HẢI PHÒNG – Công trình gồm phòng khách – bếp – ngủ riêng biệt nằm giữa khu vườn, được lắp ghép hoàn thiện trong 13 ngày.
Công trình có diện tích xây dựng 172 m2, nằm tại Hải Phòng, là ngôi nhà thứ hai, dùng để nghỉ dưỡng của một gia đình.
Khác với những ngôi nhà lắp ghép thường có diện tích nhỏ, công trình được thiết kế 3 không gian rộng rãi, riêng biệt gồm phòng khách, bếp và phòng ngủ, kết nối bằng hệ thống cửa kính liền mạch và khu vườn sinh thái.
Đơn vị thiết kế và thi công tiến hành sản xuất các khối nhà (module) tại xưởng trong 45 ngày, thời gian lắp đặt trực tiếp khoảng 13 ngày.
Kiến trúc sư tận dụng cảnh quan tự nhiên có sẵn tại khu đất. Mật độ cây xanh lớn mang lại không gian sống thoáng, gần gũi với thiên nhiên.
Thông qua hệ thống vách kính trải dài, các thành viên trong gia đình có thể sinh hoạt trong không gian giàu ánh sáng, gió trời và ngắm nhìn cảnh quan xanh mát ở nhiều vị trí.
Dưới mái hiên cạnh phòng khách, kiến trúc sư thiết kế thêm một bàn ăn lớn, thuận tiện tổ chức những buổi tiệc ngoài trời.
Khối phòng khách, được thiết kế đồng nhất vật liệu gỗ ở các hạng mục vách, trần và sàn, tạo cảm giác ấm cúng.
Phòng bếp được thiết kế tách biệt trong khối nhà thứ 2, trang bị đầy đủ tiện nghi, tạo nên không gian rộng rãi phục vụ những bữa cơm gia đình.
Bàn ăn với tầm nhìn rộng mở ra khu vườn xanh mát trước nhà.
Khối nhà thứ 3 gồm 2 phòng ngủ nằm đối diện nhau, sử dụng vách kính trong suốt và cửa lùa nhằm tận dụng diện tích. Ở giữa là hành lang, vừa tăng cường khả năng đối lưu không khí, vừa giúp kết nối các thành viên.
Phòng ngủ chính với 2 mặt kính giúp gia chủ có thể ngắm cảnh khu vườn đầy nắng vào buổi sáng hay ngập tràn ánh đèn điện khi đêm về.
Phòng vệ sinh được thiết kế vách kính ngoài tạo cảm giác thông thoáng, nhưng vẫn giữ được sự riêng tư nhờ vách ngăn decal 2 chiều và rèm kéo. Bồn rửa mặt tách riêng với khu vực vệ sinh, lắp đặt đèn cảm ứng đèn.
Mặt bằng bố trí công trình.
Ngôi nhà có tổng chi phí 1,9 tỷ đồng bao gồm toàn bộ nội thất, thiết bị vệ sinh, móng, bể nước, bể phốt, nhân công hoàn thiện.
Thu Hương Thiết kế và thi công: Nhà lắp ghép DSDhome – Công ty cổ phần Kiến trúc DSD KTS chủ trì: Nguyễn Ngọc Dương
Chùa Sóc Lớn với lối kiến trúc tinh xảo từng vào top 100 điểm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước được yêu thích năm 2016.
Ngôi chùa tọa lạc tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh trên nền đất rộng, bao quanh là những hàng dầu, hàng cây thốt nốt, một trong những loài cây gắn liền với đời sống đồng bào Khmer Nam Bộ.
Nơi đây từng nuôi giấu chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa hiện là nơi diễn ra các lễ hội lớn của người Khmer ở Bình Phước và cũng là nơi thu hút đông đảo phật tử khắp nơi tìm về.
Người Khmer quan niệm, đức Phật luôn bên họ để che chở và ban phúc lành nên ở hầu hết ấp, sóc, người dân đều tự nguyện đóng góp để xây dựng ngôi chùa riêng cho địa phương mình. Tùy mỗi khu vực và quan niệm của trụ trì, chùa mang màu sắc riêng, nhưng tựu chung đều là những công trình kiến trúc độc đáo, đậm màu sắc và tính thẩm mỹ cao. Tổng thể ngôi chùa gồm nhiều công trình, nhưng nổi bật và quan trọng nhất là chính điện được xây dựng ở vị trí trung tâm, có nền cao hơn các hạng mục khác. Chính điện quay về hướng Đông theo hướng mặt trời mọc, vì theo quan niệm của người Khmer, đức Phật ngự ở hướng Tây, nhìn về hướng Đông để cứu độ chúng sinh.
Được xây dựng cách đây hàng trăm năm với lối kiến trúc tinh xảo, chùa Sóc Lớn trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người Khmer ở Bình Phước.
Hoa văn chủ đạo ở các mái hiên của chùa là hình tượng tiên nữ, chim thần Krut nâng đỡ mái chùa được lấy từ văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Khmer. Các dãy hành lang được xây dựng thoáng mát, điêu khắc các hình tượng rắn Naga, là đại diện cho những thế lực tà ác đã bị đức Phật quy phục.
Đối với người Khmer, chùa có vị trí rất quan trọng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, xã hội và các lễ hội truyền thống của người dân. Đây cũng là biểu tượng văn hóa, tinh thần, vật chất của đồng bào. Từ bố cục không gian với sự kết hợp hài hòa các hạng mục, chùa là công trình kiến trúc nghệ thuật sáng tạo, mang tính giáo dục và tính dân tộc cao. Với nét đẹp từ kiến trúc đến tư tưởng, chùa là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu góp phần tô điểm những gam màu tích cực và ý nghĩa cho không gian văn hóa Phật giáo tại Bình Phước.
Không chỉ là điểm đến tâm linh, chùa còn gắn liền với một giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Gần 20 năm trước, chùa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Gần đây, chùa Sóc Lớn là nơi diễn ra các hoạt động vui đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Tết diễn ra từ 14-16/4. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, lúc giáp nắng và mùa mưa, là thời điểm trời đất giao hòa, muôn cây tươi tốt, đâm chồi nảy lộc, được người Khmer quan niệm là sự khởi đầu cho một năm mới gọi là Chôl Chnăm Thmây (vào năm mới).
Tuyết Minh đã dành 65 ngày để thực hiện chuyến phượt độc hành bằng xe máy dài khoảng 15.000 km từ Việt Nam qua Lào, Thái Lan và Campuchia.
Là người đam mê du lịch, từ ngày 1/6, Nguyễn Thị Tuyết Minh (29 tuổi, TP HCM) đã thực hiện chuyến phượt độc hành dài nhất trong đời. Cô dành hơn hai tháng để đi xe máy khám phá 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia.
Khác với đa số mọi người sẽ tìm hiểu và lên lịch trình chi tiết cho chuyến đi, Minh không cố định lịch trình mà xuất phát với tâm thế “chạy đến nơi mình muốn để trải nghiệm và khám phá theo cách riêng của mình”. Vì vậy mà chuyến đi có khá nhiều trục trặc nhưng cũng để lại cho Minh những kỷ niệm đáng giá.
Trước Tết, Minh đã đi xuyên Việt cùng bạn bè nên lần này cô lựa chọn gửi xe máy theo tàu và bay ra Hà Nội để tiết kiệm thời gian, sức lực. Từ Hà Nội, Minh di chuyển lên các tỉnh miền núi phía bắc, sau đó xuất cảnh qua cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) để sang Lào.
Lần đầu tiên đặt chân đến nước bạn, Minh “vừa chạy xe vừa khóc nức nở” trên đoạn đường từ Luang Prabang đến Vang Viêng. Tại Luang Prabang, cô đã gặp sự cố nghiêm trọng nhất khi điện thoại bị khoá hơn một tiếng. Tất cả thông tin, giấy tờ và tiền đều nằm trong các ứng dụng trên điện thoại. May mắn, Minh được một chị người Việt tại khách sạn ở đó giúp đỡ. Cô chấp nhận reset điện thoại, đồng nghĩa với việc 25.000 tấm ảnh và tất cả ghi chép về những chuyến đi từ trước đều bị xóa sạch.
“Mình đã buồn rồi còn gặp phải đoạn đường xấu, trời thì tối và sương mù dày đặc, chỉ có thể chạy xe với vận tốc khoảng 10km/h trên con đèo nằm lọt thỏm giữa núi rừng tĩnh mịch và những chiếc xe container phóng vèo qua”, Minh nói.
Sau đó là sự cố rơi kính cận giữa lúc trời mưa bão và quần áo thì ướt sũng trên quãng đường 670 km từ Viêng Chăn đến Pakse gập ghềnh những ổ voi, ổ gà. Cô đã chạy xe gần như liên tục trong suốt 15 tiếng đến khuya, chỉ nghỉ uống nước mỗi lần đổ xăng.
“Ngày hôm sau là lần đầu tiên tôi cảm thấy những ngón tay tưởng chừng muốn rời ra, cả cơ thể ê ẩm như vừa đi đấm bốc”, Minh nói.
Nhật ký ghi chép lại chuyến đi của Minh
Tượng đài Xaysethathirath, một vị vua của Lào ở Viêng Chăn
Chùa Wat That Khao (Lào)
Chùa Wat Xieng Thong (Lào)
Chùa Wat Phou ở Pakse (Lào)
Bảo tàng cung điện Hoàng gia tại Luang Prabang (Lào)
Chùa Thạt Đăm ở Viêng Chăn (Lào)
Khải hoàn môn Patuxay
Món salad đu đủ ba khía Minh yêu thích tại Lào
Từ Pakse, Minh đến Si Phan Don để tham quan rồi nhập cảnh Campuchia qua cửa khẩu Stungsteng và tiếp tục di chuyển tiếp đến Siem Reap. Sóng gió lại ập tới khi cô bị lạc ở bìa rừng giáp ranh giữa Campuchia và Thái Lan lúc trời chập tối. “Sau này tôi mới được mọi người cho biết đó là đoạn đường tuần tra biên giới tranh chấp ở đền Preah Vihear”, Minh nói. Khung cảnh rừng rậm âm u và không có sóng điện thoại khiến Minh “sợ xanh mặt” và chỉ muốn chạy nhanh ra khỏi đó và tìm được khu dân cư trước khi đêm xuống.
Đến Siem Reap, Minh tìm nơi gửi xe và đến Bangkok để thưởng thức ẩm thực Thái Lan cũng như trải nghiệm chạy xe máy ngược làn. Sau đó cô trở lại Siem Reap, khám phá những ngôi đền Angkor, đến thủ đô Phnom Penh, thành phố ven biển Sihanoukville, hòn đảo hoang sơ không điện, nước, không sóng điện thoại Koh Ta Kiev; vùng cao nguyên Bokor.
Kết thúc hành trình tại Campuchia ở Kampot, Minh về Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên và khám phá nốt những địa danh cuối cùng ở miền Tây Nam Bộ (Hà Tiên, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau …) trước khi trở lại TP HCM.
Điều khiến Minh bất ngờ và ấn tượng nhất ở Lào đó là ý thức tham gia giao thông của người dân tại đây. “Họ biết nhường nhịn và kiên nhẫn khi tham gia giao thông, có thể đứng chờ đèn đỏ 100 giây dưới cái nắng gắt của Lào mà không bóp còi inh ỏi xin rẽ phải”, Minh nói. Nhờ vậy, cô học được cách điềm tĩnh hơn khi tham gia giao thông.
Đi phượt một mình, có những ngày Minh chỉ ăn một bữa do mải chạy xe. Trong hàng chục món ăn địa phương tại các nước, cô “mê” nhất món salad đu đủ ba khía và phở Lào ăn cùng với thịt lợn quay thái sợi, nước dùng vị thanh và chua nhẹ. Theo cô, món ăn Lào gần giống với Thái Lan nhưng hương vị mặn hơn.
Đến Campuchia, lần đầu tiên Minh thử ăn châu chấu, dế cháy tỏi. “Nhìn qua cũng khá sợ nhưng ăn rồi là bị mê mẩn vị béo ngậy, giòn tan của côn trùng quyện với vị tỏi ớt mặn và cay nhẹ”. Món hến muối ớt phơi một nắng ăn cùng nước mắm me cũng “khá cuốn” nhưng cô cho rằng món ăn “hơi nguy hiểm” với những ai răng yếu vì phải dùng răng cắn mạnh mới mở được miệng hến.
Tổng chi phí cho chuyến đi khoảng 35 triệu đồng, trung bình một ngày Minh chi 200.000 – 500.000 đồng. Để tiết kiệm, Minh thường thuê chỗ nghỉ theo dạng phòng tập thể, giá chỉ giao động từ 70.000 – 130.000 đồng. Minh cũng chọn loại xe không quá tốn xăng và không gặp sự cố trên đường đi nên tiết kiệm được chi phí sửa chữa, xăng xe. Trước chuyến đi, Minh cũng học cách sửa xe bằng đồ nghề mang theo khi gặp các sự cố đơn giản như thủng săm.
Bộ dụng cụ sửa xe Minh mang theo
Minh ghé thăm các ngôi đền Angor ở Campuchia
Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (Campuchia)
Khung cảnh đường phố Thái Lan
Thưởng thức ẩm thực Thái Lan
Làng Kampong Phluk ở Siem Reap (Campuchia)
Món châu chấu cháy tỏi Minh yêu thích tại Campuchia
Biểu tượng Mũi Cà Mau
Cổng trời An Giang
Võ Quốc Cường (TP HCM), bạn đồng hành cùng Minh đến Điện Biên, cho biết anh luôn theo dõi hành trình của Minh từ lúc tách đoàn. “Vài người xung quanh ngăn cản, bản thân tôi cũng không muốn chị đi một mình nhưng tôi tin mỗi người có một mục tiêu, một câu chuyện riêng. Tôi vui vì chị đã hoàn thành ước mơ và trở về nhà an toàn”, Cường nói.
Đặng Hùng Mạnh (34 tuổi, Kiên Giang), người đã từng mang xe máy đi phượt cả ba nước Đông Dương và Thái Lan, bày tỏ sự tán thưởng với hành trình của Minh. “Là con gái lại một mình đi xe máy xuyên biên giới, phải rất dũng cảm mới có thể đi hết mà không bỏ cuộc giữa chừng”. Chuyến đi của Minh có thể truyền cảm hứng cho nhiều bạn nữ dám vượt qua giới hạn của bản thân để đi phượt. Tuy nhiên, anh khuyên mọi người nên lên lịch trình cụ thể và chia sẻ với người quen để đảm bảo an toàn. Đồng thời nên đi cùng bạn đồng hành để đổi lái khi mệt và có người cùng xử lý tình huống khi gặp sự cố nghiêm trọng.
“Đến giờ, mình vẫn đang cảm thấy hạnh phúc với chuyến đi, khi dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua những sợ hãi thường trực của con gái”, Minh nói. Cô cũng gửi lời cảm ơn đến những người bạn mới gặp hay những người anh em, bạn bè đã theo dõi hành trình của cô và hỗ trợ về mặt thông tin, tinh thần và cả tài chính để hoàn thành trọn vẹn hành trình.
ĐỒNG NAI Các ô cửa ở nhiều vị trí khác nhau kết hợp với hệ lam mái kính, giúp 3 tầng nhà luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên.
Ngôi nhà 3 tầng được xây dựng trên khu đất rộng 260 m2, ở thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai). Gia chủ mong muốn sở hữu không gian sống ưu tiên tính kết nối, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của 5 thành viên trong nhà gồm bố mẹ và 3 con.
Sau khảo sát, kiến trúc sư đã chọn phương án cân đối hài hòa giữa các không gian riêng tư và khu sinh hoạt chung. Mặt tiền được thiết kế nhiều ô cửa xen kẽ lấy sáng và phần chóp mái làm điểm nhấn.
Tầng một được bố trí khu sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp, ăn, phòng ngủ bố mẹ và khu làm việc. Phía trước là chỗ đỗ xe, có mái che bằng lam để tạo sự thông thoáng và không chắn tầm nhìn các không gian bên trong.
Phòng bếp và phòng ăn không có vách ngăn, lấy sáng trực tiếp từ khoảng thông tầng và cửa sổ lớn.
Nối tiếp khu sinh hoạt chung ở tầng một là phòng làm việc, luôn giàu ánh sáng nhờ hệ cửa kính rộng, bên cạnh khoảng sân vườn nhỏ phía sau nhà.
Mặt bằng tầng một.
Từ sảnh, hành lang, cầu thang tầng 2-3 có thể quan sát khu vực bếp ăn, phòng khách nhờ khoảng thông tầng. Nhờ vậy, các con có thể xem mẹ vào bếp nấu nướng và cảm nhận được mùi hương món ăn, theo kiến trúc sư.
Tầng hai là không gian dành cho các con, với 3 phòng ngủ cùng hướng ra sảnh và hành lang chung.
Không gian chiếu nghỉ cầu thang được thiết kế rộng để trở thành nơi đọc sách. Hành lang còn kết hợp quầy bar để cả gia đình cùng nhau thư giãn, sum vầy mỗi khi rảnh rỗi.
Không gian mái ở giữa nhà được làm bằng những thanh bê tông kết hợp với mái kính để lấy sáng. Các ô cửa bố trí tại nhiều vị trí khác nhau kết hợp với lam mái kính ở giữa nhà, giúp ánh sáng rọi trên tường và sàn tạo thành điểm nhấn cho không gian phía dưới.
Phòng ngủ được thiết kế đơn giản, cửa vào hướng ra hành lang chung tạo không khí quây quần.
Tầng 3 được bố trí sân thượng, khu cầu nguyện cho gia đình. Phía sau là phòng trưng bày kỷ vật và khu phơi đồ.
Mặt cắt công trình.
Ngôi nhà được thi công hoàn thiện trong 8 tháng, chi phí khoảng 3,5 tỷ đồng.
TP HCM – Hai phần cầu thang nằm ở cuối và giữa nhà giúp tận dụng diện tích mỗi tầng mà vẫn thông thoáng.
Ngôi nhà nằm trên một khu đất có diện tích 108m2, mặt tiền đường Trần Lựu, quận 2, TP HCM. Chủ nhà mong muốn căn nhà vừa để kinh doanh văn phòng, có chỗ để hai ôtô, nhiều xe máy, vừa bố trí không gian sinh hoạt rộng rãi, nhiều ánh sáng và gió tự nhiên cho gia đình ba thế hệ.
Nhóm kiến trúc sư đã đưa ra giải pháp chia cầu thang bộ ra hai phần, trong đó phần một nằm ở cuối nhà, dành tối đa diện tích cho garage để xe tại tầng một và văn phòng cho thuê tại tầng hai.
Cầu thang thứ hai từ tầng ba lên sân thượng được đưa vào giữa nhà dành cho sinh hoạt nội bộ. Một thang máy thẻ từ cũng được bố trí giữa hai phần thang bộ, giúp gia đình và khu văn phòng đều có thể sử dụng nhưng vẫn đảm bảo an ninh riêng.
Cầu thang phía sau nhà có hình dáng đa dạng, thêm một phần xoắn ốc kết hợp với giếng trời và cây xanh tạo không gian mở, gần gũi với thiên nhiên. Bức tường cuối nhà sơn giả bê tông, sử dụng khung sắt và tấm poly trong giúp đón nắng, tăng sự thông thoáng, mát mẻ cho bên trong nhà.
Tầng ba được bố trí như một căn hộ nhỏ, gồm một phòng ngủ, một bếp ăn và khu vực để thờ. Trần nhà làm từ nhựa giả gỗ với gam màu trầm cùng nội thất có thiết kế đơn giản là điểm nhấn cho không gian sống của ông bà, mang đến cảm giác ấm cúng, mộc mạc.
Giếng trời và phần cầu thang chuyển sang vị trí giữa nhà để nâng cao tính riêng tư, giúp đối lưu không khí, đón ánh sáng tự nhiên từ mái cho không gian bên trong, đồng thời giảm bớt chiều sâu cho hành lang.
“Vị trí cầu thang thay đổi linh hoạt góp phần giảm nhẹ không gian cho nhà 5 tầng, đem đến cảm giác thú vị khi di chuyển từ đó hạn chế việc sử dụng thang máy”, kiến trúc sư trưởng chia sẻ.
Khoảng thông tầng cũng là giếng trời thứ hai giúp lấy ánh sáng tự nhiên, tạo kết nối gần gũi cho ba thế hệ. Tầng bốn và tầng thượng có thiết kế giống như một căn duplex gồm ba phòng ngủ, một bếp ăn nhỏ cho hai vợ chồng và ba con nhỏ.
Nội thất trong phòng ngủ hai vợ chồng có thiết kế đơn giản, phối màu xi măng, đá mài và gỗ tạo cảm giác ấm cúng giữa tổng thể kiến trúc theo phong cách hiện đại.
Nhóm kiến trúc sư đã dùng lam chắn khoét nhiều khung cửa ở mặt tiền, giúp giảm bớt nắng, bụi và tiếng ồn cho các phòng ngủ tiếp giáp mặt đường. Tại mỗi tầng, gia chủ sẽ có góc nhìn đa dạng ra bên ngoài. Mặt tiền “khoét” nhiều ô cửa cũng là điểm nhấn thẩm mỹ của ngôi nhà so với các nhà xung quanh.
Căn nhà mất 9 tháng để hoàn thiện. Tổng chi phí thiết kế, thi công là 4 tỷ đồng.
BÌNH THUẬN – Căn nhà ở TP Phan Thiết được xây dựng theo nguyên tắc hạn chế vách ngăn, sử dụng vật liệu tái chế, dành mái để làm sân vườn gần gũi với thiên nhiên.
Ngôi nhà của một gia đình ba thành viên ở TP Phan Thiết có diện tích 105 m2 . Khu đất xây dựng trước đây là ruộng muối được quy hoạch thành khu dân cư. Chủ nhà cũng là kiến trúc sư của công trình mong muốn xây dựng một ngôi nhà hạn chế bê tông, ít vách ngăn, nhiều cây xanh, đem đến không gian trải nghiệm cho con trai.
“Từ miếng đất có tường cũ bao quanh, tôi muốn tự làm ngôi nhà cho gia đình bằng những vật liệu đã qua sử dụng như gỗ, sắt, gạch”, gia chủ chia sẻ.
Với nền đất khá yếu, xây dựng một ngôi nhà phố từ hai đến ba tầng cần ép cọc sâu khoảng 10-15 m. Kiến trúc sư đã bổ sung thêm các hệ móng đơn mới, sử dụng gỗ thông cho sàn và mái nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực.
Tầng trệt gồm một phòng đa năng, phòng làm việc và bếp ăn của gia đình. Phần sân và khoảng thông tầng ở giữa nhà giúp đón ánh sáng và luồng gió vào không gian bên trong, tạo sự thông thoáng.
Với mặt sàn gỗ, để bố trí sân vườn trên tầng hai và ba, kiến trúc sư đã đưa ra giải pháp trải bạt HDPE, vỉ thoát nước, một lớp vải địa phía dưới, sau đó là lớp đất dày 15-20 cm rồi trồng cỏ và cây xanh tầng thấp. Giải pháp này có độ bền từ 15 đến 20 năm.
Sân vườn trên cao ở tầng hai rộng 35 m2 với không gian mở hoàn toàn, là nơi thư giãn, hòa mình với thiên nhiên của chủ nhà. Bức tường phía trước làm từ gạch không nung được khoét một khung cửa tròn, vừa là nơi vui chơi của con trai vừa tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho mặt tiền.
Vì dành diện tích lớn cho sân vườn nên không gian ở và sinh hoạt bố trí lùi sâu vào trong 10 m. Tầng hai của ngôi nhà giống như một tổ dế mèn với phần mái nhiều cây xanh từ khu vườn trên tầng ba.
Tầng ba gồm phòng thờ và phòng ngủ của con trai cũng được bố trí lùi vào trong, dành 25 m2 diện tích phía trước cho sân vườn thứ hai. Mái nhà được lợp lá dừa đan xen các lớp bạt HDPE, giúp hạn chế bức xạ mặt trời, tạo độ dốc để thoát nước, mang đến cảm giác mộc mạc, thân thiện với môi trường.
Nội thất trong phòng bếp từ tủ, bàn ghế, trần, cầu thang đều sử dụng gỗ tái chế. Giếng trời được bố trí cùng với khu vực cầu thang đem nguồn ánh sáng, đối lưu không khí vào sâu bên trong nhà.
Thiết kế phòng tắm theo không gian mở, trong đó sàn nhà kết hợp đá và sỏi cùng nhiều cây xanh mang đến cảm giác gần gũi thiên nhiên cho gia chủ.
Ngôi nhà mất 3 tháng để hoàn thiện. Tổng chi phí thi công là 2,5 tỷ đồng.
Lấy ý tưởng ngôi nhà nghỉ dưỡng miền nhiệt đới, công trình có kết cấu khung thép và hệ lam mặt tiền làm từ gỗ tái chế.
Công trình có diện tích 160 m2, nằm tại khu biệt thự Phương Nam, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách biển chỉ khoảng 100 m. Gia chủ có mong muốn sở hữu một không gian sống mang cảm hứng nghỉ dưỡng, nơi các thành viên có thể nghỉ ngơi, thư giãn sau mỗi ngày làm việc.
Nhóm kiến trúc sư đã đưa ra giải pháp xây dựng ngôi nhà theo phong cách nghỉ dưỡng miền nhiệt đới, nhằm tạo nên không gian thoáng đãng và gần gũi thiên nhiên ngay giữa đô thị.
Điểm nhấn của công trình là kết cấu khung thép và hệ lam mặt tiền tận dụng 40 m2 gỗ tái chế thu mua được ở các xưởng cưa tại địa phương. Hệ lam vừa đóng vai trò như lớp ngăn cách không gian bên trong và bên ngoài, vừa tạo hiệu ứng như sóng biển nhấp nhô.
Theo kiến trúc sư, nhà khung thép có độ bền cao, đồng thời tiết kiệm 50% thời gian và chi phí xây dựng. Nếu như cùng một diện tích, nhà xây bê tông tốn khoảng 5 tháng thi công và ngân sách đầu tư từ 3-4 tỷ đồng, thì với kết cấu khung thép sẽ chỉ cần 2 tháng và 2 tỷ đồng.
“Giải pháp sử dụng vật liệu tái chế có sẵn tại địa phương còn giúp giảm lượng chất thải xây dựng và tài nguyên”, kiến trúc sư cho hay.
Ngôi nhà gồm hai tầng. Trong đó, tầng một là không gian mở với gara và hồ bơi phía trước. Phòng khách, bếp lui về phía sau để tối ưu sự riêng tư, tách biệt.
Sự đan xen giữa các ô sàn gỗ, đá tự nhiên và cây xanh, mang đến cảm giác gần gũi và thoáng đãng như một ngôi nhà vườn ngoại ô.
Vật liệu tự nhiên là một yếu tố quan trọng trong thiết kế của công trình. Gỗ được sử dụng cho các cấu trúc chính và nội thất. Trong khi, đá tự nhiên được ứng dụng trên các bức tường và sàn nhà.
Với mục đích tối ưu nguồn sáng tự nhiên, công trình được bố trí một khoảng không gian đệm ngăn cách với nhà hàng xóm, đồng thời thay thế tường bê tông bằng hàng rào lưới thép.
Khoảng thông tầng giúp thúc đẩy khả năng đối lưu không khí. Phần mái kính giúp cây phát triển tốt nhờ hấp thụ được ánh sáng tự nhiên.
Tầng hai được bố trí 4 phòng ngủ nằm ở 4 góc đất, ở giữa là hành lang dạng cây cầu và khoảng thông tầng.
Các phòng ngủ có thiết kế giống nhau, tận dụng được cả hai nguồn sáng phía trước và sau nhà.
Phòng vệ sinh được đưa ra sát hệ lam gỗ, tạo cảm giác như đang được thư giãn giữa một ngôi nhà miền nhiệt đới.
Tùy vào nhu cầu sử dụng, gia chủ có thể lựa chọn ngâm mình thư giãn trong bồn nằm hay vách tắm đứng.
Mặt cắt công trình.
Ngôi nhà có tổng thời gian thiết kế và thi công là 2 tháng, chi phí khoảng 2 tỷ đồng.
HÀ NỘI – Cả năm khối nhà đều cách mặt đất 60 cm, khiến cho độ ẩm không thể truyền từ dưới lên trên, giúp tường và sàn luôn khô ráo.
Ngôi nhà tại huyện Sóc Sơn với ưu điểm ba mặt thoáng thuộc về một gia đình ba thế hệ.
Vì xây dựng trên phần đất lấp ao cũ, nhóm kiến trúc sư phải tính toán tải trọng ngôi nhà nhằm không xảy ra hiện tượng nứt gãy do lún không đều.
Ý tưởng về một ngôi nhà tách khối được thực hiện. Tải trọng vì thế được phân bổ, giảm tối đa việc xuống cấp công trình sau một thời gian sử dụng.
Công trình được chia thành 5 khối độc lập, tương ứng với năm khu vực công năng cần thiết của gia đình: Phòng sinh hoạt chung, bếp ăn, ba phòng ngủ, kho đựng dụng cụ nông sản và nhà vệ sinh.
Những khối nhà được kết nối với nhau bởi hành lang và được xoay góc so với hướng đất, đưa mặt tiền chính của ngôi nhà về hướng Nam để đón gió mát.
Các khối nhà có độ cao thấp khác nhau, khối cao chắn nắng cho khối thấp đồng thời đảm bảo được sự thông thoáng giữa các khối. Độ cao mỗi khối từ 3,9 m đến 5,3 m, bố trí theo nguyên tắc khối cao, thời gian sử dụng ít (phòng khách, bếp ăn) sẽ ở góc phía Tây để che nắng tác động lên khối thấp phía Đông (phòng ngủ).
Việc bố trí khối nhà còn dựa vào thời gian biểu hoạt động của con người, như: Phòng ngủ phía Đông có cửa mở hướng Đông để đón ánh bình minh, giúp gia chủ có phản xạ thức dậy mà không cần báo thức. Khối ngoài cùng phía Tây là phòng khách – nơi thời gian hoạt động ít hơn và khối trung tâm là bếp ăn.
“Thời gian ăn uống là lúc có tính tương tác cao nhất giữa mọi người nên không gian này cần sự chú trọng”, kiến trúc sư phụ trách chia sẻ ý tưởng thiết kế.
Phần sàn được nâng lên giúp đế nhà thông thoáng. Độ cao từ đất lên mặt sàn là 60 cm, phần khe hõm vào bên trong móng cao 15 cm. Với độ cao và chi tiết cắt chân (phần sàn nhà nâng lên và đua ra) khiến cho chuột, rắn (những sinh vật có nhiều ở vùng quê) không thể nhảy hay bò ngược vào trong nhà.
Chân nhà được nâng lên còn khiến cho độ ẩm không thể truyền từ dưới đất lên trên, giúp tường luôn khô ráo. Sàn hoàn thiện bằng đá mài (terazo) được làm trực tiếp nên không có khe mạch, dễ vệ sinh và hút độ ẩm trong không khí. Bên trong lớp sàn còn được rải lớp xỉ gạch giúp hút ẩm khiến mùa nồm ngôi nhà không xảy ra hiện tượng đọng nước ở mặt sàn hay tường.
Công trình được thiết kế theo ngôn ngữ tối giản, phù hợp với nhu cầu người sử dụng và vị trí xây dựng.
Phong cách này được thể hiện qua hình khối cơ bản, chi tiết thiết kế đơn giản nhưng vẫn tạo nhịp điệu tránh nhàm chán. Nội thất thiết kế vừa đủ nhằm tăng sự tập trung cảm nhận thiên nhiên xung quanh và tính tương tác của mọi thành viên trong gia đình nhiều hơn.
Những tủ đồ được thiết kế âm tường nhằm tối đa hóa diện tích sử dụng. Không gian bên trong được kết nối với sân vườn qua hệ cửa kính khiến ngôi nhà luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên, hạn chế tối đa sử dụng ánh sáng nhân tạo.
Mảng tường gạch đặc rỗng tạo sự riêng tư nhất định, còn hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào bên trong, đồng thời tạo tính thẩm mỹ cao cho công trình.
Gạch ép không nung được làm từ những phế phẩm xây dựng là vật liệu chính sử dụng trong công trình. Theo kiến trúc sư phụ trách, giá thành gạch ép rẻ hơn gạch nung đất, lại hạn chế tác động việc thải khí đốt.
Ba phòng ngủ đều có hệ kính lớn, có cửa mở ra các hướng khác nhau nên trong trường hợp không kéo rèm vẫn có sự riêng tư nhất định.
Xung quanh nhà được bao bọc bởi cây xanh nên không chịu nhiều tác động của ánh nắng trực tiếp. Ánh sáng vào trong nhà phần lớn là ánh sáng trung gian nên không khí luôn dịu mát.
Các khối độc lập còn giúp cho luồng khí mát được lưu thông xung quanh, gió thổi được phân bố đều lên diện tích bề mặt nhà. Nước mưa trên mái được thu toàn bộ vào bể ngầm đặt bên dưới để phục vụ cho sinh hoạt, chăm sóc cây trồng, tái sinh nguồn nước.
Sân vườn bám sát với khối nhà giúp không gian sinh hoạt gần gũi với thiên nhiên. Xen kẽ dưới tán cây là nơi hoạt động vui chơi và sinh hoạt được diễn ra, trẻ nhỏ có thể thoải mái vui đùa trên thảm cỏ.
Mái nhà khi đổ bê tông được kiểm tra cốt giúp lúc hoàn thiện không cần cán vữa xi măng để tạo độ dốc thu nước mái, giúp mái nhẹ hơn phương án thi công đại trà hiện tại. Bên trên còn được gác lên tấm đan bê tông dày 5 cm cách lớp mái 20 cm, bốn phía xung quanh để khe thoáng rộng 20 cm. Cách làm này giúp không khí giữa mái nhà và lớp tấm đan được lưu thông, không xảy ra hiện tượng truyền nhiệt trực tiếp xuống dưới giúp trong nhà luôn mát mẻ.
Nhiệt lượng được giữ lại ở lớp tấm đan bê tông còn giúp việc phơi nông sản nhanh khô hơn. Trong trường hợp đang phơi nông sản có mưa thì nước mưa sẽ thoát xuống bên dưới, không bị ngâm trong nước.
Bản vẽ ngôi nhà.
Công trình có diện tích sử dụng 130 m2 trên khổ đất 343 m2, tổng chi phí xây dựng 1,3 tỷ đồng.
VĨNH PHÚC – Khu vực sân thượng được bao bọc bởi lớp mái gạch, khoét lỗ hình elip để gia chủ có thể ngắm khung cảnh thiên nhiên phía trước nhà.
Ngôi nhà ống 3 tầng được xây trên khu đất rộng 90 m2, tọa lạc tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Gia chủ muốn tạo nên không gian sống hiện đại, gần gũi thiên nhiên và tăng sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình có 4 thành viên gồm đôi vợ chồng trẻ và 2 con trai nhỏ.
Sau khi khảo sát, kiến trúc sư đưa ra giải pháp tận dụng tối đa lợi thế của khu đất, với hướng chính quay về phía Đông Nam. Trong đó, cấu trúc chính của ngôi nhà theo kiểu lệch tầng giúp tăng khả năng thông gió.
Điểm nhấn của ngôi nhà là sân thượng tầng 3, với phần mái ngói được khoét lỗ hình elip. Từ đây, gia chủ có thể mở rộng nhìn ngắm cảnh đồng lúa xanh nằm trải dài ở phía trước nhà.
Phía sau sân thượng là không gian thờ cúng và phòng kho. Phần mái lợp ngói đỏ và có độ dốc lớn giúp thoát nước mưa dễ dàng.
Mặt cắt công trình.
Kiến trúc sư chọn cách đưa không gian chính gồm phòng khách, bếp, ngủ… vào những góc vuông. Trong khi hành lang, khoảng thông tầng, phòng tắm… đặt ở những góc chéo để tạo cảm giác rộng rãi.
Giếng trời được bố trí cạnh lõi thang ở giữa nhà, từ đó tất cả các không gian trong nhà đều được cung cấp ánh sáng tự nhiên.
Một phần hàng lang tầng 3 được dành làm khu vực tập thể thao, tận dụng được nhiều hướng sáng từ hai giếng trời và cửa sổ.
Sự chênh lệch cao độ của các sàn trong cùng một tầng giúp các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng quan sát và tăng cường tương tác khi sinh hoạt.
Tầng một là không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách – bếp – ăn và một phòng ngủ dành cho khách.
Tầng hai chia thành 2 phòng ngủ của bố mẹ và con. Tất cả các phòng ngủ đều có hệ cửa sổ mở rộng ra phía trước và sau nhà.
Mặt bằng tầng một.
Ngôi nhà được hoàn thiện trong 6 tháng, chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng.
Với phần nội thất được dát vàng, căn biệt thự mang dáng dấp của cung điện Versailles đang là bất động sản nhà ở có giá cao nhất tại Dubai.
Theo Bloomberg, căn biệt thự chỉ có 5 phòng ngủ nhưng sở hữu diện tích lên tới hơn 5.574 m2. Trong đó, riêng phòng ngủ chính rộng tới 371 m2. Bên cạnh đó, nơi đây còn nổi bật với nhiều tiện ích như garage cỡ lớn với sức chứa tới 15 ôtô, hồ bơi trong nhà và ngoài trời, bể cá rạn san hô…
Theo Bloomberg, căn biệt thự chỉ có 5 phòng ngủ nhưng sở hữu diện tích lên tới hơn 5.574 m2. Trong đó, riêng phòng ngủ chính rộng tới 371 m2. Bên cạnh đó, nơi đây còn nổi bật với nhiều tiện ích như garage cỡ lớn với sức chứa tới 15 ôtô, hồ bơi trong nhà và ngoài trời, bể cá rạn san hô…
Căn biệt thự được xây dựng phần lớn từ đá cẩm thạch được nhập khẩu Italy với tổng giá trị lên tới 21-27 triệu USD. Việc xây dựng mất gần 12 năm và được hoàn thành vào năm 2018.
700.000 lá vàng đã được 70 công nhân lành nghề dát lên các chi tiết trong căn nhà suốt 9 tháng. Không chỉ vậy, bất động sản này còn được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ khi có sự hiện diện của hơn 400 tác phẩm nghệ thuật, chủ yếu là các bức tượng và tranh vẽ thế kỷ XIX và XX.
Thị trường bất động sản Dubai đã bắt đầu sôi động kể từ cuối năm 2020. Việc thành phố xử lý đại dịch một cách nhanh chóng đã giúp nơi đây mở cửa sớm hơn nhiều so với các khu vực khác.
Giới siêu giàu đổ xô mua bất động sản tại Dubai như một cách để cất giữ tiền trong bối cảnh nền kinh tế thế giới thiếu ổn định. Không chỉ vậy, nhiều người giàu có từ Nga cũng đã quyết định chuyển đến đây khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra.
Theo bà Kerry Michael, Giám đốc tiếp thị của Luxhabitat Sotheby’s, căn biệt thự là nơi ở lý tưởng dành cho giới tinh hoa hoặc chính trị gia. Môi giới viên của đơn vị này cho biết chỉ có khoảng 5-10 người trên thế giới có đủ tiềm lực tài chính và thực sự quan tâm đến bất động sản xa xỉ này.
Sắp tới, căn biệt thự này sẽ có một đối thủ xứng tầm là căn penthouse tại dự án Bugatti by Binghatti (Dubai) cũng đang được chào bán với giá 204 triệu USD. Tuy nhiên, bất động sản này vẫn chưa được xây dựng xong.
Thanh Vũ Ảnh: Luxhabitat Sotheby’s International Realty