HÀ NỘI – Cả năm khối nhà đều cách mặt đất 60 cm, khiến cho độ ẩm không thể truyền từ dưới lên trên, giúp tường và sàn luôn khô ráo.
Ngôi nhà tại huyện Sóc Sơn với ưu điểm ba mặt thoáng thuộc về một gia đình ba thế hệ.
Vì xây dựng trên phần đất lấp ao cũ, nhóm kiến trúc sư phải tính toán tải trọng ngôi nhà nhằm không xảy ra hiện tượng nứt gãy do lún không đều.
Ý tưởng về một ngôi nhà tách khối được thực hiện. Tải trọng vì thế được phân bổ, giảm tối đa việc xuống cấp công trình sau một thời gian sử dụng.
Công trình được chia thành 5 khối độc lập, tương ứng với năm khu vực công năng cần thiết của gia đình: Phòng sinh hoạt chung, bếp ăn, ba phòng ngủ, kho đựng dụng cụ nông sản và nhà vệ sinh.
Những khối nhà được kết nối với nhau bởi hành lang và được xoay góc so với hướng đất, đưa mặt tiền chính của ngôi nhà về hướng Nam để đón gió mát.
Các khối nhà có độ cao thấp khác nhau, khối cao chắn nắng cho khối thấp đồng thời đảm bảo được sự thông thoáng giữa các khối. Độ cao mỗi khối từ 3,9 m đến 5,3 m, bố trí theo nguyên tắc khối cao, thời gian sử dụng ít (phòng khách, bếp ăn) sẽ ở góc phía Tây để che nắng tác động lên khối thấp phía Đông (phòng ngủ).
Việc bố trí khối nhà còn dựa vào thời gian biểu hoạt động của con người, như: Phòng ngủ phía Đông có cửa mở hướng Đông để đón ánh bình minh, giúp gia chủ có phản xạ thức dậy mà không cần báo thức. Khối ngoài cùng phía Tây là phòng khách – nơi thời gian hoạt động ít hơn và khối trung tâm là bếp ăn.
“Thời gian ăn uống là lúc có tính tương tác cao nhất giữa mọi người nên không gian này cần sự chú trọng”, kiến trúc sư phụ trách chia sẻ ý tưởng thiết kế.
Phần sàn được nâng lên giúp đế nhà thông thoáng. Độ cao từ đất lên mặt sàn là 60 cm, phần khe hõm vào bên trong móng cao 15 cm. Với độ cao và chi tiết cắt chân (phần sàn nhà nâng lên và đua ra) khiến cho chuột, rắn (những sinh vật có nhiều ở vùng quê) không thể nhảy hay bò ngược vào trong nhà.
Chân nhà được nâng lên còn khiến cho độ ẩm không thể truyền từ dưới đất lên trên, giúp tường luôn khô ráo. Sàn hoàn thiện bằng đá mài (terazo) được làm trực tiếp nên không có khe mạch, dễ vệ sinh và hút độ ẩm trong không khí. Bên trong lớp sàn còn được rải lớp xỉ gạch giúp hút ẩm khiến mùa nồm ngôi nhà không xảy ra hiện tượng đọng nước ở mặt sàn hay tường.
Công trình được thiết kế theo ngôn ngữ tối giản, phù hợp với nhu cầu người sử dụng và vị trí xây dựng.
Phong cách này được thể hiện qua hình khối cơ bản, chi tiết thiết kế đơn giản nhưng vẫn tạo nhịp điệu tránh nhàm chán. Nội thất thiết kế vừa đủ nhằm tăng sự tập trung cảm nhận thiên nhiên xung quanh và tính tương tác của mọi thành viên trong gia đình nhiều hơn.
Những tủ đồ được thiết kế âm tường nhằm tối đa hóa diện tích sử dụng. Không gian bên trong được kết nối với sân vườn qua hệ cửa kính khiến ngôi nhà luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên, hạn chế tối đa sử dụng ánh sáng nhân tạo.
Mảng tường gạch đặc rỗng tạo sự riêng tư nhất định, còn hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào bên trong, đồng thời tạo tính thẩm mỹ cao cho công trình.
Gạch ép không nung được làm từ những phế phẩm xây dựng là vật liệu chính sử dụng trong công trình. Theo kiến trúc sư phụ trách, giá thành gạch ép rẻ hơn gạch nung đất, lại hạn chế tác động việc thải khí đốt.
Ba phòng ngủ đều có hệ kính lớn, có cửa mở ra các hướng khác nhau nên trong trường hợp không kéo rèm vẫn có sự riêng tư nhất định.
Xung quanh nhà được bao bọc bởi cây xanh nên không chịu nhiều tác động của ánh nắng trực tiếp. Ánh sáng vào trong nhà phần lớn là ánh sáng trung gian nên không khí luôn dịu mát.
Các khối độc lập còn giúp cho luồng khí mát được lưu thông xung quanh, gió thổi được phân bố đều lên diện tích bề mặt nhà. Nước mưa trên mái được thu toàn bộ vào bể ngầm đặt bên dưới để phục vụ cho sinh hoạt, chăm sóc cây trồng, tái sinh nguồn nước.
Sân vườn bám sát với khối nhà giúp không gian sinh hoạt gần gũi với thiên nhiên. Xen kẽ dưới tán cây là nơi hoạt động vui chơi và sinh hoạt được diễn ra, trẻ nhỏ có thể thoải mái vui đùa trên thảm cỏ.
Mái nhà khi đổ bê tông được kiểm tra cốt giúp lúc hoàn thiện không cần cán vữa xi măng để tạo độ dốc thu nước mái, giúp mái nhẹ hơn phương án thi công đại trà hiện tại. Bên trên còn được gác lên tấm đan bê tông dày 5 cm cách lớp mái 20 cm, bốn phía xung quanh để khe thoáng rộng 20 cm. Cách làm này giúp không khí giữa mái nhà và lớp tấm đan được lưu thông, không xảy ra hiện tượng truyền nhiệt trực tiếp xuống dưới giúp trong nhà luôn mát mẻ.
Nhiệt lượng được giữ lại ở lớp tấm đan bê tông còn giúp việc phơi nông sản nhanh khô hơn. Trong trường hợp đang phơi nông sản có mưa thì nước mưa sẽ thoát xuống bên dưới, không bị ngâm trong nước.
Bản vẽ ngôi nhà.
Công trình có diện tích sử dụng 130 m2 trên khổ đất 343 m2, tổng chi phí xây dựng 1,3 tỷ đồng.
Trang Vy – https://vnexpress.net/nha-5-khoi-hop-thach-thuc-mua-nom-4568511.html
Thiết kế: Mas Architects
Kiến trúc sư chủ trì: Đỗ Minh Thái
Nhóm thiết kế: Trần Trung Đắc, Tạ Mạnh Cường
Ảnh: Hoàng Lê