Nhảy thác, trượt nước, trekking ở Thái Nguyên

THÁI NGUYÊN – Băng rừng vào suối Cửa Tử, du khách lần lượt chinh phục 7 con thác, với các trải nghiệm bơi thuyền, trượt thác, nhảy từ trên cao…

Suối Cửa Tử nằm ở xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 45 km. Dòng suối nằm ở sườn đông của dãy Tam Đảo, bắt nguồn từ núi cao, chảy qua xã Hoàng Nông rồi đổ ra sông Công. Nằm lọt thỏm trong rừng, len lỏi qua những vách đá, dòng suối gồm 7 con thác, một số có hồ nước mát lạnh. Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, không khí mát mẻ, cùng cung đường trekking nhiều địa hình sườn núi, vách đá, khu vực này được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến cho mùa hè.Video Player is loading.ReplayHiện tại 0:18/Thời lượng 0:18Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình

Du khách trèo thuyền giữa dòng ở thác đầu tiên. Video: Nguyễn Văn Tùng.

Anh Nguyễn Văn Tùng (34 tuổi), một hướng dẫn viên địa phương và chủ homestay, cho biết ở đây có 7 thác, tuy nhiên có 4 ngọn thác đầu là đẹp và nhiều trò chơi nhất. Tổng quãng đường du khách phải đi và về khoảng 10 km, thích hợp cho những người yêu khám phá thiên nhiên, hoạt động thể thao. Những du khách có khả năng đi bộ ít hơn có thể lựa chọn cung đường đến thác đầu tiên.

Điểm bắt đầu chuyến trekking của du khách là thôn Đồng Khuân, xã Hoàng Nông. Khu vực suối không bán vé tham quan và nhiều đường mòn trong rừng, để tránh bị lạc, bạn có thể đặt dịch vụ ở Hoàng Nông Farm với giá 1,5 triệu đồng/người. Giá bao gồm một đêm nghỉ tại homestay bìa rừng, người địa phương hướng dẫn tham quan, bữa trưa trong rừng.

Đi bộ khoảng 1,5 km, du khách sẽ đến với dòng suối, nơi chảy dài khoảng 30 km giữa hai bên vách đá dựng đứng. Ở đây bạn có thể chèo thuyền xuôi dòng nước ngắm cảnh hoặc bơi lội. Ở cuối dòng là một hang đá có không khí mát lạnh của hơi nước, đi sâu vào trong là đến điểm thác 1.

Cách đó không xa là ngọn thác thứ 2, đổ từ trên cao xuống lòng hồ một dòng nước màu xanh ngọc bích. Vách đá ở đây cách mặt hồ khoảng 10 m, tạo thành điểm nhảy thác, dành cho những du khách ưa mạo hiểm. Khi tham gia trò chơi, du khách lưu ý mặc áo phao và tuân thủ theo hướng dẫn viên địa phương để đảm bảo an toàn.

Đi từ đây khoảng một km nữa du khách sẽ đến với thác 3. Ở đây có một máng trượt đá tự nhiên, do nước suối chảy xiết tạo nên. Bề mặt máng được mài mòn rất nhẵn, nối thẳng xuống hồ nước sâu phía dưới. Trò chơi này thích hợp cho cả du khách nữ vì độ mạo hiểm ít hơn. Tại thác 3, du khách sẽ dừng nghỉ để ăn trưa trên những tảng đá rộng, với món xôi nếp vải ăn cùng gà quay.

Nhảy thác, trượt mác nước ở Cửa Tử. Video: Vòng Vĩnh Đạt.

Nghỉ ngơi và đi bộ qua những vách đá, du khách đến với điểm cuối trong hành trình là thác số 4, nơi có hồ nước rộng lớn nhất, thích hợp để bơi lội. Ở đây, du khách cũng có thể lưu lại những bức ảnh kỷ niệm.

Cuối ngày, khi đã thấm niềm vui và cơn mệt của buổi dã ngoại, du khách trở về nghỉ tại những nhà giữa đồi chè. Ở đây bạn sẽ gặp những người địa phương làm trong hợp tác xã, họ đảm nhận các công việc nấu ăn, buồng phòng… mà theo lời nhiều du khách là những người hiền hòa, cởi mở. Bữa ăn cuối ngày có thịt ba chỉ rang tôm đồng, cá kho, măng rừng xào tỏi, rau bò khai… những món ăn dân dã của địa phương lại thỏa mãn bụng đói cồn cào của du khách hơn bao giờ hết. Ngoài ra, bạn có thể trải nghiệm pha chế đồ uống từ trái cây.

Chia sẻ về hành trình của mình ở suối Cửa Tử, anh Trịnh Thao (du khách từ Thái Nguyên) nhận xét rất đáng nhớ, dù cả nhóm phải leo bộ trên núi mất nửa ngày. Khu rừng và dòng suối đẹp hoang sơ, mà theo anh không kém trời Tây. Ở đây, cả nhóm đã tham gia đủ các trò chơi trượt máng, nhảy thác với cảm giác hồi hộp nhưng không kém sảng khoái.

Thời điểm đẹp nhất để đến suối Cửa Tử là vào tháng 5-10, tuy nhiên cần tránh những ngày mưa vì có lũ ở thác. Du khách lưu ý đến đây nên mặc trang phục gọn gàng, đi giày thể thao, có thể mang thêm đồ bơi và đồ khô để thay đổi sau khi tắm. Ngoài ra, du khách cũng nên bôi kem chống nắng, thuốc xịt côn trùng.

Lan Hương

0 Shares

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *