HÀ NỘI – Căn biệt thự được thiết kế hình chữ L, đồng thời giảm cột và tường ngăn, thay vào đó là kính để tối ưu tầm nhìn hướng hồ.
Căn biệt thự có 2 tầng nổi và một tầng bán hầm, được xây dựng trên khu đất rộng 1.000 m2 tại Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội. Đây là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần của gia chủ, hay mời bạn bè đến chơi vào các dịp đặc biệt.
Khu đất có địa hình dốc thoải, phía trước giáp với con đường dẫn vào sân golf Yên Bài, phía sau nhìn ra hồ nước. Trước khi thuê đơn vị thiết kế và thi công, gia chủ đã tự triển khai sơ bộ phần móng.
Đằng trước và sau công trình chênh lệch cốt nền khoảng 2 m. Để khắc phục độ dốc tương đối lớn, kiến trúc sư đã đưa ra 3 giải pháp gồm: Bố trí khoảng lùi ở mặt trước để tạo cảnh quan hồ koi, chòi nghỉ; hướng các khối chức năng về phía hồ, bám theo độ dốc của địa hình; tận dụng hướng gió để lưu thông không khí.
Công trình có bố cục hình chữ L, để tận dụng diện tích đất và kết nối với các tiện ích. Để tối ưu tầm nhìn hướng hồ, kiến trúc sư chọn phương án giảm thiểu các cột bê tông và tường ngăn, đồng thời sử dụng kính cho lan can và cửa vách.
Công trình được thiết kế một phần vươn khoảng 5 m, tạo khoảng lùi chắn nắng ở 2 hướng Đông – Tây. Một số ít không gian chịu nắng sẽ dùng rèm che.
Mặt sau nhà hướng ra hồ tự nhiên với khoảng sân vườn rộng rãi và khu nướng BBQ để tổ chức tiệc ngoài trời.
Tầng bán hầm được bố trí một bể cân bằng để lưu trữ và xử lý nước tràn của bể bơi, phòng kỹ thuật, phòng chứa rượu vang và hát karaoke.
Kiến trúc sư đã thiết kế khoảng mở lớn ở tầng một để nối liền không gian trước – sau, vừa là gara đỗ xe, vừa giúp đối lưu không khí, đưa gió từ hồ nước thổi qua sân vườn, bể bơi và tiểu cảnh hồ cá koi tới chòi nghỉ ở mặt trước.
Tổng thể các không gian của công trình.
Mặt bằng bố trí tầng một.
Tổng diện tích xây dựng của biệt thự là 600 m2. Trong đó, tầng một gồm phòng khách, bếp trong nhà và ngoài trời, sân vườn, bể bơi, một phòng ngủ có vệ sinh riêng và một phòng vệ sinh chung.
Tầng 2 có một phòng ngủ chính bao gồm khu thay đồ và nhà tắm có bồn, 3 phòng ngủ, không gian giặt phơi và một phòng billard có lối đi riêng ngoài trời.
Phòng khách ở dưới khoảng thông tầng, với tầm nhìn hướng ra hai phía nhờ vách kính sát trần.
Hai khu bếp trong nhà và ngoài trời được đặt cạnh nhau nhằm thuận tiện cho gia chủ khi cần tổ chức các buổi tiệc có đông người tham gia.
Ngay cạnh khu bếp ngoài trời là cầu thang ngoài trời dẫn lên phòng billard ở tầng 2.
Mặt bằng bố trí tầng 2.
Công trình được thiết kế và thi công hoàn thiện trong 8 tháng. Tổng chi phí khoảng 10 tỷ đồng bao gồm cả chi phí xây dựng, hoàn thiện nội thất và cảnh quan sân vườn.
Thu Hương Đơn vị thiết kế: XCONS Việt Nam KTS chủ trì: Trần Quang Khánh Ảnh và clip: LF Studio
Ngày 10/9/2023, Tập đoàn F.I.T ra thông báo chính thức thoái vốn tại dự án Cap Padaran Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận. Quyết định này gây chú ý dư luận, vì đây là một trong những dự án được xem là trọng điểm trong phát triển thị trường nghỉ dưỡng tại Nam Trung Bộ. Báo Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn cùng ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Tập đoàn F.I.T để hiểu rõ hơn câu chuyện phía sau quyết định này.
Xin ông chia sẻ thêm về quyết định thoái vốn của Tập đoàn F.I.T tại dự án Cap Padaran Mũi Dinh? Trước khi đưa ra quyết định này, Tập đoàn đã tiến hành các bước nghiên cứu và cân nhắc nào? Quyết định này xuất phát từ những yếu tố nào trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại?
Chúng tôi bắt đầu cân nhắc trong khoảng 6 tháng đầu năm 2023 về khả năng thoái vốn hay tiếp tục hành trình. Hẳn nhiên, đây không phải là một quyết định dễ dàng, đặc biệt là khi Tập đoàn đã đặt quá nhiều tâm huyết và thời gian cho dự án này. Phải tính đến chuyện rời đi là một điều đáng tiếc, nhưng xét về chiến lược tổng thể, về tầm nhìn dài hạn, chúng tôi quyết định dừng lại để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.
Trước tiên, chúng tôi nhìn nhận lại thị trường. Cho dù hàng ngày, các báo cáo mà tôi nhận được vẫn cho thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu khởi sắc trở lại, nhưng các chuyên gia đều nhận định sẽ phải mất nhiều năm nữa thị trường mới thực sự tháo gỡ được những vướng mắc tầm vĩ mô: Thị trường tồn đọng nhiều do cung đã vượt quá cầu, sự kéo dài trong giải quyết triệt để các vấn đề pháp lý, giá thành phát triển gia tăng do các chi phí đầu vào còn có xu thế tăng rất mạnh trong giai đoạn tiếp theo, sự chờ đợi thông qua các dự án Luật lớn trong năm như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi…
Nhưng điểm mấu chốt là, tình trạng suy thoái kinh tế sau dịch covid ảnh hưởng trực tiếp tới đường hướng phát triển dự án. Tất nhiên, suy thoái tác động đến việc kinh doanh bất động sản nói chung, nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là các đại dự án nghỉ dưỡng – mô hình đang áp dụng tại Cap Padaran Mũi Dinh. Đây là lý do chính khiến chúng tôi dừng lại để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn lực khác. Tập đoàn F.I.T đầu tư vào nhiều lĩnh vực, không thể vì dự án bất động sản tại Mũi Dinh mà đặt cược guồng vận hành ổn định vững chãi của cả một Tập đoàn.
Tập đoàn đã có những sự chuẩn bị nào nhằm đảm bảo quyền lợi của các đối tác liên quan?
Ngay khi quyết định, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện chia sẻ cùng Lãnh đạo thượng tầng của Banyan Tree – Đối tác chiến lược dự án. Rất may mắn, chúng tôi nhận được sự thông cảm, ủng hộ của họ nên mọi đàm phán sau đó tương đối thuận lợi. Cho đến thời điểm này, tôi vẫn luôn dành sự trân trọng với Banyan Tree, đặc biệt là với cá nhân ông Chủ tịch Ho Kwong Ping. Với vị thế và kinh nghiệm của mình, ông Ho đã cho chúng tôi rất nhiều tư vấn thiết thực. Chính những tư vấn đó đã góp phần giúp chúng tôi nhìn nhận lại không chỉ ở phạm vi dự án này, mà còn ở toàn bộ định hướng phát triển mảng bất động sản của Tập đoàn. Họ sẽ vẫn là đối tác quan trọng khi Tập đoàn F.I.T cần đến. Chúng tôi luôn trân trọng điều đó.
Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất trong việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở thời điểm này đối với các doanh nghiệp? Ông có dự đoán gì về sự biến chuyển của thị trường trong tương lai gần?
Như tôi đã nói trên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn cần nhiều thời gian để khôi phục. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất ở thời điểm này là sự quan tâm của khách hàng với phân khúc này giảm đáng kể và có thể còn tiếp tục giảm nữa trong thời gian tới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.
Thứ nhất, ngân hàng kiểm soát tín dụng chặt hơn, đối với nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, đây sẽ là một trở lại khó vượt qua.
Thứ hai, trong bối cảnh giao dịch trầm lắng, nhà đầu tư dễ rơi vào mất thanh khoản do gánh nặng trả lãi cao trong khi thời gian chờ đợi giao dịch lâu hơn những mặt hàng khác. Đặc trưng của bất động sản nghỉ dưỡng là giá trị đầu tư từ lớn tới rất lớn, nên khả năng mất thanh khoản càng cao, khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Đương nhiên mọi chuyện rất khác nếu chúng ta ở giai đoạn thị trường sôi động trở lại, nhưng như đã nói ở trên, chúng ta cần thêm nhiều thời gian chờ đợi.
Quyết định thoái vốn tại dự án Cap Padaran Mũi Dinh được đưa ra như một bước ngoặt chiến lược. Trong tương lai, Tập đoàn F.I.T có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực bất động sản không? Ông có thể chia sẻ một số bài học/kinh nghiệm mà Tập đoàn đã có được từ dự án Cap Padaran Mũi Dinh?
Rút khỏi Cap Padaran Mũi Dinh không có nghĩa là Tập đoàn F.I.T rời khỏi mảng bất động sản. Chúng tôi chỉ thay đổi chiến lược lại để phù hợp với giai đoạn hiện tại. Thời gian thực hiện dự án bất động sản tại Mũi Dinh giúp chúng tôi nhận ra rằng, giá trị của một dự án không đến từ quy mô mà nó cần bắt nguồn từ những điều thiết thực: Sự hài hòa giữa bản chất sản phẩm và giá thành, sự cân bằng giữa ứng dụng sống/ sử dụng và cơ hội đầu tư, chi phí hợp lý với mặt bằng chung…
Chính vì thế, thay vì đầu tư vào đại dự án, Tập đoàn hướng tới phân khúc tầm trung và cao cấp với tính thiết thực được đặt lên hàng đầu. Điều này phù hợp với tôn chỉ của Tập đoàn. Như bạn thấy, tất cả các lĩnh vực Tập đoàn đã và đang lựa chọn, chúng tôi luôn hướng về mục tiêu nâng tầm chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Chủ tịch có thể chia sẻ thêm về mục tiêu dài hạn và tầm nhìn của Tập đoàn, đặc biệt trong phát triển du lịch và bất động sản?
Chúng tôi chủ trương làm vững, làm chắc chứ không phải làm nhanh hay dàn trải. Tập đoàn không định hướng phát triển quá nóng về mảng bất động sản, mà đầu tư từng phân khúc và tập trung làm tốt nhất có thể. Cái đích cuối cùng doanh nghiệp là cũng mong muốn kết hợp giữa lợi nhuận của doanh nghiệp với việc chia sẻ những giá trị về xã hội, về cộng đồng. Do đó, chúng tôi không vì mục tiêu lợi nhuận mà thúc đẩy quá nhanh, trượt sâu khỏi các nguyên tắc cốt lõi đã và đang giúp Tập đoàn phát triển trong suốt 16 năm qua.
Tập đoàn F.I.T được biết đến với sự đa dạng về lĩnh vực hoạt động. Hiện tập đoàn đang tập trung vào các ngành hàng chủ lực, bao gồm ngành dược phẩm, nông nghiệp và ngành hàng tiêu dùng nhanh. Xin ông cho biết các kế hoạch cũng như chiến lược cụ thể cho từng ngành hàng trong thời gian sắp tới?
Tất cả các ngành hàng của chúng tôi đều hướng về cộng đồng, phục vụ các nhu cầu thiết yếu của đa số khách hàng nhưng với mục tiêu nâng tầm chất lượng. 4 chữ này không chỉ các CEO thuộc nằm lòng, mà mỗi một nhân viên đều phải “ngấm” kĩ để khi định làm gì, cũng nhớ rằng, mọi việc mình làm là trở lại phục vụ tốt hơn cho đời sống. Vì thế, chúng tôi không ngừng đầu tư ngược trở lại các nhà máy và dự án, nhằm đảm bảo các cơ sở có được công nghệ tốt nhất hoặc môi trường sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Năm 2023 – 2024, thương hiệu nước khoáng kiềm thiên nhiên Vikoda sẽ được đưa xa hơn, rộng hơn để mọi người được hưởng thụ nguồn nước độc đáo bậc nhất này.
Dược Cửu Long tập trung vào mở rộng quy mô sản xuất với 01 Nhà máy Dược phẩm theo tiêu chuẩn EU-GMP tại tỉnh Long An với quy mô 50.000 m2, tổng vốn đầu tư 1,035 tỷ đồng, 01 nhà máy vật tư thiết bị y tế với diện tích 10.846,6 m2, vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD. FIT Cosmetics đi vào phát triển công nghệ sản xuất hóa mỹ phẩm có nguồn gốc sinh học, đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Các vùng nông nghiệp được mở rộng tại Cần Thơ, tại Vĩnh Long… nhằm đảm bảo nguồn cung chất lượng và chủ động…
F.I.T được biết đến là một trong những Tập đoàn chú trọng đến việc xây dựng môi trường làm việc động viên và sáng tạo. Mới đây, F.I.T cũng được vinh danh trong Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE500). Chủ tịch có thể chia sẻ quan điểm của mình trong việc đảm bảo môi trường làm việc tích cực?
Theo tôi, môi trường làm việc tốt là điều tối thiểu mà chúng tôi cần có để đáp lại những nỗ lực cống hiến của người lao động. Chúng tôi đặt mục tiêu thu hút các nhân tài đến làm việc tại Tập đoàn và các công ty thành viên. Họ, nhất là thế hệ trẻ, rất năng động, sáng tạo trong công việc, mong muốn được thể hiện bản thân, được ghi nhận những ý kiến đóng góp, và đặc biệt là họ cần có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Tại Tập đoàn F.I.T, chúng tôi xây dựng lộ trình phát triển cho từng vị trí, có chương trình bồi dưỡng thế hệ kế cận.
Tất nhiên, không gian làm việc phải đáp ứng đủ tiêu chí hiện đại, số hóa và đáp ứng cân bằng giữa công việc với giải trí, chăm sóc sức khỏe như phòng Gym, Golf, phòng đọc sách, bếp trung tâm… Một môi trường tốt mới có thể ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng.
Chủ tịch có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc tạo ra giá trị xã hội và cộng đồng trong chiến lược kinh doanh? Ông có thể chia sẻ với độc giả về chủ trương hoạt động CSR của tập đoàn?
Chúng tôi có quan điểm rõ ràng ngay từ những ngày đầu thành lập, việc tạo ra giá trị xã hội và cộng đồng là trách nhiệm phải làm. Đã là trách nhiệm thì cần hoàn thiện thông qua mục tiêu, kế hoạch hành động, có chiến lược cụ thể và báo cáo minh bạch trước công chúng. Còn chiến lược CSR có phải nằm trong chiến lược kinh doanh hay không, là tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi doanh nghiệp.
Tại Tập đoàn F.I.T, các hoạt động CSR đang được quy hoạch lại để tập trung vào các dự án dài hạn, chủ yếu tập trung vào Cân bằng môi trường và Cải thiện chất lượng sống. Chúng tôi cũng đang kết hợp với một số tổ chức uy tín để việc triển khai được hiệu quả
Sau một thời gian nghiên cứu và cân nhắc giữa các phương án, ngày 29/07/2023 Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản F.I.T (F.I.T Land) chính thức thông qua việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Cap Padaran Mũi Dinh. Ngày 09/09/2023, các thủ tục giao dịch chuyển giao chính thức hoàn tất. Điều này đồng nghĩa với việc Tập đoàn F.I.T chính thức rời khỏi dự án Cap Padaran Mũi Dinh tại Ninh Thuận.Đây là một quyết định kịp thời trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cho dù có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau dịch Covid-19 nhưng phải mất nhiều năm nữa mới thực sự tháo gỡ được những vướng mắc lớn về vấn đề lớn tầm vĩ mô như: Thị trường tồn đọng nhiều do cung đã vượt quá cầu, kéo dài trong giải quyết các vấn đề pháp lý, giá thành phát triển gia tăng do các chi phí đầu vào còn có xu thế tăng rất mạnh trong giai đoạn tiếp theo, sự chờ đợi thông qua các dự án Luật lớn trong năm như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi…Việc xem xét lại nguồn lực tổng thể và tầm nhìn chiến lược dài hạn trước khi tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án Cap Padaran Mũi Dinh đã được Ban lãnh đạo Tập đoàn đưa ra bàn thảo nghiêm túc, thẳng thắn trong suốt thời gian qua. Tác động của suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các đại dự án nghỉ dưỡng – mô hình áp dụng tại Cap Padaran Mũi Dinh, vì vậy việc tiếp tục theo đuổi dự án có thể sẽ trở thành nguyên nhân gây lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn lực khác. Bằng các phân tích chuyên nghiệp, sự nhạy bén trong kinh doanh, Ban lãnh đạo cùng các chuyên gia tư vấn cao cấp về lĩnh vực bất động sản đã đồng thuận về việc chính thức rút khỏi đại dự án Cap Padaran Mũi Dinh.Quyết định này không đồng nghĩa với việc Tập đoàn F.I.T nói chung, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản F.I.T Land nói riêng sẽ chấm dứt hoạt động đầu tư tại lĩnh vực bất động sản. Ngược lại, đây là bước ngoặt chiến lược, mở ra hướng đi khác khi Tập đoàn F.I.T tập trung đầu tư vào các dự án bất động sản tầm trung và cao cấp, mang tính thiết thực, ứng dụng cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới.
Nhận định về thay đổi chiến lược này, Chủ tịch Nguyễn Văn Sang chia sẻ: “Tập đoàn F.I.T có truyền thống tập trung vào sản xuất và kinh doanh. Phát triển du lịch là lĩnh vực bất động sản đầu tiên chúng tôi tham gia, với chủ trương làm vững, làm chắc chứ không phải làm nhanh hay dàn trải. Chính vì thế, chúng tôi cần thận trọng hơn trong đầu tư trên cơ sở nguồn vốn thu xếp phải rõ ràng, bền vững, tránh áp lực về vốn vay và thanh khoản. Dừng lại tại đại dự án Cap Pardaran Mũi Dinh là phù hợp với định hướng của Tập đoàn bởi chúng tôi không định hướng phát triển quá nóng về mảng bất động sản, mà đầu tư từng phân khúc và tập trung làm tốt nhất có thể. Cái đích cuối cùng doanh nghiệp là cũng mong muốn kết hợp giữa lợi nhuận của doanh nghiệp với việc chia sẻ những giá trị về xã hội, về cộng đồng. Do đó, chúng tôi không vì mục tiêu lợi nhuận mà thúc đẩy quá nhanh, trượt sâu khỏi các nguyên tắc cốt lõi đã và đang giúp Tập đoàn phát triển trong suốt 16 năm qua”.
HẢI PHÒNG – Công trình gồm phòng khách – bếp – ngủ riêng biệt nằm giữa khu vườn, được lắp ghép hoàn thiện trong 13 ngày.
Công trình có diện tích xây dựng 172 m2, nằm tại Hải Phòng, là ngôi nhà thứ hai, dùng để nghỉ dưỡng của một gia đình.
Khác với những ngôi nhà lắp ghép thường có diện tích nhỏ, công trình được thiết kế 3 không gian rộng rãi, riêng biệt gồm phòng khách, bếp và phòng ngủ, kết nối bằng hệ thống cửa kính liền mạch và khu vườn sinh thái.
Đơn vị thiết kế và thi công tiến hành sản xuất các khối nhà (module) tại xưởng trong 45 ngày, thời gian lắp đặt trực tiếp khoảng 13 ngày.
Kiến trúc sư tận dụng cảnh quan tự nhiên có sẵn tại khu đất. Mật độ cây xanh lớn mang lại không gian sống thoáng, gần gũi với thiên nhiên.
Thông qua hệ thống vách kính trải dài, các thành viên trong gia đình có thể sinh hoạt trong không gian giàu ánh sáng, gió trời và ngắm nhìn cảnh quan xanh mát ở nhiều vị trí.
Dưới mái hiên cạnh phòng khách, kiến trúc sư thiết kế thêm một bàn ăn lớn, thuận tiện tổ chức những buổi tiệc ngoài trời.
Khối phòng khách, được thiết kế đồng nhất vật liệu gỗ ở các hạng mục vách, trần và sàn, tạo cảm giác ấm cúng.
Phòng bếp được thiết kế tách biệt trong khối nhà thứ 2, trang bị đầy đủ tiện nghi, tạo nên không gian rộng rãi phục vụ những bữa cơm gia đình.
Bàn ăn với tầm nhìn rộng mở ra khu vườn xanh mát trước nhà.
Khối nhà thứ 3 gồm 2 phòng ngủ nằm đối diện nhau, sử dụng vách kính trong suốt và cửa lùa nhằm tận dụng diện tích. Ở giữa là hành lang, vừa tăng cường khả năng đối lưu không khí, vừa giúp kết nối các thành viên.
Phòng ngủ chính với 2 mặt kính giúp gia chủ có thể ngắm cảnh khu vườn đầy nắng vào buổi sáng hay ngập tràn ánh đèn điện khi đêm về.
Phòng vệ sinh được thiết kế vách kính ngoài tạo cảm giác thông thoáng, nhưng vẫn giữ được sự riêng tư nhờ vách ngăn decal 2 chiều và rèm kéo. Bồn rửa mặt tách riêng với khu vực vệ sinh, lắp đặt đèn cảm ứng đèn.
Mặt bằng bố trí công trình.
Ngôi nhà có tổng chi phí 1,9 tỷ đồng bao gồm toàn bộ nội thất, thiết bị vệ sinh, móng, bể nước, bể phốt, nhân công hoàn thiện.
Thu Hương Thiết kế và thi công: Nhà lắp ghép DSDhome – Công ty cổ phần Kiến trúc DSD KTS chủ trì: Nguyễn Ngọc Dương
ĐỒNG NAI Các ô cửa ở nhiều vị trí khác nhau kết hợp với hệ lam mái kính, giúp 3 tầng nhà luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên.
Ngôi nhà 3 tầng được xây dựng trên khu đất rộng 260 m2, ở thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai). Gia chủ mong muốn sở hữu không gian sống ưu tiên tính kết nối, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của 5 thành viên trong nhà gồm bố mẹ và 3 con.
Sau khảo sát, kiến trúc sư đã chọn phương án cân đối hài hòa giữa các không gian riêng tư và khu sinh hoạt chung. Mặt tiền được thiết kế nhiều ô cửa xen kẽ lấy sáng và phần chóp mái làm điểm nhấn.
Tầng một được bố trí khu sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp, ăn, phòng ngủ bố mẹ và khu làm việc. Phía trước là chỗ đỗ xe, có mái che bằng lam để tạo sự thông thoáng và không chắn tầm nhìn các không gian bên trong.
Phòng bếp và phòng ăn không có vách ngăn, lấy sáng trực tiếp từ khoảng thông tầng và cửa sổ lớn.
Nối tiếp khu sinh hoạt chung ở tầng một là phòng làm việc, luôn giàu ánh sáng nhờ hệ cửa kính rộng, bên cạnh khoảng sân vườn nhỏ phía sau nhà.
Mặt bằng tầng một.
Từ sảnh, hành lang, cầu thang tầng 2-3 có thể quan sát khu vực bếp ăn, phòng khách nhờ khoảng thông tầng. Nhờ vậy, các con có thể xem mẹ vào bếp nấu nướng và cảm nhận được mùi hương món ăn, theo kiến trúc sư.
Tầng hai là không gian dành cho các con, với 3 phòng ngủ cùng hướng ra sảnh và hành lang chung.
Không gian chiếu nghỉ cầu thang được thiết kế rộng để trở thành nơi đọc sách. Hành lang còn kết hợp quầy bar để cả gia đình cùng nhau thư giãn, sum vầy mỗi khi rảnh rỗi.
Không gian mái ở giữa nhà được làm bằng những thanh bê tông kết hợp với mái kính để lấy sáng. Các ô cửa bố trí tại nhiều vị trí khác nhau kết hợp với lam mái kính ở giữa nhà, giúp ánh sáng rọi trên tường và sàn tạo thành điểm nhấn cho không gian phía dưới.
Phòng ngủ được thiết kế đơn giản, cửa vào hướng ra hành lang chung tạo không khí quây quần.
Tầng 3 được bố trí sân thượng, khu cầu nguyện cho gia đình. Phía sau là phòng trưng bày kỷ vật và khu phơi đồ.
Mặt cắt công trình.
Ngôi nhà được thi công hoàn thiện trong 8 tháng, chi phí khoảng 3,5 tỷ đồng.
TP HCM – Hai phần cầu thang nằm ở cuối và giữa nhà giúp tận dụng diện tích mỗi tầng mà vẫn thông thoáng.
Ngôi nhà nằm trên một khu đất có diện tích 108m2, mặt tiền đường Trần Lựu, quận 2, TP HCM. Chủ nhà mong muốn căn nhà vừa để kinh doanh văn phòng, có chỗ để hai ôtô, nhiều xe máy, vừa bố trí không gian sinh hoạt rộng rãi, nhiều ánh sáng và gió tự nhiên cho gia đình ba thế hệ.
Nhóm kiến trúc sư đã đưa ra giải pháp chia cầu thang bộ ra hai phần, trong đó phần một nằm ở cuối nhà, dành tối đa diện tích cho garage để xe tại tầng một và văn phòng cho thuê tại tầng hai.
Cầu thang thứ hai từ tầng ba lên sân thượng được đưa vào giữa nhà dành cho sinh hoạt nội bộ. Một thang máy thẻ từ cũng được bố trí giữa hai phần thang bộ, giúp gia đình và khu văn phòng đều có thể sử dụng nhưng vẫn đảm bảo an ninh riêng.
Cầu thang phía sau nhà có hình dáng đa dạng, thêm một phần xoắn ốc kết hợp với giếng trời và cây xanh tạo không gian mở, gần gũi với thiên nhiên. Bức tường cuối nhà sơn giả bê tông, sử dụng khung sắt và tấm poly trong giúp đón nắng, tăng sự thông thoáng, mát mẻ cho bên trong nhà.
Tầng ba được bố trí như một căn hộ nhỏ, gồm một phòng ngủ, một bếp ăn và khu vực để thờ. Trần nhà làm từ nhựa giả gỗ với gam màu trầm cùng nội thất có thiết kế đơn giản là điểm nhấn cho không gian sống của ông bà, mang đến cảm giác ấm cúng, mộc mạc.
Giếng trời và phần cầu thang chuyển sang vị trí giữa nhà để nâng cao tính riêng tư, giúp đối lưu không khí, đón ánh sáng tự nhiên từ mái cho không gian bên trong, đồng thời giảm bớt chiều sâu cho hành lang.
“Vị trí cầu thang thay đổi linh hoạt góp phần giảm nhẹ không gian cho nhà 5 tầng, đem đến cảm giác thú vị khi di chuyển từ đó hạn chế việc sử dụng thang máy”, kiến trúc sư trưởng chia sẻ.
Khoảng thông tầng cũng là giếng trời thứ hai giúp lấy ánh sáng tự nhiên, tạo kết nối gần gũi cho ba thế hệ. Tầng bốn và tầng thượng có thiết kế giống như một căn duplex gồm ba phòng ngủ, một bếp ăn nhỏ cho hai vợ chồng và ba con nhỏ.
Nội thất trong phòng ngủ hai vợ chồng có thiết kế đơn giản, phối màu xi măng, đá mài và gỗ tạo cảm giác ấm cúng giữa tổng thể kiến trúc theo phong cách hiện đại.
Nhóm kiến trúc sư đã dùng lam chắn khoét nhiều khung cửa ở mặt tiền, giúp giảm bớt nắng, bụi và tiếng ồn cho các phòng ngủ tiếp giáp mặt đường. Tại mỗi tầng, gia chủ sẽ có góc nhìn đa dạng ra bên ngoài. Mặt tiền “khoét” nhiều ô cửa cũng là điểm nhấn thẩm mỹ của ngôi nhà so với các nhà xung quanh.
Căn nhà mất 9 tháng để hoàn thiện. Tổng chi phí thiết kế, thi công là 4 tỷ đồng.
BÌNH THUẬN – Căn nhà ở TP Phan Thiết được xây dựng theo nguyên tắc hạn chế vách ngăn, sử dụng vật liệu tái chế, dành mái để làm sân vườn gần gũi với thiên nhiên.
Ngôi nhà của một gia đình ba thành viên ở TP Phan Thiết có diện tích 105 m2 . Khu đất xây dựng trước đây là ruộng muối được quy hoạch thành khu dân cư. Chủ nhà cũng là kiến trúc sư của công trình mong muốn xây dựng một ngôi nhà hạn chế bê tông, ít vách ngăn, nhiều cây xanh, đem đến không gian trải nghiệm cho con trai.
“Từ miếng đất có tường cũ bao quanh, tôi muốn tự làm ngôi nhà cho gia đình bằng những vật liệu đã qua sử dụng như gỗ, sắt, gạch”, gia chủ chia sẻ.
Với nền đất khá yếu, xây dựng một ngôi nhà phố từ hai đến ba tầng cần ép cọc sâu khoảng 10-15 m. Kiến trúc sư đã bổ sung thêm các hệ móng đơn mới, sử dụng gỗ thông cho sàn và mái nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực.
Tầng trệt gồm một phòng đa năng, phòng làm việc và bếp ăn của gia đình. Phần sân và khoảng thông tầng ở giữa nhà giúp đón ánh sáng và luồng gió vào không gian bên trong, tạo sự thông thoáng.
Với mặt sàn gỗ, để bố trí sân vườn trên tầng hai và ba, kiến trúc sư đã đưa ra giải pháp trải bạt HDPE, vỉ thoát nước, một lớp vải địa phía dưới, sau đó là lớp đất dày 15-20 cm rồi trồng cỏ và cây xanh tầng thấp. Giải pháp này có độ bền từ 15 đến 20 năm.
Sân vườn trên cao ở tầng hai rộng 35 m2 với không gian mở hoàn toàn, là nơi thư giãn, hòa mình với thiên nhiên của chủ nhà. Bức tường phía trước làm từ gạch không nung được khoét một khung cửa tròn, vừa là nơi vui chơi của con trai vừa tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho mặt tiền.
Vì dành diện tích lớn cho sân vườn nên không gian ở và sinh hoạt bố trí lùi sâu vào trong 10 m. Tầng hai của ngôi nhà giống như một tổ dế mèn với phần mái nhiều cây xanh từ khu vườn trên tầng ba.
Tầng ba gồm phòng thờ và phòng ngủ của con trai cũng được bố trí lùi vào trong, dành 25 m2 diện tích phía trước cho sân vườn thứ hai. Mái nhà được lợp lá dừa đan xen các lớp bạt HDPE, giúp hạn chế bức xạ mặt trời, tạo độ dốc để thoát nước, mang đến cảm giác mộc mạc, thân thiện với môi trường.
Nội thất trong phòng bếp từ tủ, bàn ghế, trần, cầu thang đều sử dụng gỗ tái chế. Giếng trời được bố trí cùng với khu vực cầu thang đem nguồn ánh sáng, đối lưu không khí vào sâu bên trong nhà.
Thiết kế phòng tắm theo không gian mở, trong đó sàn nhà kết hợp đá và sỏi cùng nhiều cây xanh mang đến cảm giác gần gũi thiên nhiên cho gia chủ.
Ngôi nhà mất 3 tháng để hoàn thiện. Tổng chi phí thi công là 2,5 tỷ đồng.
Lấy ý tưởng ngôi nhà nghỉ dưỡng miền nhiệt đới, công trình có kết cấu khung thép và hệ lam mặt tiền làm từ gỗ tái chế.
Công trình có diện tích 160 m2, nằm tại khu biệt thự Phương Nam, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách biển chỉ khoảng 100 m. Gia chủ có mong muốn sở hữu một không gian sống mang cảm hứng nghỉ dưỡng, nơi các thành viên có thể nghỉ ngơi, thư giãn sau mỗi ngày làm việc.
Nhóm kiến trúc sư đã đưa ra giải pháp xây dựng ngôi nhà theo phong cách nghỉ dưỡng miền nhiệt đới, nhằm tạo nên không gian thoáng đãng và gần gũi thiên nhiên ngay giữa đô thị.
Điểm nhấn của công trình là kết cấu khung thép và hệ lam mặt tiền tận dụng 40 m2 gỗ tái chế thu mua được ở các xưởng cưa tại địa phương. Hệ lam vừa đóng vai trò như lớp ngăn cách không gian bên trong và bên ngoài, vừa tạo hiệu ứng như sóng biển nhấp nhô.
Theo kiến trúc sư, nhà khung thép có độ bền cao, đồng thời tiết kiệm 50% thời gian và chi phí xây dựng. Nếu như cùng một diện tích, nhà xây bê tông tốn khoảng 5 tháng thi công và ngân sách đầu tư từ 3-4 tỷ đồng, thì với kết cấu khung thép sẽ chỉ cần 2 tháng và 2 tỷ đồng.
“Giải pháp sử dụng vật liệu tái chế có sẵn tại địa phương còn giúp giảm lượng chất thải xây dựng và tài nguyên”, kiến trúc sư cho hay.
Ngôi nhà gồm hai tầng. Trong đó, tầng một là không gian mở với gara và hồ bơi phía trước. Phòng khách, bếp lui về phía sau để tối ưu sự riêng tư, tách biệt.
Sự đan xen giữa các ô sàn gỗ, đá tự nhiên và cây xanh, mang đến cảm giác gần gũi và thoáng đãng như một ngôi nhà vườn ngoại ô.
Vật liệu tự nhiên là một yếu tố quan trọng trong thiết kế của công trình. Gỗ được sử dụng cho các cấu trúc chính và nội thất. Trong khi, đá tự nhiên được ứng dụng trên các bức tường và sàn nhà.
Với mục đích tối ưu nguồn sáng tự nhiên, công trình được bố trí một khoảng không gian đệm ngăn cách với nhà hàng xóm, đồng thời thay thế tường bê tông bằng hàng rào lưới thép.
Khoảng thông tầng giúp thúc đẩy khả năng đối lưu không khí. Phần mái kính giúp cây phát triển tốt nhờ hấp thụ được ánh sáng tự nhiên.
Tầng hai được bố trí 4 phòng ngủ nằm ở 4 góc đất, ở giữa là hành lang dạng cây cầu và khoảng thông tầng.
Các phòng ngủ có thiết kế giống nhau, tận dụng được cả hai nguồn sáng phía trước và sau nhà.
Phòng vệ sinh được đưa ra sát hệ lam gỗ, tạo cảm giác như đang được thư giãn giữa một ngôi nhà miền nhiệt đới.
Tùy vào nhu cầu sử dụng, gia chủ có thể lựa chọn ngâm mình thư giãn trong bồn nằm hay vách tắm đứng.
Mặt cắt công trình.
Ngôi nhà có tổng thời gian thiết kế và thi công là 2 tháng, chi phí khoảng 2 tỷ đồng.
HÀ NỘI – Cả năm khối nhà đều cách mặt đất 60 cm, khiến cho độ ẩm không thể truyền từ dưới lên trên, giúp tường và sàn luôn khô ráo.
Ngôi nhà tại huyện Sóc Sơn với ưu điểm ba mặt thoáng thuộc về một gia đình ba thế hệ.
Vì xây dựng trên phần đất lấp ao cũ, nhóm kiến trúc sư phải tính toán tải trọng ngôi nhà nhằm không xảy ra hiện tượng nứt gãy do lún không đều.
Ý tưởng về một ngôi nhà tách khối được thực hiện. Tải trọng vì thế được phân bổ, giảm tối đa việc xuống cấp công trình sau một thời gian sử dụng.
Công trình được chia thành 5 khối độc lập, tương ứng với năm khu vực công năng cần thiết của gia đình: Phòng sinh hoạt chung, bếp ăn, ba phòng ngủ, kho đựng dụng cụ nông sản và nhà vệ sinh.
Những khối nhà được kết nối với nhau bởi hành lang và được xoay góc so với hướng đất, đưa mặt tiền chính của ngôi nhà về hướng Nam để đón gió mát.
Các khối nhà có độ cao thấp khác nhau, khối cao chắn nắng cho khối thấp đồng thời đảm bảo được sự thông thoáng giữa các khối. Độ cao mỗi khối từ 3,9 m đến 5,3 m, bố trí theo nguyên tắc khối cao, thời gian sử dụng ít (phòng khách, bếp ăn) sẽ ở góc phía Tây để che nắng tác động lên khối thấp phía Đông (phòng ngủ).
Việc bố trí khối nhà còn dựa vào thời gian biểu hoạt động của con người, như: Phòng ngủ phía Đông có cửa mở hướng Đông để đón ánh bình minh, giúp gia chủ có phản xạ thức dậy mà không cần báo thức. Khối ngoài cùng phía Tây là phòng khách – nơi thời gian hoạt động ít hơn và khối trung tâm là bếp ăn.
“Thời gian ăn uống là lúc có tính tương tác cao nhất giữa mọi người nên không gian này cần sự chú trọng”, kiến trúc sư phụ trách chia sẻ ý tưởng thiết kế.
Phần sàn được nâng lên giúp đế nhà thông thoáng. Độ cao từ đất lên mặt sàn là 60 cm, phần khe hõm vào bên trong móng cao 15 cm. Với độ cao và chi tiết cắt chân (phần sàn nhà nâng lên và đua ra) khiến cho chuột, rắn (những sinh vật có nhiều ở vùng quê) không thể nhảy hay bò ngược vào trong nhà.
Chân nhà được nâng lên còn khiến cho độ ẩm không thể truyền từ dưới đất lên trên, giúp tường luôn khô ráo. Sàn hoàn thiện bằng đá mài (terazo) được làm trực tiếp nên không có khe mạch, dễ vệ sinh và hút độ ẩm trong không khí. Bên trong lớp sàn còn được rải lớp xỉ gạch giúp hút ẩm khiến mùa nồm ngôi nhà không xảy ra hiện tượng đọng nước ở mặt sàn hay tường.
Công trình được thiết kế theo ngôn ngữ tối giản, phù hợp với nhu cầu người sử dụng và vị trí xây dựng.
Phong cách này được thể hiện qua hình khối cơ bản, chi tiết thiết kế đơn giản nhưng vẫn tạo nhịp điệu tránh nhàm chán. Nội thất thiết kế vừa đủ nhằm tăng sự tập trung cảm nhận thiên nhiên xung quanh và tính tương tác của mọi thành viên trong gia đình nhiều hơn.
Những tủ đồ được thiết kế âm tường nhằm tối đa hóa diện tích sử dụng. Không gian bên trong được kết nối với sân vườn qua hệ cửa kính khiến ngôi nhà luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên, hạn chế tối đa sử dụng ánh sáng nhân tạo.
Mảng tường gạch đặc rỗng tạo sự riêng tư nhất định, còn hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào bên trong, đồng thời tạo tính thẩm mỹ cao cho công trình.
Gạch ép không nung được làm từ những phế phẩm xây dựng là vật liệu chính sử dụng trong công trình. Theo kiến trúc sư phụ trách, giá thành gạch ép rẻ hơn gạch nung đất, lại hạn chế tác động việc thải khí đốt.
Ba phòng ngủ đều có hệ kính lớn, có cửa mở ra các hướng khác nhau nên trong trường hợp không kéo rèm vẫn có sự riêng tư nhất định.
Xung quanh nhà được bao bọc bởi cây xanh nên không chịu nhiều tác động của ánh nắng trực tiếp. Ánh sáng vào trong nhà phần lớn là ánh sáng trung gian nên không khí luôn dịu mát.
Các khối độc lập còn giúp cho luồng khí mát được lưu thông xung quanh, gió thổi được phân bố đều lên diện tích bề mặt nhà. Nước mưa trên mái được thu toàn bộ vào bể ngầm đặt bên dưới để phục vụ cho sinh hoạt, chăm sóc cây trồng, tái sinh nguồn nước.
Sân vườn bám sát với khối nhà giúp không gian sinh hoạt gần gũi với thiên nhiên. Xen kẽ dưới tán cây là nơi hoạt động vui chơi và sinh hoạt được diễn ra, trẻ nhỏ có thể thoải mái vui đùa trên thảm cỏ.
Mái nhà khi đổ bê tông được kiểm tra cốt giúp lúc hoàn thiện không cần cán vữa xi măng để tạo độ dốc thu nước mái, giúp mái nhẹ hơn phương án thi công đại trà hiện tại. Bên trên còn được gác lên tấm đan bê tông dày 5 cm cách lớp mái 20 cm, bốn phía xung quanh để khe thoáng rộng 20 cm. Cách làm này giúp không khí giữa mái nhà và lớp tấm đan được lưu thông, không xảy ra hiện tượng truyền nhiệt trực tiếp xuống dưới giúp trong nhà luôn mát mẻ.
Nhiệt lượng được giữ lại ở lớp tấm đan bê tông còn giúp việc phơi nông sản nhanh khô hơn. Trong trường hợp đang phơi nông sản có mưa thì nước mưa sẽ thoát xuống bên dưới, không bị ngâm trong nước.
Bản vẽ ngôi nhà.
Công trình có diện tích sử dụng 130 m2 trên khổ đất 343 m2, tổng chi phí xây dựng 1,3 tỷ đồng.
VĨNH PHÚC – Khu vực sân thượng được bao bọc bởi lớp mái gạch, khoét lỗ hình elip để gia chủ có thể ngắm khung cảnh thiên nhiên phía trước nhà.
Ngôi nhà ống 3 tầng được xây trên khu đất rộng 90 m2, tọa lạc tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Gia chủ muốn tạo nên không gian sống hiện đại, gần gũi thiên nhiên và tăng sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình có 4 thành viên gồm đôi vợ chồng trẻ và 2 con trai nhỏ.
Sau khi khảo sát, kiến trúc sư đưa ra giải pháp tận dụng tối đa lợi thế của khu đất, với hướng chính quay về phía Đông Nam. Trong đó, cấu trúc chính của ngôi nhà theo kiểu lệch tầng giúp tăng khả năng thông gió.
Điểm nhấn của ngôi nhà là sân thượng tầng 3, với phần mái ngói được khoét lỗ hình elip. Từ đây, gia chủ có thể mở rộng nhìn ngắm cảnh đồng lúa xanh nằm trải dài ở phía trước nhà.
Phía sau sân thượng là không gian thờ cúng và phòng kho. Phần mái lợp ngói đỏ và có độ dốc lớn giúp thoát nước mưa dễ dàng.
Mặt cắt công trình.
Kiến trúc sư chọn cách đưa không gian chính gồm phòng khách, bếp, ngủ… vào những góc vuông. Trong khi hành lang, khoảng thông tầng, phòng tắm… đặt ở những góc chéo để tạo cảm giác rộng rãi.
Giếng trời được bố trí cạnh lõi thang ở giữa nhà, từ đó tất cả các không gian trong nhà đều được cung cấp ánh sáng tự nhiên.
Một phần hàng lang tầng 3 được dành làm khu vực tập thể thao, tận dụng được nhiều hướng sáng từ hai giếng trời và cửa sổ.
Sự chênh lệch cao độ của các sàn trong cùng một tầng giúp các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng quan sát và tăng cường tương tác khi sinh hoạt.
Tầng một là không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách – bếp – ăn và một phòng ngủ dành cho khách.
Tầng hai chia thành 2 phòng ngủ của bố mẹ và con. Tất cả các phòng ngủ đều có hệ cửa sổ mở rộng ra phía trước và sau nhà.
Mặt bằng tầng một.
Ngôi nhà được hoàn thiện trong 6 tháng, chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng.