹ, vừa chống ẩm mốc do tác động của thời tiết và độ bền cao.
Các bậc thang quanh nhà sử dụng bê tông mài thay cho bê tông truyền thống, giúp chống trơn trượt trong những ngày mưa bão.
Sân vườn rộng rãi với bãi cỏ xanh mát cùng nhiều loại cây, là nơi để trẻ nhỏ nô đùa mỗi ngày và thuận tiện cho cả gia đình khi muốn tổ chức cắm trại, tiệc nướng BBQ cùng bạn bè, người thân.
Tiểu cảnh kết hợp hồ cá koi ở phía trước căn nhà mang đến cảm giác thư thái cho gia chủ mỗi khi nghe tiếng nước chảy róc rách như bên bờ suối.
Ngay trong khu vườn còn có một nhà chòi lợp lá, là nơi ngồi nghỉ chân, uống trà thư giãn lúc sáng sớm, hóng mát ngắm bầu trời đêm ở ngoại ô.
Khu vườn trồng rau được thiết kế theo sở thích của vợ chồng chủ nhà, với giếng cấp nước riêng và hệ thống tưới tiêu tự động giúp cây phát triển tốt, tiết kiệm công sức chăm sóc.
Ngoài các khu vực trồng cây, gia chủ còn nuôi hàng chục chú chó ngay trong khuôn viên biệt thự.
Tầng một bố trí không gian sinh hoạt chung là phòng khách và bếp, được thiết kế theo phong cách hiện đại với tông màu chủ đạo là xanh và vàng nâu. Ngoài hệ cửa kính bao quanh, kiến trúc sư cũng chọn chất liệu kính cường lực làm lan can ở cầu thang và khoảng thông tầng, giúp đưa ánh sáng từ mọi phía vào trong biệt thự.
Khu bếp được tích hợp nhiều thiết bị thông minh nhằm tăng tính tiện nghi. Bề mặt bàn đảo và bồn rửa sử dụng đá ceramic, hạn chế tình trạng bám dầu mỡ hay ố vàng.
Phòng ngủ chính có màu sắc trung tính hài hòa, với hệ tủ sát tường thiết kế bo tròn. Từ đây, gia chủ có thể hướng tầm nhìn ra một góc vườn xanh mát.
Công trình được thiết kế và thi công trong 12 tháng, tổng chi phí không được tiết lộ.
Thu Hương Đơn vị thiết kế và thi công trọn gói: Artéco Thiết kế: TS.KS Nguyễn Đăng Hanh và cộng sự
World Travel Awards (WTA) vinh danh Việt Nam là “điểm đến hàng đầu” và “điểm du lịch thiên nhiên dẫn đầu” còn Hà Nội là “thành phố hàng đầu” châu Á năm 2023.
Lễ trao giải World Travel Awards (WTA) 2023: Asia – Oceania hay Giải thưởng Du lịch Thế giới khu vực châu Á – châu Đại Dương diễn ra tại TP HCM tối 6/9. Việt Nam thắng hai giải “điểm đến hàng đầu châu Á” và “điểm du lịch thiên nhiên dẫn đầu” châu Á năm 2023.
Bức ảnh trên được chụp tại thủ đô Hà Nội. Ảnh: Vũ Ngọc Thiện
Thủ đô Hà Nội ba lần được vinh danh, gồm các giải: “Thành phố hàng đầu châu Á”, “Thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày”. Sở Du lịch Hà Nội là “Cơ quan Quản lý Du lịch Thành phố hàng đầu”. 2023 cũng là năm thứ hai Hà Nội giành chiến thắng ở hạng mục “điểm đến cho kỳ nghỉ ngắn ngày”.
Đây là những hạng mục quan trọng trong hệ thống giải thưởng của WTA, với các tiêu chí liên quan đến sức hút, sự hấp dẫn của các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày như du lịch đêm, du lịch ẩm thực, trải nghiệm về đô thị đối với các thành phố khu vực châu Á.
Bức ảnh trên được chụp tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Vũ Ngọc Thiện.
TP HCM được vinh danh ở hai hạng mục “Thành phố du lịch kết hợp làm việc tốt nhất” và “Điểm đến tổ chức lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”. 2023 cũng là năm thứ hai liên tiếp TP HCM giành giải “Thành phố du lịch kết hợp làm việc tốt nhất”.
Bức ảnh trên chụp TP HCM về đêm với hoạt động ngồi tàu ngắm thành phố trên sông Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Đặng Việt Cường
Hội An được xướng tên là “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”, trong lần thứ 4 nhận danh hiệu này. Các năm đạt giải trước là 2022, 2021 và 2019. Ảnh: Nguyễn Minh Ngọc
Hà Giang lần đầu tiên nhận giải “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”. Đại diện Sở VHTT&DL Hà Giang cho biết giải thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng hình ảnh, phát triển đúng hướng, trọng tâm, bền vững.
Bức ảnh trên chụp những đứa trẻ người Mông chơi đùa bên cánh đồng hoa tam giác mạch dọc quốc lộ 4C, cách trung tâm huyện Đồng Văn 20 km. Ảnh: Ngọc Thành
Phú Quốc lần đầu nhận giải “Hòn đảo du lịch sang trọng hàng đầu châu Á”. Năm 2022, đại diện đến từ Kiên Giang được WTA vinh danh ở hạng mục “Hòn đảo có thiên nhiên hàng đầu khu vực”.
Trên ảnh là Dinh Cậu tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Ảnh: Khương Nha
Hà Nam nhận giải kép là “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á và Việt Nam”. Giống Hà Giang, Hà Nam cũng lần đầu thắng giải WTA.
Bức ảnh trên được chụp tại khu vực bên sông Đáy, phía xa là núi Thanh Liêm, ngoại ô phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, Hà Nam. Ảnh: Nguyễn Gia Bảo
Mộc Châu, Sơn La nhận giải kép “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á và Việt Nam” và là lần thứ hai liên tiếp được WTA vinh danh ở hai hạng mục này.
WTA là giải thưởng hàng đầu thế giới, được ví như “Oscar của ngành du lịch”, tổ chức thường niên từ năm 1993. Sự kiện nhằm vinh danh, khen thưởng và ghi nhận sự xuất sắc trong lĩnh vực du lịch. Các hạng mục bao gồm khách sạn, khu nghỉ, các hãng hàng không, lữ hành, điểm đến, công viên. WTA 2023 trao gần 150 giải thưởng tại châu Á, trong đó Việt Nam thắng hơn 50 giải.
Bức ảnh trên được chụp tại thung lũng mận Nà Ka, Mộc Châu. Ảnh: Hải Dương
BẮC NINH – Đền Đô ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, là dấu tích một triều đại phong kiến kéo dài hơn 200 trăm.
Bắc Ninh có hơn 1.200 di tích lịch sử, theo cổng thông tin điện tử tỉnh này. Trong đó, đền Đô ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn là nơi ghi dấu 214 năm trị vì của 8 vị vua nhà Lý.
Nhà Lý truyền ngôi 9 đời vua qua 216 năm (1009 – 1225). Đền Đô là nơi thờ tự 8 vị vua gồm: Lý Thái Tổ (1009 – 1028); Lý Thái Tông (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân Tông (1072 – 1128); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1138 – 1175); Lý Cao Tông (1175 – 1210); Lý Huệ Tông (1210 – 1224). Vị vua cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225) được người dân thờ ở đền Rồng, cũng nằm ở phường Đình Bảng.
Theo nội dung trên bia trùng tu đền Đô, Đình Bảng, quê hương phát tích nhà Lý, ban đầu có tên là Diên Uẩn. Từ giữa thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ XIII đổi là hương Cổ Pháp thuộc châu Cổ Pháp, sau đó mới được đặt là Đình Bảng. “Đất Cổ Pháp – Đình Bảng là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, đất gối đầu của 8 con rồng, vượng khí tốt, là nơi sinh ra vua Lý Công Uẩn ngày 12/2 năm Giáp Tuất (947)” (trích nội dung trên bia đá). Lý Công Uẩn, niên hiệu Lý Thái Tổ, là vị vua đầu tiên của nhà Lý.
Ông Nguyễn Tiến Chiến, trưởng ban quản lý Khu di tích, cho biết đền Đô được xây dựng trên đất quê Lý Công Uẩn. Năm 1019, khi Lý Thái Tổ lên ngôi được 10 năm, ông về quê lập một thái miếu để thờ tổ nội mình ở đây. Lúc đó, vua đã chọn một khu đất để làm nơi chôn cất sau khi băng hà, cách cửa đền Đô hiện tại khoảng một km, đặt tên là Cấm Địa Sơn Lăng. Năm 1028 Lý Thái Tổ băng hà, được an táng tại quê nhà theo di nguyện. Sau này, các vị vua nhà Lý đều được đưa về chôn cất tại đây.
Năm 1030, vua Lý Thái Tông cho xây dựng đền Đô làm nơi thờ vua cha. Từ đó, đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý, theo nội dung cuốn “Di tích lịch sử văn hóa đền Đô” do tác giả Nguyễn Đức Thìn biên soạn.
Ông Chiến nói ban đầu, đền có tên là Cổ Pháp Điện. Đến năm 1605, vua Lê Kính Tông cho mở rộng và đổi tên thành đền Lý Bát Đế. Năm 1952, đền bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1989, chính quyền đã phục dựng đền theo nguyên mẫu và gọi là đền Đô. Đền Đô được công nhận di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.
Đền Đô có diện tích 31.250 m2 với 21 hạng mục công trình, chia thành hai khu vực ngoại thành và nội thành. Ngoại thành gồm: hồ bán nguyệt, nhà thủy đình, nhà văn chỉ và nhà võ chỉ.
Theo hướng lối vào đền, công trình đầu tiên nằm phía bên trái lối vào là nhà văn chỉ (ảnh). Nhà văn chỉ nằm bên trái khu nội thành, xây dựng theo kiến trúc bagian chồng diêm, thờ Tô Hiến Thành (thời vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông) và Lý Đạo Thành (thời vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông) cùng một số quan văn đã có công lớn giúp nhà Lý. Nhà văn chỉ được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại vào năm 2003 để tưởng nhớ công ơn của các vị quan văn thời Lý.
Đi qua nhà văn chỉ, trước khi đến cổng chính khu nội thành, du khách sẽ thấy “Thiên đô chiếu”. Đây là bức cuốn thư cao 3,5 m, rộng hơn 8 m, được làm bằng gốm Bát Tràng, chép lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ.
Cuốn thư gồm 214 chữ Hán nổi màu xanh trên nền trắng, tương ứng với 214 năm trị vì của 8 vị vua (chưa tính tựa đề Chiếu dời đô và tên tác giả Lý Công Uẩn), được hoàn thành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây được coi là bức cuốn thư bằng gốm Bát Tràng lớn nhất Việt Nam.
Khu nội thành rộng hơn 4000 m2 được chia thành nội thất và ngoại thất. Ngoại thất gồm: ngũ long môn, sân rồng, giếng Ngọc (giếng cổ được phát hiện khi khởi công xây dựng lại đền), nhà chủ tế, nhà khách, phòng truyền thống và đền Vua Bà.
Cổng chính dẫn vào khu nội thành, cũng được gọi là ngũ long môn, được xây dựng bằng gỗ quý, lợp ngói mũi hài với những bức tượng đá chạm khắc hình rồng dài khoảng hai mét trên bậc thang. Hai bức tượng rồng chính giữa được điêu khắc công phu với hình ảnh viên ngọc ngậm trong miệng.
Ngũ long môn có ba cửa. Cửa chính được gọi là đại quan, chạm khắc hình rồng bay thể hiện khát vọng tự do, hòa bình. Ông Chiến cho biết trước đây cửa đại quan chỉ mở khi đón vua về thăm. Hai cửa bên phải, trái dành cho quan văn, quan võ. Người dân và quân lính sẽ đi bằng hai cửa tò vò (cửa ngách) nằm bênh cạnh.
Hiện nay ban quản lý đã mở hai cửa bên trái, phải để phục vụ du khách đến tham quan. Cửa đại quan sẽ mở vào những ngày giỗ vua, lễ hội hoặc khi đón các vị nguyên thủ quốc gia.
Bước qua cổng ngũ long là sân rồng và khu vực nội thất của đền. Sân rồng được thiết kế 8 ô đá theo chiều ngang, trên mỗi viên gạch vuông có họa tiết tròn tượng trưng cho đất và trời.
Nội thất đền Đô gồm: nhà phương đình (ảnh), nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, linh cung xếp theo thứ tự từ cổng ngũ long môn hướng vào. Ông Chiến nói nhà phương đình là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tưởng niệm 8 vị vua vào ngày 13/9/1945.
Qua nhà phương đình là nhà tiền tế, nơi tế lễ các vị vua vào những ngày giỗ hoặc dịp lễ hội. Phía bên phải nhà tiền tế trưng bày bài thơ Nam quốc sơn hà, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta do tướng quân Lý Thường Kiệt viết. Bên trái trưng bày bản Chiếu dời đô thu nhỏ.
Qua nhà tiền tế là nhà chuyển bồng, nơi đặt ban Công Đồng (tương tự như ban Tam Bảo ở chùa). Đây là nơi người dân, du khách đến dâng hương, lễ bái.
Qua nhà chuyển bồng là linh cung thờ 8 vị vua nằm ở vị trí sâu nhất. Linh cung rộng hơn 200 m2, được xây 7 gian theo kiến trúc số lẻ của đền, chùa xưa. Mỗi gian đặt một ngai thờ, bài vị và tượng một vị vua. Gian chính giữa đặt tượng vua Lý Thái Tổ và con trai trưởng, vua Lý Thái Tông, tượng trưng cho sự cha truyền con nối.
Bên phải khu nội thất là đền Vua Bà, nơi thờ tự các hoàng thái hậu triều Lý. Phía bên trái là nhà khách. Trong các lễ hội lớn, nam nữ thanh niên địa phương sẽ rước kiệu vua và các ông ngựa được đóng yên cương dát vàng từ chùa Cổ Pháp về đền Đô.
Tại đền Vua Bà còn lưu giữ bia đá “Cổ Pháp Điện Tạo Bi” (ảnh) do học giả Phùng Khắc Khoan soạn dựng năm 1605, ghi lại sự kiện vua Lê Kính Tông xây dựng lại đền và khắc ghi công đức của các vị vua triều Lý.
Tấm bia cao 1,9 m, rộng 1,3 m và có độ dày 17 cm. Theo ông Chiến, bia được chạm khắc tinh xảo, trán bia có hình lưỡng long chầu nguyệt, mặt trăng chạm nổi, có các tia hào quang tỏa chiếu xung quanh. Lòng bia khắc 35 dòng chữ Hán xen kẽ một số chữ Nôm, tổng cộng khoảng 1.500 chữ. Tuy nhiên qua thời gian và do chiến tranh tàn phá, tấm bia đã bị hư hại, những họa tiết và chữ khắc trên bia đã không còn rõ nét.
Sau này, nội dung văn bia được tìm thấy tại Bảo tàng Viện Viễn đông Bác cổ do người Pháp xây dựng. Ban Quản lý đền đã dựng thêm một bia trùng tu đền Đô bằng chữ quốc ngữ, phiên dịch lại nội dung hoàn chỉnh của bia đá cổ.
Phòng truyền thống là nơi lưu giữ các cổ vật cũng như những tư liệu quý về đền Đô và các vị vua triều Lý, trong đó có hình ảnh về những chuyến viếng thăm của hậu duệ nhà Lý ở trong và ngoài nước.
Trong tủ trưng bày hiện lưu giữ bộ đồ thờ cổ của đền Đô xưa gồm đỉnh và đôi hạc đứng trên hai con rùa bằng đồng có chữ “Cổ Pháp Điện” (ảnh). Ông Chiến nói di vật được tìm thấy vào lúc 11h ngày 25/11/1994 dưới đáy giếng Ngọc, khi ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc trở về thăm đền Đô lần thứ hai cùng đoàn đại biểu Hội Hữu nghị văn hóa Hàn – Việt.
Qua khu vực nội điện là nhà võ chỉ với kiến trúc tương tự nhà văn chỉ. Đây là nơi thờ tự các vị quan võ, tướng quân nhà Lý như Lý Thường Kiệt (thời vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), Lê Phụng Hiểu (thời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông), Đào Cam Mộc (thời vua Lý Thái Tổ).
Sau khi Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng nhà văn chỉ, năm 2005, Bộ Văn hóa và Bộ Tài chính đã đầu tư xây dựng nhà võ chỉ để tưởng nhớ công ơn các vị quan võ nhà Lý.
Đối diện khu nội điện của đền Đô là nhà thủy đình nằm trên hồ bán nguyệt, nối với quảng trường ngũ long môn bằng cầu đá. Nhà thủy đình rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm, 8 mái đều được uốn đao cong, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Trước đây khi các vị vua về thăm quê thường ngự ở đây nghe hát quan họ và xem rối nước. Nơi đây từng được Ngân hàng Đông Dương xưa chọn là hình ảnh in trên tiền “năm đồng vàng”. Năm 2003, hình ảnh nhà thủy đình được chọn in trên đồng tiền xu mệnh giá 1.000 đồng.
Bia đá “Cổ Pháp Điện Tạo Bi” ghi lại những công lao của nhà Lý trong công cuộc xây dựng nền độc lập tự chủ của dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, tiêu biểu gồm: dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (năm 1010) để xây dựng nên một trung tâm văn hóa chính trị kinh tế của nước nhà; ban bố Hình thư (năm 1042) là bộ luật pháp thành văn đầu tiên của nhà nước phong kiến; đặt tên nước là Đại Việt (năm 1054) thể hiện sự ngang hàng với Đại Đường, Đại Tống ở phương Bắc; mở thương cảng Vân Đồn (năm 1149) để buôn bán với nước ngoài, mở mang văn hóa; xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám (năm 1070) để đào tạo nhân tài cho đất nước.
Hằng năm, vào những ngày 14,15 và 16/3 âm lịch (kỷ niệm ngày Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang), người dân trên khắp cả nước lại về Đình Bảng tham gia lễ hội đền Đô để dâng hương, tưởng nhớ công ơn của các vị vua nhà Lý.
YÊN BÁI – Lúa trên các ruộng bậc thang ở Tú Lệ và Mù Cang Chải bắt đầu chín, du khách nên lên kế hoạch tham quan trong hai tuần tới.
Hành trình bắt đầu từ thị xã Nghĩa Lộ, cách Hà Nội 220 km. Đây thường là điểm trung chuyển đến nhiều điểm du lịch của Yên Bái như Mù Cang Chải, Tú Lệ, Trạm Tấu, Văn Chấn. Du khách nên khởi hành từ chiều hôm trước tại Hà Nội và nghỉ đêm ở Nghĩa Lộ. Đây là nơi có nhiều chỗ ở, dịch vụ ăn uống.
Lịch trình được tham khảo từ một công ty du lịch và trải nghiệm của anh Nhật Quang (Hà Nội) trong chuyến đi đầu tháng 9.
Ngày 1
Buổi sáng và trưa
Bạn có thể ăn sáng tại Nghĩa Lộ hoặc trên đường. Các món gợi ý có bánh chưng đen, xôi ngũ sắc, xôi trứng kiến.
Hành trình di chuyển thăm các ruộng bậc thang từ Nghĩa Lộ qua Tú Lệ rồi đến Mù Cang Chải, tổng quãng đường gần 90 km. Mặt đường đẹp nhưng nhiều dốc và ngoằn ngoèo, du khách nên cẩn thận khi lái xe.
Anh Nhật Quang gợi ý nên đặt phòng nghỉ đêm tại xã Tú Lệ, cách Nghĩa Lộ khoảng 50 km bởi ở đây có khá nhiều khách sạn và homestay, yên tĩnh, không đông đúc như ở trung tâm Mù Cang Chải.
“Khách sạn Mường Hoa giá 500.000 đồng một đêm phòng cho hai người, khá sạch sẽ và đủ các trang thiết bị cần thiết, nằm ngay trên đường chính. Nếu đi nhóm đông, bạn có thể vào trong bản, như Lìm Thái, ở nhà cộng đồng”, anh Quang cho hay. Quanh khu vực anh ở cũng có nhiều khách sạn tương tự.
Sau khi nhận phòng, bạn di chuyển tới Mù Cang Chải, cách Tú Lệ khoảng 35 km, đi qua đèo Khau Phạ, một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam cùng với Mã Pì Lèng (Hà Giang), Ô Quy Hồ (Lai Châu – Lào Cai) và Pha Đin (Điện Biên). Từ đây, có thể ngắm cảnh đẹp của bản Lìm Mông. Đỉnh đèo là điểm check in và chụp ảnh không thể bỏ qua.
Trong tháng 9 và 10, vào mỗi cuối tuần sẽ có hoạt động dù lượn “Bay trên mùa vàng”. Bay dù từ đỉnh Khau Phạ ngắm mùa vàng là một trong những trải nghiệm nên thử ở Mù Cang Chải mùa lúa chín. Mỗi lượt bay kéo dài 10-15 phút, có hoặc không có người bay kèm, đầy đủ trang thiết bị. Bạn chưa từng bay dù cũng sẽ không gặp khó khăn nào.
Nên lưu ý đăng ký trước dịch vụ này bởi mỗi ngày, sẽ chỉ có khoảng 20 đến 50 khách được phục vụ. Ngoài ra, việc có được bay hay không còn phụ thuộc vào thời tiết. Giá bay dù lượn dao động từ 2,2 triệu đến 2,6 triệu đồng một người, tùy thời điểm ngày thường hay cuối tuần.
Sau đó, du khách có thể ăn trưa trên đỉnh đèo Khau Phạ.
“Ngay khu vực đỉnh đèo có một nhà hàng nhỏ phục vụ các món ăn dân tộc. Thịt trâu nướng tảng cuốn lá cải, rau rừng ăn cùng nước chấm pha theo công thức riêng của người địa phương là món nên thử”, anh Quang cho hay. Một miếng thịt trâu nướng tảng đủ cho hai người ăn giá 180.000 đồng, gói xôi cẩm giá 50.000 đồng.
Buổi chiều
Toàn bộ buổi chiều là thời gian dành cho các điểm đến nổi tiếng của Mù Cang Chải mùa lúa. Dù chỉ cần dừng chân ven đường, bạn cũng có thể chụp được vô số bức ảnh đẹp. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều du khách, hãy thuê xe máy để đi sâu vào khu vực có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất. “Nhiều đoạn đường khá dốc và nhỏ, nên cần tay lái chắc, hoặc thuê chính người địa phương chở”, anh Quang nói.
Ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình là các nơi không thể bỏ qua. Đây là những địa điểm đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đồi Móng Ngựa, đồi Mâm Xôi… là những cái tên thường được nhắc đến. Vào dịp cuối năm, bạn cũng có thể đến đây để chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa tam giác mạch.
Nếu còn thời gian, hãy ghé thêm thác Mơ ở xã Mồ Dề của huyện Mù Cang Chải. Ngọn thác gây ấn tượng với dòng nước trong, tung bọt trắng, cùng hoa rừng nở rực rỡ, tạo thành khung cảnh ấn tượng.
Mua sắm ở chợ Mù Cang Chải rồi quay về Tú Lệ ăn tối và nghỉ đêm.
Ngày 2
Buổi sáng và trưa
Thức dậy sớm và đi dạo giữa những cánh đồng lúa ở Tú Lệ để tận hưởng không khí trong lành, hương lúa thoang thoảng. Trời buổi sáng mát mẻ, chỉ khoảng 25 độ C. Bạn lưu ý mang theo một chiếc áo khoác mỏng. Nếu chủ động dành nhiều thời gian thong dong trong buổi sáng, bạn nên chọn đạp xe tới bản Thái, chân đèo Khau Phạ phía Tú Lệ.
Bản Thái tựa vào núi, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng cùng những nếp nhà sàn, đường sá dễ đi lại. Đan xen là những thửa ruộng bậc thang xanh lẫn vàng. Nếu có thời gian đi sâu hơn, bạn sẽ vào tới bản Lìm Mông.
Gần trưa, quay trở lại trung tâm xã, tìm hiểu cách người dân làm ra những hạt cốm Tú Lệ nổi tiếng. Dọc đường và ở trong bản, bạn đều có thể bắt gặp hoạt động gặt lúa, tuốt lúa, rang cốm. Cốm Tú Lệ hạt cứng, không mềm như cốm ở Hà Nội, nhưng thơm. Ngoài ra, nếu biết cách bảo quản và chế biến (vẩy thêm nước), có thể chế biến cốm Tú Lệ thành những món ăn ngon.
Ăn trưa tại các nhà hàng ven đường với các món gà nướng, thịt trâu nướng, xôi nếp Tú Lệ. Một bữa ăn cho hai người dao động trong khoảng 300.000 đến 400.000 đồng.
Một công đoạn làm cốm Tú Lệ. Ảnh: Nhật Quang
Lúa cho ra những hạt cốm ở Tú Lệ. Ảnh: Nhật Quang
Cốm Tú Lệ. Ảnh: Nhật Quang
Một công đoạn làm cốm Tú Lệ. Ảnh: Nhật Quang
Lúa cho ra những hạt cốm ở Tú Lệ. Ảnh: Nhật Quang
1 / 3
Buổi chiều
Sau hơn một ngày di chuyển và hoạt động nhiều, bạn hãy thư giãn bằng việc tắm suối nước nóng tự nhiên tại Le Champ Tú Lệ. Đây là khu lưu trú, tắm khoáng nóng và vui chơi ngay tại trung tâm xã. Nghỉ qua đêm sẽ được miễn phí các dịch vụ, nếu không sẽ phải mua vé. Giá vé trọn gói là 700.000 đồng. Nếu mua vé riêng lẻ, giá dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Khu khoáng nóng tự nhiên có dòng nước được dẫn trực tiếp từ suối nước nóng gần khu nghỉ dưỡng. Tại đây có một bể lớn và nhiều bể nhỏ. Nếu bạn thích những trò chơi cảm giác mạnh và có tính thử thách cao, nên đến khu giải trí Adventure Camp với một loạt trò thú vị như zorbing (chui vào một quả cầu trong suốt được bơm phồng, sau đó lăn xuống đồi), high rope (mạo hiểm trên dây), leo núi, đặc biệt là đường trượt zipline (đu dây) dài nhất Việt Nam, hơn 1 km.
Có thể ăn bữa chiều tại Le Champ trước khi trở lại thành phố. Thực đơn là các món ăn Việt phổ biến, giá từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi khách.
Hàng chục resort Việt chiến thắng tại Giải thưởng Du lịch Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó nhiều cơ sở nhận 2-3 giải.
Tối 6/9, ban tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2023 khu vực châu Á – Thái Bình Dương công bố kết quả. Ở nội dung cơ sở lưu trú, hàng chục khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam được vinh danh “dẫn đầu châu Á” ở các hạng mục, trong đó, Phú Quốc có 5 đại diện, nhiều nhất nước.
Đại diện đầu tiên của “đảo ngọc” được nhắc đến là La Veranda Resort Phú Quốc – MGallery. Khu nghỉ nằm trên đường Trần Hưng Đạo của thị trấn Dương Đông thắng giải “Resort mang phong cách boutique hàng đầu châu Á 2023” và là lần thứ hai được vinh danh ở hạng mục này (năm đầu là 2021). Khái niệm khu nghỉ/khách sạn boutique thường chỉ những khu lưu trú có số lượng phòng ít, từ 10 đến dưới 100 phòng và có phong cách thiết kế đặc trưng riêng. Giá phòng ở La Veranda Resort Phú Quốc – MGallery từ 2,5 triệu đồng trở lên.
New World Phu Quoc Resort thắng giải “Khu nghỉ ven biển hàng đầu châu Á phù hợp với khách gia đình”. Đây là năm thứ hai liên tiếp khu nghỉ giành danh hiệu này. Giá một villa với ba phòng ngủ từ 5,7 triệu đồng.
WTA là giải thưởng hàng đầu thế giới, được ví như “Oscar của ngành du lịch”, tổ chức thường niên từ năm 1993. Sự kiện nhằm vinh danh, khen thưởng và ghi nhận sự xuất sắc trong lĩnh vực du lịch.
InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort ở phía nam bãi Dài trên đảo Phú Quốc, nhận giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng sang trọng dành cho gia đình hàng đầu châu Á”. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, kể từ 2019, cơ sở lưu trú cao cấp này nhận được danh hiệu trên của WTA. Giá phòng từ 5,2 triệu đồng.
Premier Village Phu Quoc Resort, đại diện tiếp theo đến từ Phú Quốc, nhận giải “Khu nghỉ dưỡng biệt thự hàng đầu châu Á”, lần thứ 5 liên tiếp chiến thắng ở hạng mục này. Giá phòng từ 5,8 triệu đồng.
JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa ở Phú Quốc hai năm liên tiếp đoạt cú đúp giải thưởng “Khu nghỉ và spa sang trọng” và “Khu nghỉ dưỡng dành cho đám cưới sang trọng” hàng đầu châu Á. Giá phòng từ hơn 7,2 triệu đồng.
Banyan Tree Lăng Cô, tọa lạc bên vịnh biển nguyên sơ hình bán nguyệt dài hơn 3 km thuộc Lăng Cô, được vinh danh ở hạng mục “Khu nghỉ dưỡng ven biển sang trọng hàng đầu châu Á”. Đây là năm thứ 3 liên tiếp khu nghỉ với 86 biệt thự bên biển nhận giải thưởng này. Giá phòng từ 7,7 triệu đồng.
Hoi An Memories Resort & Spa, đại diện của tỉnh Quảng Nam, thắng giải “Khu nghỉ dưỡng có dịch vụ giải trí hàng đầu châu Á 2023” và là năm thứ hai liên tiếp giành giải thưởng này. Khu nghỉ nằm tại Cồn Hến, phường Cẩm Nam, thành phố Hội An. Các phòng có hướng nhìn ra sông. Giá phòng từ 1,8 triệu đồng.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Đà Nẵng, được trao ba giải “Khu nghỉ dưỡng xanh”, “Khu nghỉ dưỡng sang trọng” và “Khách sạn có biệt thự sang trọng” hàng đầu châu Á. Đây là năm thứ ba liên tiếp khu nghỉ dưỡng nằm trên bán đảo Sơn Trà giành được cả ba giải thưởng trên từ WTA. Giá phòng từ 9,4 triệu đồng.
Mercure Danang French Village Bana Hills, một đại diện khác đến từ Đà Nẵng, được vinh danh ở hạng mục “Khu nghỉ dưỡng theo chủ đề hàng đầu châu Á”. Năm nay là năm thứ 4 liên tiếp cơ sở được WTA trao giải thưởng này. Giá phòng từ 2,9 triệu đồng.
Ana Mandara Cam Ranh, Khánh Hòa được vinh danh ở hạng mục “Khu nghỉ dưỡng mới hàng đầu châu Á”. Đây là năm đầu tiên cơ sở lưu trú đoạt giải thưởng từ WTA. Giá phòng từ 2,6 triệu đồng.
Six Senses Ninh Van Bay nằm tại vịnh Ninh Vân, Khánh Hòa nhận hai giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng lãng mạn nhất” và “Khu nghỉ dành cho các cặp đôi đi tuần trăng mật hàng đầu châu Á”. Giá phòng từ 15 triệu đồng.
Premier Village Ha Long Bay Resort, đại diện đến từ Quảng Ninh hai năm liên tiếp được vinh danh ở hạng mục “Khu nghỉ dưỡng biệt thự dành cho gia đình hàng đầu châu Á”. Năm 2020, cơ sở lưu trú này nhận giải “Khu nghỉ dưỡng mới hàng đầu châu Á”. Giá phòng từ 1,8 triệu đồng.
WTA 2023 trao gần 150 giải thưởng tại châu Á, trong đó Việt Nam thắng hơn 50 giải. Ngoài các khu nghỉ dưỡng và 8 điểm đến, WTA cũng vinh danh nhiều tổ chức, công ty lữ hành tại Việt Nam như Vietravel là “Công ty tổ chức tour hàng đầu châu Á”, Lux Travel DMC là “Hãng lữ hành sang trọng hàng đầu châu Á”, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á”.
Giá phòng tại các khu nghỉ dưỡng được khảo sát dựa trên giá công bố từ các ứng dụng đặt phòng như Booking, Agoda, My tour, Skyscanner trong tháng 10. Du khách nên gọi điện đến khách sạn để kiểm tra chính xác giá phòng tại thời điểm muốn lưu trú.
UNESCO công nhận 9 di sản thiên nhiên, văn hoá thế giới tại Việt Nam trong đó Hạ Long – Cát Bà nổi bật về vẻ đẹp thiên nhiên; Huế và Hội An hấp dẫn bởi di sản văn hoá; Tràng An tổng hoà giá trị thiên nhiên và văn hoá.
Ngày 16/9, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Như vậy, Việt Nam hiện có 3 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa, 1 di sản hỗn hợp.
Theo Cục Di sản Văn hóa, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận vì chứa đựng nhiều khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên, bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng những đặc điểm karst liên quan như mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với vách dựng đứng nhô lên trên biển cũng là một phần lý do.
“Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu. Nơi đây chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái đất”, trích nhận xét từ Cục Di sản Văn hóa. Ảnh: Trần Đạt
Ngoài danh hiệu mới được trao tặng hôm 16/9, vịnh Hạ Long còn là di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận hai lần trước đó. Năm 1994, vịnh được công nhận là di sản thiên nhiên với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ và trở thành di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Năm 2020, vịnh Hạ Long được công nhận lần hai là di sản thiên nhiên thế giới nhưng lần này theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo.
Nằm ở vùng Đông Bắc, gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và một phần huyện đảo Vân Đồn, vịnh Hạ Long có tổng diện tích hơn 1.550 km2 với 1969 đảo lớn nhỏ. Vùng di sản được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông), theo Cục Du lịch Quốc gia. Ảnh: Phạm Huy Trung
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình hai lần được UNESCO vinh danh. Năm 2003, Phong Nha – Kẻ Bàng lần thứ nhất được vinh danh di sản theo tiêu chí giá trị ngoại hạng về địa chất và địa mạo. Tháng 7/2015, nơi này được vinh danh lần hai ở hai tiêu chí “là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa, phát triển của các hệ sinh thái trên cạn” và “sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học”.
Ủy ban Di sản Thế giới năm 2015 chấp thuận mở rộng Vườn từ 85.754 ha lên 123.326 ha. Ảnh: Hoàng Táo
Quần thể Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014. Nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ở phía nam của Đồng bằng sông Hồng, quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 khu vực bảo tồn chính là: Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư.
Tổng diện tích của quần thể là 4.000 ha, chiếm toàn bộ khối đá vôi Tràng An và được bao quanh bởi vùng đệm rộng 8.000 ha, gồm chủ yếu là các cánh đồng lúa. Ảnh: Ngân Dương
UNESCO công nhận di tích thành nhà Hồ ở Thanh Hóa là di sản văn hóa thế giới vào tháng 6/2011.
Là kinh đô của nhà Hồ, thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). Sau khi xây thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Tuy nhiên, nhà Hồ chỉ tồn tại 7 năm (từ 1400). Ảnh: Lê Hoàng
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 8/2010. Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Nội khi đó là bà Ngô Thị Thanh Hằng, Hoàng thành là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.
Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; Các tầng di tích di vật phong phú. Ảnh: Hương Chi
Đô thị cổ Hội An nối với Biển Đông qua cửa Đại, giáp huyện Duy Xuyên và Điện Bàn, cách Đà Nẵng 20 km, được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1999. Từ thế kỷ 17 về trước, Hội An thông thương với Đà Nẵng qua sông Cổ Cò. Hiện nay, đây là điểm tham quan hút khách bậc nhất tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành
Quần thể di tích Cố đô Huế, được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, trở thành di sản văn hóa thế giới năm 1993. Công trình nổi bật với ba vòng thành theo thứ tự từ lớn đến nhỏ: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành.
Hoàng Thành là công trình quan trọng, bao gồm khu vực phòng vệ, khu vực cử hành đại lễ, khu vực miếu thờ… được đặt giữa không gian thiên nhiên rộng lớn. Trải qua gần 2 thế kỷ và chứng kiến nhiều mốc sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, cổng Ngọ Môn vẫn tồn tại, được coi là một kiến trúc cổ xuất sắc. Ảnh: Nguyễn Trung Âu
Khu di tích Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Được vua Bhadravarman xây dựng từ thế kỷ 4 và hoàn tất vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Chế Mân, Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa.
Hầu hết công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo. Các đền tháp phần lớn quay về hướng đông-phương Mặt Trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng tây hoặc cả hai hướng đông-tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam.
Ngoài 9 di sản thiên nhiên, văn hoá thế giới kể trên, Việt Nam còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO công nhận như Mộc bản triều Nguyễn, Nhã nhạc Cung đình Huế, nghi lễ kéo co.
HÀ NỘI – Căn biệt thự được thiết kế hình chữ L, đồng thời giảm cột và tường ngăn, thay vào đó là kính để tối ưu tầm nhìn hướng hồ.
Căn biệt thự có 2 tầng nổi và một tầng bán hầm, được xây dựng trên khu đất rộng 1.000 m2 tại Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội. Đây là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần của gia chủ, hay mời bạn bè đến chơi vào các dịp đặc biệt.
Khu đất có địa hình dốc thoải, phía trước giáp với con đường dẫn vào sân golf Yên Bài, phía sau nhìn ra hồ nước. Trước khi thuê đơn vị thiết kế và thi công, gia chủ đã tự triển khai sơ bộ phần móng.
Đằng trước và sau công trình chênh lệch cốt nền khoảng 2 m. Để khắc phục độ dốc tương đối lớn, kiến trúc sư đã đưa ra 3 giải pháp gồm: Bố trí khoảng lùi ở mặt trước để tạo cảnh quan hồ koi, chòi nghỉ; hướng các khối chức năng về phía hồ, bám theo độ dốc của địa hình; tận dụng hướng gió để lưu thông không khí.
Công trình có bố cục hình chữ L, để tận dụng diện tích đất và kết nối với các tiện ích. Để tối ưu tầm nhìn hướng hồ, kiến trúc sư chọn phương án giảm thiểu các cột bê tông và tường ngăn, đồng thời sử dụng kính cho lan can và cửa vách.
Công trình được thiết kế một phần vươn khoảng 5 m, tạo khoảng lùi chắn nắng ở 2 hướng Đông – Tây. Một số ít không gian chịu nắng sẽ dùng rèm che.
Mặt sau nhà hướng ra hồ tự nhiên với khoảng sân vườn rộng rãi và khu nướng BBQ để tổ chức tiệc ngoài trời.
Tầng bán hầm được bố trí một bể cân bằng để lưu trữ và xử lý nước tràn của bể bơi, phòng kỹ thuật, phòng chứa rượu vang và hát karaoke.
Kiến trúc sư đã thiết kế khoảng mở lớn ở tầng một để nối liền không gian trước – sau, vừa là gara đỗ xe, vừa giúp đối lưu không khí, đưa gió từ hồ nước thổi qua sân vườn, bể bơi và tiểu cảnh hồ cá koi tới chòi nghỉ ở mặt trước.
Tổng thể các không gian của công trình.
Mặt bằng bố trí tầng một.
Tổng diện tích xây dựng của biệt thự là 600 m2. Trong đó, tầng một gồm phòng khách, bếp trong nhà và ngoài trời, sân vườn, bể bơi, một phòng ngủ có vệ sinh riêng và một phòng vệ sinh chung.
Tầng 2 có một phòng ngủ chính bao gồm khu thay đồ và nhà tắm có bồn, 3 phòng ngủ, không gian giặt phơi và một phòng billard có lối đi riêng ngoài trời.
Phòng khách ở dưới khoảng thông tầng, với tầm nhìn hướng ra hai phía nhờ vách kính sát trần.
Hai khu bếp trong nhà và ngoài trời được đặt cạnh nhau nhằm thuận tiện cho gia chủ khi cần tổ chức các buổi tiệc có đông người tham gia.
Ngay cạnh khu bếp ngoài trời là cầu thang ngoài trời dẫn lên phòng billard ở tầng 2.
Mặt bằng bố trí tầng 2.
Công trình được thiết kế và thi công hoàn thiện trong 8 tháng. Tổng chi phí khoảng 10 tỷ đồng bao gồm cả chi phí xây dựng, hoàn thiện nội thất và cảnh quan sân vườn.
Thu Hương Đơn vị thiết kế: XCONS Việt Nam KTS chủ trì: Trần Quang Khánh Ảnh và clip: LF Studio
Ngày 10/9/2023, Tập đoàn F.I.T ra thông báo chính thức thoái vốn tại dự án Cap Padaran Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận. Quyết định này gây chú ý dư luận, vì đây là một trong những dự án được xem là trọng điểm trong phát triển thị trường nghỉ dưỡng tại Nam Trung Bộ. Báo Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn cùng ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Tập đoàn F.I.T để hiểu rõ hơn câu chuyện phía sau quyết định này.
Xin ông chia sẻ thêm về quyết định thoái vốn của Tập đoàn F.I.T tại dự án Cap Padaran Mũi Dinh? Trước khi đưa ra quyết định này, Tập đoàn đã tiến hành các bước nghiên cứu và cân nhắc nào? Quyết định này xuất phát từ những yếu tố nào trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại?
Chúng tôi bắt đầu cân nhắc trong khoảng 6 tháng đầu năm 2023 về khả năng thoái vốn hay tiếp tục hành trình. Hẳn nhiên, đây không phải là một quyết định dễ dàng, đặc biệt là khi Tập đoàn đã đặt quá nhiều tâm huyết và thời gian cho dự án này. Phải tính đến chuyện rời đi là một điều đáng tiếc, nhưng xét về chiến lược tổng thể, về tầm nhìn dài hạn, chúng tôi quyết định dừng lại để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.
Trước tiên, chúng tôi nhìn nhận lại thị trường. Cho dù hàng ngày, các báo cáo mà tôi nhận được vẫn cho thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu khởi sắc trở lại, nhưng các chuyên gia đều nhận định sẽ phải mất nhiều năm nữa thị trường mới thực sự tháo gỡ được những vướng mắc tầm vĩ mô: Thị trường tồn đọng nhiều do cung đã vượt quá cầu, sự kéo dài trong giải quyết triệt để các vấn đề pháp lý, giá thành phát triển gia tăng do các chi phí đầu vào còn có xu thế tăng rất mạnh trong giai đoạn tiếp theo, sự chờ đợi thông qua các dự án Luật lớn trong năm như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi…
Nhưng điểm mấu chốt là, tình trạng suy thoái kinh tế sau dịch covid ảnh hưởng trực tiếp tới đường hướng phát triển dự án. Tất nhiên, suy thoái tác động đến việc kinh doanh bất động sản nói chung, nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là các đại dự án nghỉ dưỡng – mô hình đang áp dụng tại Cap Padaran Mũi Dinh. Đây là lý do chính khiến chúng tôi dừng lại để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn lực khác. Tập đoàn F.I.T đầu tư vào nhiều lĩnh vực, không thể vì dự án bất động sản tại Mũi Dinh mà đặt cược guồng vận hành ổn định vững chãi của cả một Tập đoàn.
Tập đoàn đã có những sự chuẩn bị nào nhằm đảm bảo quyền lợi của các đối tác liên quan?
Ngay khi quyết định, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện chia sẻ cùng Lãnh đạo thượng tầng của Banyan Tree – Đối tác chiến lược dự án. Rất may mắn, chúng tôi nhận được sự thông cảm, ủng hộ của họ nên mọi đàm phán sau đó tương đối thuận lợi. Cho đến thời điểm này, tôi vẫn luôn dành sự trân trọng với Banyan Tree, đặc biệt là với cá nhân ông Chủ tịch Ho Kwong Ping. Với vị thế và kinh nghiệm của mình, ông Ho đã cho chúng tôi rất nhiều tư vấn thiết thực. Chính những tư vấn đó đã góp phần giúp chúng tôi nhìn nhận lại không chỉ ở phạm vi dự án này, mà còn ở toàn bộ định hướng phát triển mảng bất động sản của Tập đoàn. Họ sẽ vẫn là đối tác quan trọng khi Tập đoàn F.I.T cần đến. Chúng tôi luôn trân trọng điều đó.
Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất trong việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở thời điểm này đối với các doanh nghiệp? Ông có dự đoán gì về sự biến chuyển của thị trường trong tương lai gần?
Như tôi đã nói trên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn cần nhiều thời gian để khôi phục. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất ở thời điểm này là sự quan tâm của khách hàng với phân khúc này giảm đáng kể và có thể còn tiếp tục giảm nữa trong thời gian tới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.
Thứ nhất, ngân hàng kiểm soát tín dụng chặt hơn, đối với nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, đây sẽ là một trở lại khó vượt qua.
Thứ hai, trong bối cảnh giao dịch trầm lắng, nhà đầu tư dễ rơi vào mất thanh khoản do gánh nặng trả lãi cao trong khi thời gian chờ đợi giao dịch lâu hơn những mặt hàng khác. Đặc trưng của bất động sản nghỉ dưỡng là giá trị đầu tư từ lớn tới rất lớn, nên khả năng mất thanh khoản càng cao, khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Đương nhiên mọi chuyện rất khác nếu chúng ta ở giai đoạn thị trường sôi động trở lại, nhưng như đã nói ở trên, chúng ta cần thêm nhiều thời gian chờ đợi.
Quyết định thoái vốn tại dự án Cap Padaran Mũi Dinh được đưa ra như một bước ngoặt chiến lược. Trong tương lai, Tập đoàn F.I.T có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực bất động sản không? Ông có thể chia sẻ một số bài học/kinh nghiệm mà Tập đoàn đã có được từ dự án Cap Padaran Mũi Dinh?
Rút khỏi Cap Padaran Mũi Dinh không có nghĩa là Tập đoàn F.I.T rời khỏi mảng bất động sản. Chúng tôi chỉ thay đổi chiến lược lại để phù hợp với giai đoạn hiện tại. Thời gian thực hiện dự án bất động sản tại Mũi Dinh giúp chúng tôi nhận ra rằng, giá trị của một dự án không đến từ quy mô mà nó cần bắt nguồn từ những điều thiết thực: Sự hài hòa giữa bản chất sản phẩm và giá thành, sự cân bằng giữa ứng dụng sống/ sử dụng và cơ hội đầu tư, chi phí hợp lý với mặt bằng chung…
Chính vì thế, thay vì đầu tư vào đại dự án, Tập đoàn hướng tới phân khúc tầm trung và cao cấp với tính thiết thực được đặt lên hàng đầu. Điều này phù hợp với tôn chỉ của Tập đoàn. Như bạn thấy, tất cả các lĩnh vực Tập đoàn đã và đang lựa chọn, chúng tôi luôn hướng về mục tiêu nâng tầm chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Chủ tịch có thể chia sẻ thêm về mục tiêu dài hạn và tầm nhìn của Tập đoàn, đặc biệt trong phát triển du lịch và bất động sản?
Chúng tôi chủ trương làm vững, làm chắc chứ không phải làm nhanh hay dàn trải. Tập đoàn không định hướng phát triển quá nóng về mảng bất động sản, mà đầu tư từng phân khúc và tập trung làm tốt nhất có thể. Cái đích cuối cùng doanh nghiệp là cũng mong muốn kết hợp giữa lợi nhuận của doanh nghiệp với việc chia sẻ những giá trị về xã hội, về cộng đồng. Do đó, chúng tôi không vì mục tiêu lợi nhuận mà thúc đẩy quá nhanh, trượt sâu khỏi các nguyên tắc cốt lõi đã và đang giúp Tập đoàn phát triển trong suốt 16 năm qua.
Tập đoàn F.I.T được biết đến với sự đa dạng về lĩnh vực hoạt động. Hiện tập đoàn đang tập trung vào các ngành hàng chủ lực, bao gồm ngành dược phẩm, nông nghiệp và ngành hàng tiêu dùng nhanh. Xin ông cho biết các kế hoạch cũng như chiến lược cụ thể cho từng ngành hàng trong thời gian sắp tới?
Tất cả các ngành hàng của chúng tôi đều hướng về cộng đồng, phục vụ các nhu cầu thiết yếu của đa số khách hàng nhưng với mục tiêu nâng tầm chất lượng. 4 chữ này không chỉ các CEO thuộc nằm lòng, mà mỗi một nhân viên đều phải “ngấm” kĩ để khi định làm gì, cũng nhớ rằng, mọi việc mình làm là trở lại phục vụ tốt hơn cho đời sống. Vì thế, chúng tôi không ngừng đầu tư ngược trở lại các nhà máy và dự án, nhằm đảm bảo các cơ sở có được công nghệ tốt nhất hoặc môi trường sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Năm 2023 – 2024, thương hiệu nước khoáng kiềm thiên nhiên Vikoda sẽ được đưa xa hơn, rộng hơn để mọi người được hưởng thụ nguồn nước độc đáo bậc nhất này.
Dược Cửu Long tập trung vào mở rộng quy mô sản xuất với 01 Nhà máy Dược phẩm theo tiêu chuẩn EU-GMP tại tỉnh Long An với quy mô 50.000 m2, tổng vốn đầu tư 1,035 tỷ đồng, 01 nhà máy vật tư thiết bị y tế với diện tích 10.846,6 m2, vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD. FIT Cosmetics đi vào phát triển công nghệ sản xuất hóa mỹ phẩm có nguồn gốc sinh học, đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Các vùng nông nghiệp được mở rộng tại Cần Thơ, tại Vĩnh Long… nhằm đảm bảo nguồn cung chất lượng và chủ động…
F.I.T được biết đến là một trong những Tập đoàn chú trọng đến việc xây dựng môi trường làm việc động viên và sáng tạo. Mới đây, F.I.T cũng được vinh danh trong Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE500). Chủ tịch có thể chia sẻ quan điểm của mình trong việc đảm bảo môi trường làm việc tích cực?
Theo tôi, môi trường làm việc tốt là điều tối thiểu mà chúng tôi cần có để đáp lại những nỗ lực cống hiến của người lao động. Chúng tôi đặt mục tiêu thu hút các nhân tài đến làm việc tại Tập đoàn và các công ty thành viên. Họ, nhất là thế hệ trẻ, rất năng động, sáng tạo trong công việc, mong muốn được thể hiện bản thân, được ghi nhận những ý kiến đóng góp, và đặc biệt là họ cần có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Tại Tập đoàn F.I.T, chúng tôi xây dựng lộ trình phát triển cho từng vị trí, có chương trình bồi dưỡng thế hệ kế cận.
Tất nhiên, không gian làm việc phải đáp ứng đủ tiêu chí hiện đại, số hóa và đáp ứng cân bằng giữa công việc với giải trí, chăm sóc sức khỏe như phòng Gym, Golf, phòng đọc sách, bếp trung tâm… Một môi trường tốt mới có thể ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng.
Chủ tịch có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc tạo ra giá trị xã hội và cộng đồng trong chiến lược kinh doanh? Ông có thể chia sẻ với độc giả về chủ trương hoạt động CSR của tập đoàn?
Chúng tôi có quan điểm rõ ràng ngay từ những ngày đầu thành lập, việc tạo ra giá trị xã hội và cộng đồng là trách nhiệm phải làm. Đã là trách nhiệm thì cần hoàn thiện thông qua mục tiêu, kế hoạch hành động, có chiến lược cụ thể và báo cáo minh bạch trước công chúng. Còn chiến lược CSR có phải nằm trong chiến lược kinh doanh hay không, là tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi doanh nghiệp.
Tại Tập đoàn F.I.T, các hoạt động CSR đang được quy hoạch lại để tập trung vào các dự án dài hạn, chủ yếu tập trung vào Cân bằng môi trường và Cải thiện chất lượng sống. Chúng tôi cũng đang kết hợp với một số tổ chức uy tín để việc triển khai được hiệu quả
Sau một thời gian nghiên cứu và cân nhắc giữa các phương án, ngày 29/07/2023 Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản F.I.T (F.I.T Land) chính thức thông qua việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Cap Padaran Mũi Dinh. Ngày 09/09/2023, các thủ tục giao dịch chuyển giao chính thức hoàn tất. Điều này đồng nghĩa với việc Tập đoàn F.I.T chính thức rời khỏi dự án Cap Padaran Mũi Dinh tại Ninh Thuận.Đây là một quyết định kịp thời trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cho dù có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau dịch Covid-19 nhưng phải mất nhiều năm nữa mới thực sự tháo gỡ được những vướng mắc lớn về vấn đề lớn tầm vĩ mô như: Thị trường tồn đọng nhiều do cung đã vượt quá cầu, kéo dài trong giải quyết các vấn đề pháp lý, giá thành phát triển gia tăng do các chi phí đầu vào còn có xu thế tăng rất mạnh trong giai đoạn tiếp theo, sự chờ đợi thông qua các dự án Luật lớn trong năm như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi…Việc xem xét lại nguồn lực tổng thể và tầm nhìn chiến lược dài hạn trước khi tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án Cap Padaran Mũi Dinh đã được Ban lãnh đạo Tập đoàn đưa ra bàn thảo nghiêm túc, thẳng thắn trong suốt thời gian qua. Tác động của suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các đại dự án nghỉ dưỡng – mô hình áp dụng tại Cap Padaran Mũi Dinh, vì vậy việc tiếp tục theo đuổi dự án có thể sẽ trở thành nguyên nhân gây lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn lực khác. Bằng các phân tích chuyên nghiệp, sự nhạy bén trong kinh doanh, Ban lãnh đạo cùng các chuyên gia tư vấn cao cấp về lĩnh vực bất động sản đã đồng thuận về việc chính thức rút khỏi đại dự án Cap Padaran Mũi Dinh.Quyết định này không đồng nghĩa với việc Tập đoàn F.I.T nói chung, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản F.I.T Land nói riêng sẽ chấm dứt hoạt động đầu tư tại lĩnh vực bất động sản. Ngược lại, đây là bước ngoặt chiến lược, mở ra hướng đi khác khi Tập đoàn F.I.T tập trung đầu tư vào các dự án bất động sản tầm trung và cao cấp, mang tính thiết thực, ứng dụng cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới.
Nhận định về thay đổi chiến lược này, Chủ tịch Nguyễn Văn Sang chia sẻ: “Tập đoàn F.I.T có truyền thống tập trung vào sản xuất và kinh doanh. Phát triển du lịch là lĩnh vực bất động sản đầu tiên chúng tôi tham gia, với chủ trương làm vững, làm chắc chứ không phải làm nhanh hay dàn trải. Chính vì thế, chúng tôi cần thận trọng hơn trong đầu tư trên cơ sở nguồn vốn thu xếp phải rõ ràng, bền vững, tránh áp lực về vốn vay và thanh khoản. Dừng lại tại đại dự án Cap Pardaran Mũi Dinh là phù hợp với định hướng của Tập đoàn bởi chúng tôi không định hướng phát triển quá nóng về mảng bất động sản, mà đầu tư từng phân khúc và tập trung làm tốt nhất có thể. Cái đích cuối cùng doanh nghiệp là cũng mong muốn kết hợp giữa lợi nhuận của doanh nghiệp với việc chia sẻ những giá trị về xã hội, về cộng đồng. Do đó, chúng tôi không vì mục tiêu lợi nhuận mà thúc đẩy quá nhanh, trượt sâu khỏi các nguyên tắc cốt lõi đã và đang giúp Tập đoàn phát triển trong suốt 16 năm qua”.