Đặc sản “trời ban” xấu “hết phần thiên hạ”, có tiền cũng khó mua ở Cà Mau

Dù có vẻ ngoài xấu xí, kỳ dị khiến thực khách dè chừng nhưng cá thòi lòi lại là đặc sản “hiếm có khó tìm” ở Cà Mau. Đến Đất mũi, không phải ai cũng may mắn được thưởng thức đặc sản “trời ban” này.

Cá thòi lòi (hay cá leo cây) thuộc họ cá bống trắng, thường sống và đào hang trú ngụ trong rừng ngập mặn hay đất bồi ven biển, ven sông,… Ở Việt Nam, Cà Mau được ví như “thủ phủ” của cá thòi lòi.

Loài cá này có vẻ ngoài xấu xí với kích thước nhỏ chỉ khoảng 1-2 đầu ngón tay. Cặp mắt của chúng khá to, phình hơn cả đầu nên hình dáng trông rất kỳ dị. Cá thòi lòi có thể sống được cả trên cạn và dưới nước. Thậm chí, chúng còn “biết bay” và leo cây thoăn thoắt nhờ hai chiếc vây trước khỏe mạnh, hoạt động như một đôi tay.

Đặc sản trời ban xấu hết phần thiên hạ, có tiền cũng khó mua ở Cà Mau - 1
Cá thòi lòi là một trong những sản vật được thiên nhiên ban tặng cho người dân Cà Mau nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung (Ảnh: Chí Thiên).

Cá thòi lòi từng được Tổ chức Sinh vật thế giới liệt kê vào danh sách một trong 6 con vật “kỳ lạ nhất hành tinh” bởi những đặc điểm cấu tạo độc đáo trên cơ thể.

Để bắt được loài cá này, người dân địa phương có nhiều cách như đặt bẫy, cắm câu vào ban ngày hay soi đèn vào ban đêm,… Khi bị soi đèn vào mắt, cá trở nên bất động và mất phương hướng nên người dân dễ dàng bắt hơn. Tuy nhiên, việc đặt bẫy vẫn được xem là phổ biến và hiệu quả nhất.

Người ta thường tạo bẫy từ nhiều vật liệu như dùng sà vi (được làm bằng lá dừa nước, hình dáng như một chiếc lợp) hoặc tái chế chai lọ cũ làm bẫy đặt trước cửa hang của cá. Khi nước cạn, cá thòi lòi bắt đầu bò ra ngoài sẽ bị mắc vào bẫy mà không thể thoát ra. Người dân nhanh tay nhấc bẫy, gom cá mang về.

Đặc sản trời ban xấu hết phần thiên hạ, có tiền cũng khó mua ở Cà Mau - 2
Người Cà Mau thường đánh bắt cá thòi lòi bằng cách đặt bẫy trước cửa hang của chúng (Ảnh: Võ Thế Vũ).

Tuy có vẻ ngoài xấu xí, kỳ dị nhưng cá thòi lòi lại là đặc sản “trời ban” được người bản địa cũng như du khách thập phương vô cùng yêu thích. Nhiều người còn kiếm thêm thu nhập nhờ việc săn bắt loài cá xấu “hết phần thiên hạ” này.

Để chế biến cá thòi lòi, người ta phải đem cá đi làm sạch, loại bỏ hết nhớt trên da. Loài cá này sống trong môi trường tự nhiên nên thịt rất thơm ngon và săn chắc. Bởi vậy, nhiều nhà hàng, quán ăn ở thành phố hay cả những thực khách sành ăn sẵn sàng chi tiền để mua chúng với giá cao.

Đặc sản trời ban xấu hết phần thiên hạ, có tiền cũng khó mua ở Cà Mau - 3
Cá thòi lòi tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng lại là nguyên liệu chế biến nên nhiều món ăn ngon nức tiếng phương Nam (Ảnh: Cá Cà Mau).

Cá thòi lòi là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn như kho tiêu, nấu lẩu chua, chiên xù, nướng muối ớt,… Mỗi món có một cách chế biến và hương vị khác nhau nhưng đều để lại dấu ấn đậm nét trong lòng thực khách.

Với món cá nướng muối ớt, người ta đem cá làm sạch rồi xiên vào các que tre dài. Cá được nướng trên bếp than để dậy mùi thơm. Nướng đến đâu, đầu bếp sẽ quệt liên tục hỗn hợp muối, ớt và dầu điều lên đến đó để cá ngấm đều các gia vị cũng như có màu sắc đẹp mắt. Khi một mặt cá chín thì lật mặt còn lại lên nướng tiếp.

Món cá nướng có lớp da vàng, giòn rụm, thơm nức mũi. Thịt cá trắng, săn chắc và mềm. Khi thưởng thức, thực khách chỉ cần dùng đũa tách thịt cá ra khỏi xương rồi chấm với muối tiêu chanh hoặc nước mắm chua cay, ăn kèm rau thơm. Vị ngọt thơm của cá kết hợp với các gia vị đi kèm tạo thành món ngon lạ miệng “hút” khách.

Đặc sản trời ban xấu hết phần thiên hạ, có tiền cũng khó mua ở Cà Mau - 4
Canh chua cá thòi lòi (Ảnh: Khởi Hân).

Người miền Tây thường có những món ăn kho tiêu rất “tốn cơm” nên cá thòi lòi cũng được chế biến theo cách này. Cá được làm sạch, tẩm ướp gia vị vừa ăn. Khi kho, người ta thường cho thêm tiêu, nước cốt dừa và mỡ lợn để cá có độ béo ngậy và dậy mùi thơm. Cá phải được kho trong nồi đất, để lửa liu riu đến khi cạn thì mới chín nhừ, đậm đà hương vị.

Đặc sản trời ban xấu hết phần thiên hạ, có tiền cũng khó mua ở Cà Mau - 5
Cá thòi lòi kho tiêu là một trong những món ăn được người Cà Mau vô cùng yêu thích (Ảnh: iPEC).

Tới Cà Mau, du khách còn được thấy một đặc sản hấp dẫn khác là cá thòi lòi phơi khô. Món này thường được dân nhậu yêu thích vì giòn, thơm, ăn lai rai và có thể bảo quản, sử dụng lâu dài.

Đặc sản trời ban xấu hết phần thiên hạ, có tiền cũng khó mua ở Cà Mau - 6
Từ món ăn dân dã của người địa phương, cá thòi lòi giờ trở thành đặc sản nức tiếng gần xa (Ảnh: @meomuop91).

Cá thòi lòi nay được bán ở nhiều tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,… nhưng chỉ khi tới vùng Đất mũi và thưởng thức trực tiếp những con cá thòi lòi vừa được đánh bắt còn tươi rói, khách sành ăn mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị tinh túy của thứ đặc sản “trời ban”.

Một điều đặc biệt là cá thòi lòi hiện chỉ sinh sống trong tự nhiên, chưa thể nuôi bằng trang trại nên thực khách muốn thưởng thức phải nhờ người dân đánh bắt thủ công. Chúng cũng được xem là đặc sản “hiếm có khó tìm”, có tiền cũng khó mua.

Thảo TrinhDantri

0 Shares

Cá linh non đầu mùa nhúng giấm

Những con cá linh non đầu mùa nước nổi tươi rói cùng với bông điên điển nhúng giấm mang đến hương vị đậm đà đặc trưng miền Tây.

“Tháng 7 (Âm lịch) nước nhảy lên bờ” là cách gọi của người dân miền Tây khi mùa nước nổi từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Người miền Tây không giống dân vùng khác, họ sẽ cảm thấy buồn nếu đến mùa mà không thấy lũ về. Thực ra đây không phải là thiên tai mà là mùa làm ăn mới, mưu sinh nhờ con nước của bà con vùng nước nổi sau khi gặt lúa xong.

An Giang, Đồng Tháp là những nơi đón lũ sớm nhất. Dòng nước mang theo phù sa và các sản vật cá tôm. Vợ chồng anh chị Cao Văn Tùng, Nguyễn Thị Kim Cương gắn bó với sông nước từ lâu và mỗi mùa nước lại đặt dớn bắt cá tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Từ năm 2016, anh Tùng còn mở thêm kênh Youtube Thương lắm miền Tây để đăng các video giới thiệu món ăn dân dã, đời sống và du lịch miền sông nước theo mùa.

Cá linh non đầu mùa tươi rói.
Cá linh non đầu mùa tươi rói.

Anh Tùng cho biết năm nay lũ về muộn nên đặc sản cá linh cũng có chậm hơn. Cuối tháng 7 Âm lịch, khi thấy cá linh non về, gia đình anh Tùng chèo xuồng dọc theo kênh Cần Đăng, một nhánh của sông Hậu để đặt dớn thu hoạch cá linh. Trên đoạn kênh Cần Đăng, anh đặt 12 dây dớn. Dớn có hai phần chính là đuôi và hai cánh, dễ lắp đặt, sử dụng đơn giản bắt các loại cá, tép. Ngoài cá linh non, trong dớn còn bắt được cua, cá rô phi, ếch, cá chạch và tép, đều có thể làm món ăn ngon.

Đầu mùa nước nổi, cá linh non ít, đổ dớn chỉ được 2-4 kg/ngày nhưng bán được giá 150.000 đồng/kg. Tầm khoảng nửa tháng sau cá linh về nhiều, thu hoạch cũng nhiều hơn thì giá bán giảm còn khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.

Chèo xuồng thăm dớn, chị Cương còn ghé bờ hái bông điên điển về làm món cá linh non và bông điên điển nhúng giấm. Điên điển thuộc họ đậu, mọc tự nhiên nên dễ dàng thích nghi môi trường sống ven bờ. Cây trưởng thành mọc thành bụi cao trên dưới 5 m, ra hoa mọc thành chùm màu vàng, với mỗi chùm có 8-10 hoa.

Chị Cương hướng dẫn làm cá linh non nhúng giấm ăn kèm bông điên điển.
Chị Cương hướng dẫn làm cá linh non nhúng giấm ăn kèm bông điên điển.

Cá linh ăn đúng điệu phải ngay mùa nước nổi, cá còn bé như cá cơm nên có thể nhai hết cả xương. Cá linh có thể chế biến được nhiều món ăn như nấu canh chua, chiên bột hay kho lạt nhưng muốn ăn kiểu nhúng giấm thì phải tới An Giang, Đồng Tháp mới có thể cảm nhận được độ ngon, tươi của món này.

Chị Cương chia sẻ làm cá linh đơn giản bằng cách ngắt bụng, kéo bộ ruột ra rồi chà cá trong rổ và rửa sạch vảy. Kế đến là ướp cá với các loại gia vị như muối, ớt băm, ít nước mắm, hành lá, tiêu và đường. Còn phần nước giấm là giấm chua nhà tự làm, pha với nước, đường, tiêu, muối cho vị chua ngọt vừa miệng. Ngoài ra, nước mắm nhĩ, ớt hiểm tươi và các loại rau ăn kèm như bông điên điển, rau muống, chuối ghém cũng không thể thiếu khi thưởng thức món cá linh nhúng giấm. Để thêm phần hấp dẫn, có thể cho vào nước giấm một ít tỏi băm đã phi vàng và tỏi sống băm.

Cá linh cho vào nồi nước giấm đang sôi, sau đó cho thêm rau. Cá vừa chín thì ăn kèm cơm trắng. Vị ngọt thơm của cá, bông điên điển cùng vị chua thanh của giấm hòa cùng vị cay nồng của nước mắm ớt làm tê đầu lưỡi. Ăn đến đâu thả cá và rau thưởng thức đến đó.

“Cá linh nhúng giấm ngoài vị ngọt của cá, còn mang hương vị ấm áp của quê hương và cả ký ức tuổi thơ khi nhớ lại từng mùa lũ miền Tây mang theo sản vật trù phú tràn về”, anh Tùng chia sẻ.

Bắt cá linh non về nhúng giấm ăn lẩu.


Theo Vnexpress

0 Shares

BIỂN BA ĐỘNG – BÃI BIỂN ĐẸP NHẤT XỨ TRÀ VINH

Biển Ba Động là danh thắng và địa điểm du lịch Trà Vinh nổi tiếng thuộc địa phận xã Trường Long Hoà, huyện Duyên Hải. Bãi biển Ba Động mang vẻ đẹp hoang sơ với triền cát trải dài bên hàng dương rì rào theo gió, được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất xứ Trà Vinh. Đến đây, bạn thỏa thích tắm biển, thưởng thức hải sản tươi ngon, và tận hưởng không khí trong lành mát mẻ.

Biển Ba Động

Theo những người dân sống lâu năm ở vùng đất này cho biết, sở dĩ có tên gọi bãi biển Ba Động là bởi mỗi khi thủy triều xuống, bờ biển nơi đây lại nổi lên ba động cát, gồm hai động nhỏ và một động lớn có dáng vẻ độc đáo, thu hút sự hiếu kỳ của người dân bản địa.

Bình minh trên Biển Ba Động

Cách trung tâm TP. Trà Vinh chừng 60km, bãi biển Ba Động thơ mộng đã được người Pháp khám phá, cho xây dựng thành nơi tắm biển, nghỉ dưỡng từ những năm đầu thế kỷ XX và đặt tên là Biển Nhà Mát.

Vùng biển Đông ven bờ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng biển phù sa do nhiều cửa sông lớn nhỏ đổ ra nên phần lớn là bãi bùn, nước không trong. Trong đó, biển Ba Động là khu vực hiếm hoi ở miền Tây Nam bộ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một bãi cát dài hơn 10 km từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng.

Bãi biển thơ mộng đã được người Pháp khám phá từ những năm đầu thế kỷ XX . Ảnh: Phan Minh

Do độ dốc thoai thoải, khi nước thủy triều xuống, bãi cát phơi ra hàng trăm mét, từ bờ xuống tới mép nước. Cũng do nằm trong khu vực biển phù sa nên bãi cát Ba Động không trắng muốt hay vàng óng ả, nước biển Ba Động cũng không thể trong xanh như với các bãi biển Miền Trung. Tuy nhiên, dọc bờ biển Đông, từ Gò Công tới Cà Mau, Ba Động có bãi cát đẹp, nước biển khá trong, nhất là vào những tháng sau Tết Nguyên đán, sóng yên biển lặng, hình thành khu du lịch biển được nhiều người ưa chuộng.

Biển chiều hoàng hôn

Du khách đến với bãi biển Ba Động không chỉ được thư giãn, bơi lội thỏa thích trong làn nước biển trong xanh và lăn mình trên bãi cát trắng, mà còn được vui chơi cưỡi mô tô nước lướt trên ngọn sóng một cách an toàn, không lo bị sóng biển cuốn đi như nhiều bãi biển khác.

Dưới tán rừng phi lao xanh ngút ngàn với vẻ đẹp hoang sơ, du khách có thể nằm võng đung đưa thư giãn, thả hồn lắng nghe âm thanh của sóng biển hòa cùng tiếng lá reo trong gió như một bản nhạc bất tận du dương, êm ái giữa không gian trong lành, mát mẻ đầy quyến rũ của rừng một bên và biển một bên.

Rừng phi lao xanh mát

Đến với khu du lịch Biển Ba Động, bạn đừng bỏ lỡ khoảng khắc lúc ánh bình minh hoặc ánh hoàng hôn trên biển. Cách Ba Động không xa là một cánh rừng ngập mặn mênh mông với vẻ đẹp hoang sơ, giúp du khách có những trải nghiệm khám phá đầy thú vị.

Trên bãi tắm Ba Động còn có những gian chòi lá trải dọc bờ biển, là nơi để du khách thưởng thức các món đặc sản ven biển hấp dẫn như: chù ụ rang me, tôm sú Cồn Cù, nghêu Nhà Mát, ốc cà na hấp sả, nước mắm Rươi … 

Hải sản tươi ngon

Từ Ba Động, du khách có thể tham quan nhiều địa danh nổi tiếng khác như cửa biển Cung Hầu (giáp với Tiền Giang), cửa Định An (giáp Sóc Trăng) và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cổ kính của một số nhà thờ đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc, như nhà thờ Giồng Rùm, nhà thờ Phước Hảo. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời như Làng Đáy biển Động Cao, Làng Muối Cồn Cù, Làng Dưa hấu Ba Động…

Tuy không nổi tiếng như những bãi biển khác của Việt Nam, nhưng biển Ba Động vẫn mang sức hút đặc biệt cho những ai yêu thích sự hoang sơ. Một lần về với Trà Vinh để được thưởng lãm vẻ đẹp của biển Ba Động bạn nhé !

0 Shares

NHÀ CỔ HUỲNH KỲ – NGÔI NHÀ CỔ ĐẸP NHẤT TRÀ VINH

Nhà cổ Cầu Kè hay còn gọi là nhà cổ Huỳnh Kỳ tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nằm trong danh sách những ngôi dinh thự đẹp nhất Miền Tây Nam Bộ. Du lịch Trà Vinh, đến thăm nhà cổ Cầu Kè, bạn không chỉ nhìn ngắm những công trình điêu khắc, hội họa tuyệt mỹ mà còn được hiểu thêm về lịch sử của tỉnh Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung vào thế kỉ 20.

Nhà Cổ Huỳnh Kỳ

Ngôi nhà của Đốc phủ sứ Hàm Huỳnh Kỳ được ông cho bắt đầu xây dựng từ năm 1924 theo bản thiết kế của các kiến trúc sư người Pháp. Mặc dù chịu sự tác động của văn hóa phương Tây nhưng với nề nếp của gia đình, với truyền thống văn hóa phương Đông, cho nên khi cất nhà Huỳnh Kỳ rất chú trọng đến việc chọn vị trí, chọn hướng. Ngôi nhà đủ điều kiện nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ và hướng mở cửa lấy được chính khí “Thuần Thanh”.

Cũng như nhiều ngôi nhà dân dụng khác, nhà Huỳnh Kỳ gồm ngôi nhà chính và một số công trình khác như: rào cổng, nhà sau, nhà kho…Mặt bằng tổng thể được phân bố như sau: Ngôi nhà chính nằm theo chiều dọc ở trung tâm, nhà sau nằm theo chiều ngang sau ngôi nhà chính và nối liền với ngôi nhà chính bằng một đường dẫn. Nhà kho nằm theo chiều dọc từ ngoài cổng nhìn vào ở phía bên trái ngôi nhà chính. Bao bọc khuôn viên ngôi nhà là hàng rào với các cổng ra vào.

Rào cổng được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo kiểu thượng song hạ bảng. Trụ rào, trụ cổng làm bằng gạch, song rào, cửa cổng bằng thép. Cổng có hai cửa ra vào, một của chính một cửa phụ. Bước vào cổng là khoảng sân khá rộng sử dụng để bố trí trồng các bồn trồng hoa kiễng. 

Cổng vào

Qua khỏi khoảng sân đến ngôi nhà chính.

Ngôi nhà chính

Ngôi nhà chính được xây dựng hình chữ nhật, chiều dài 20m, chiều rộng 18m, có đường nét cổ kính, với nhiều loại hoa văn, gạch, phù điêu trang trí khác nhau bên trong và bên ngoài ngôi nhà, mang dấu ấn văn hóa riêng theo phong cách trang trí tiêu biểu của kiến trúc Pháp. Bắt mắt nhất vẫn là những viên gạch men chúng gần như bền màu với thời gian.

Ngay chính diện phía trên cùng là hình tượng song mã chầu hoa, hai bên là hai lục bình

Nội thất ngôi nhà gồm 05 gian chia làm hai phần trước và sau kiểu “ngoại khách nội hưu” bên ngoài là phòng khách bên trong là phòng nghỉ. Vách và trần nhà đều trang trí bằng những phù điêu và hoa văn với nhiều họa tiết tinh xảo. Tất cả các vật dụng như gạch lát hay các vật dụng trang trí khác đều được chuyển về từ Pháp Quốc, cho thấy rằng ngôi nhà là tiêu biểu cho lối điêu khắc và hội họa phát triển lúc bấy giờ.

Vách và trần nhà đều trang trí với nhiều họa tiết tinh xảo

Tuy nhiên các vật dụng trong nhà cổ được bố trí theo phong cách thuần Việt và có sự giao thoa rõ nét giữa hiện đại và truyền thống.

Các vật dụng trong nhà cổ được bố trí theo phong cách thuần Việt

Đặc biệt, trần của ngôi nhà không làm bằng bê tông cốt thép mà sử dụng gỗ làm khung sườn rồi dùng lưới kẽm mắc vào khung gỗ và đấp vào một hỗn hợp vôi vữa. Từ trần đến mái nhà là một khoảng không cách nhiệt có các lỗ thông gió, vì vậy luôn tạo cho ngôi nhà mát mẻ.

Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, ngôi nhà còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa. Các tượng, phù điêu trên mái, trên các đầu cột, vòm cửa, cửa sổ; các bức họa trên vách, trên trần; cách sử dụng gạch men với nhiều loại hoa văn để trang trí phần sảnh, vách ngoài và sàn nhà đã tạo cho công trình nét độc đáo riêng.

Ngôi nhà còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa

Nhà cổ Cầu Kè là một minh chứng cho lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại. Ngôi nhà cũng là một chứng tích cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Năm 2011, ngôi nhà này đã được tỉnh Trà Vinh công nhận Di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh.

Hiện nay ngoài Nhà cổ Cầu Kè, trên địa bàn huyện Cầu Kè còn có nhiều phong cảnh đẹp, di tích lịch sử, điểm đến tâm linh nổi tiếng hút khách thập phương như: Cù Lao Tân Quy, Di tích lịch sử cách mạng chùa Ô Mịch; Thánh Tịnh Thanh Long Tràng Võ; Khu Tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch), Chùa Săm Pua của người Khmer, chùa Ông Bổn của người Hoa…

0 Shares

VÃN CẢNH CHÙA ÔNG MẸT – TRÀ VINH

Chùa ông Mẹt hội tụ phong cách đặc sắc của nền văn hóa khmer, một biểu tượng của hệ phái Nam Tông Khmer Nam Bộ trên tiến trình lịch sử phật giáo vùng. Ở đất thiêng Trà Vinh, nơi tập trung số lượng chùa Nam Tông Khmer,  ba cổ tự và cũng là đại tự: chùa Âng, chùa Hang và chùa ông Mẹt, trong đó chùa ông Mẹt được các tư liệu sử ghi nhận cổ nhất, có sớm hơn chùa Âng mấy trăm năm.

Toàn cảnh chùa ông Mẹt – Ảnh: daihocsi

Chùa Ông Mẹt tọa lạc trên đường Lê Lợi, thuộc Phường 1, ngay trung tâm thành phố Trà Vinh. Tên gọi theo Phạn ngữ của ngôi chùa này là Bodhisàlaraja, người Khmer vẫn quen gọi là Wat Kompong, dịch nghĩa là Chùa Bến.

Tên Chùa Ông Mẹt có hai cách giải thích. Cách thứ nhất là vị sư cả trụ trì ngôi chùa này trong một thời gian dài có tên là Sư Meas nên bà con phum sóc quen gọi là Wat Lụckru Meas. Người Kinh, người Hoa cứ vậy gọi theo là Chùa Ông Mẹt. Cách thứ hai là cốt tượng Phật trong chùa quá lớn, khiến cho nhiều người Khmer nhìn thấy ngạc nhiên đến thảng thốt mà buột miệng: “Mèn đéc ơi!” (Trời đất ơi!). Từ đó biến âm dần thành Chùa Ông Mẹt.

Là ngôi chùa lớn tọa lạc tại trung tâm tỉnh lỵ, thuận tiện giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy với hệ thống các ngôi chùa Khmer khắp các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ, nên chùa Ông Mẹt trở thành trung tâm Phật giáo Khmer tỉnh và hiện là nơi đặt Trường trung cấp Phật học Nam tông Khmer.

Chùa Ông Mẹt chính là trung tâm đào tạo nhiều thế hệ tăng tài, có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo nói riêng, văn hóa dân tộc Khmer nói chung và lịch sử đấu tranh cách mạng của cộng động các dân tộc Trà Vinh.

Theo truyền kể dân gian, chùa Ông Mẹt được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh Trà Vinh bây giờ. Đến khoảng năm 711, chùa mới dời về vị trí hiện nay.

Ngôi chùa gồm nhiều kiến trúc hài hòa nhau bao quanh ngôi chánh điện, trong khuôn viên rộng gần 1,3 ha có vòng tường kín bao bọc chung quanh, mặt tiền nhìn ra đường Lê Lợi ở hướng đông, đúng với tư tưởng truyền thống Phật giáo là Đức Phật ở Tây phương nhưng luôn dõi mắt về hướng đông để cứu độ chúng sinh.

Khuôn viên rộng nhiều cây xanh

Cổng chùa Ông Mẹt là một kiến trúc đẹp với 8 trụ cột nâng đỡ mái cổng và chia cổng thành lối đi chính ở giữa rộng và hai lối đi nhỏ hơn ở hai bên. Trên đầu mỗi cột đều trang trí Chim thần Keyno hai mặt luôn tươi cười đón khách. Hai bên cổng là hai bờ tường vừa thấp dần vửa mở rộng, trang trí bởi cặp rắn bảy đầu theo phong cách nghệ thuật Khmer truyền thống.

Cổng chùa

Chánh điện chùa Ông Mẹt quay mặt về hướng đông và được xây dựng trên nền tam cấp bằng đá xanh, có hàng rào bao quanh.

Chánh điện

Trên đầu các cột rào trang trí đầu thần bốn mặt Bhramma. Bốn góc phía trong rào là các tháp Kote nơi an nghỉ của các vị sư cả tiền bối.

Kiến trúc đặc trưng văn hóa Khmer – Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa

 Mái ngói ngôi chánh điện được thiết kế thành mái đứng một cấp và mái nằm hai hoặc ba cấp. Đường gờ giữa các mái ngói được trang trí thành vây lưng rồng vắt đuôi lên cao, xà đầu xuống thấp, trong khi toàn bộ những viên ngói xếp nhau trên mái tạo hình vảy rồng. Nếu từ trên cao nhìn xuống, sẽ thấy mái ngôi chánh điện chùa Ông Mẹt như một đàn rồng từ trên trời nhìn xuống bốn hướng nhân gian. Hai đầu hồi trước và sau ngôi chánh điện là hai tấm gỗ quý được chạm khắc rất công phu với nhiều hình tượng thể hiện đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer Nam bộ.

Những viên ngói xếp nhau trên mái tạo hình vảy rồng

Trên bệ thờ bên trong ngôi chánh điện là cốt tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi trên tòa sen. Đây là một trong những tượng Phật to nhất trong những ngôi chùa Khmer trên địa bàn Trà Vinh. Chung quanh tượng lớn này còn có nhiều tượng Phật nhỏ hơn bằng nhiều chất liệu như đá, xi măng, đồng, gỗ… với nhiều kích thước và tư thế khác nhau như Phật xuất gia, Phật khất thực, Phật thành đạo, Phật thuyết pháp…

Tượng Phật trong khuôn viên

Trần chánh điện vẽ hoa văn biểu tượng chánh pháp. Hai vách hông có rất nhiều tranh vẽ, hoặc mô tả cuộc đời sự tích Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật

Phía sau chánh điện là Thư viện được xây dựng vào năm 1916 với lối kiến trúc độc đáo nhà sàn gỗ truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ xưa. Toàn bộ 24 đầu cột, xiên tâm, xiên dọc… đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng. Thư viện có ba gian, giam giữa là nơi chứa sách, trong đó có nhiều thư tịch cổ; hai gian hai bên là nơi đọc sách, học tập của các vị sư sãi và bà con trong phum sóc.

Trong khuôn viên chùa Ông Mẹt còn có một số kiến trúc như tăng xá, Văn phòng Trị sự Phật giáo hệ phái Mahanikay, giảng đường, sala thờ Neakta, tháp tưởng niệm… Dù được xây dựng ở những giai đoạn khác nhau bằng những chất liệu khác nhau và được sử dụng vào những mục đích khác nhau nhưng những kiến trúc độc lập này tồn tại hài hòa trong một tổng thể kiến trúc chung đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ.

Ngày 3 tháng 3 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 834/QĐ – BVHTTDL công nhận chùa Ông Mẹt là di tích cấp Quốc gia. Đây hoàn toàn xứng đáng là nơi được bảo vệ và là điểm đến cho khách thập phương mỗi khi du lịch Trà Vinh để tìm hiểu mảnh đất này.

0 Shares

ĐIỂM DU LỊCH LÀNG CỔ PHƯỚC LỘC THỌ – LONG AN

Những ai yêu thích vẻ đẹp hoài cổ, muốn tìm hiểu những phong tuc tập quán, nếp sinh hoạt thường nhật của người Việt Xưa thì Làng Cổ Phước Lộc Thọ là điểm đến lý tưởng dành cho bạn.

Làng cổ Phước Lộc Thọ nằm trên tỉnh lộ 824, thuộc khu vực ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, Long An, nơi tiếp giáp chuyển vùng từ Đông Nam Bộ sang Tây Nam Bộ, tạo nên một bản sắc riêng độc đáo vừa mang vẻ đẹp của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long vừa có nét duyên của miền Đông Nam Bộ.

Với 22 căn nhà gỗ cổ trên khắp ba miền nước Việt, và hàng trăm cổ vật quý, năm 2012, Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ có hoa văn chạm khắc phong phú nhất Việt Nam.

Cổng chính vào Điểm du lịch “Làng cổ Phước Lộc Thọ” được xây dựng cách điệu như một cổng thành thời xưa. Bước vào làng Phước Lộc Thọ, ấn tượng đầu tiên mà du khách bắt gặp là một hòn non bộ lớn và một dòng suối nước róc rách ngày đêm.

Các ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 80 đến 150 năm được bảo tồn, phục dựng gần như nguyên vẹn, giữ trọn nét cổ kính. Cách sắp xếp hài hòa, quy hoạch bài bản trong không gian thoáng mát hài hòa với thiên nhiên.

Những con đường ngoằn ngoèo lót đá lún phún cỏ xanh, hai bên là những bụi tre, hàng cau, cùng nhiều loài hoa và đồi cảnh… làm du khách cảm thấy tâm hồn thư thái.

Các ngôi nhà rường Huế tại làng cổ mang phong cách cung đình với chất liệu sơn son thếp vàng và được chạm trổ rồng phượng rất tinh xảo và tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ.

Những ngôi nhà rường cột theo kiểu dáng miền Tây rộng 5 gian, 3 chái, toàn bộ sử dụng loại gỗ căm xe. Mỗi đòn, kèo, cột trong những ngôi nhà rường được chạm khắc công phu với những đường nét chạm trổ tinh tế.

Tại Phước Lộc Thọ có 6 căn nhà sàn của các dân tộc khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên như đế cột gỗ mang hình dạng chiếc gùi quen thuộc của người dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ các vật dụng thường nhật của người dân Tây Nguyên.

Trong quần thể của làng cổ Phước Lộc Thọ, nổi tiếng nhất là ngôi nhà chữ “Công” với 104 cột, trên 100 tuổi rất đồ sộ được thiết kế theo lối kiến trúc xưa ở miền Bắc, các cột ở gian chính khảm xà cừ trang trí Tứ linh long, lân, quy, phụng và Tứ hữu mai, lan, cúc, trúc, các vách chạm trổ đề tài hoa quả, chim muông một cách công phu thể hiện sự nguy nga, tráng lệ và uy nghi.

Ngoài bộ sưu tập nhà cổ, ở Phước Lộc Thọ còn có những cổ vật từ thời chúa Nguyễn, vua Bảo Đại như: những chiếc long sàng được sơn son thiếp vàng hay những bộ tiền cổ cũng được trưng bày tại đây. Bên cạnh đó, Phước Lộc Thọ còn là nơi lưu giữ các vật dụng sinh hoạt của nhiều thành phần xã hội xưa từ vua chúa, quan quân, địa chủ cho đến người dân.

Các vật tâm linh văn hóa của người Việt bằng đủ các chất liệu gỗ, sắt, đồng, gốm sứ đa dạng về niên đại, phong phú về chủng loại. Trong đó có cả những vật dụng cổ mang phong cách hiện đại thời thực dân Pháp mới sang đô hộ Việt Nam, như điện thoại, radio, máy hát, máy chụp hình, đèn ngủ,…

Tại khu nhà tiểu lâu tứ giác bát dần (là nhà các vị quan lớn triều Nguyễn) có bộ 3 tượng đồng cùng niên đại, khắc họa sinh động các vị: Phật Như Lai, Phật Bà Quan Âm và Địa Tạng vương Bồ tát. Sau lưng các bức tượng này đều có khắc dấu triện. Chính vì nét cổ kính, độc đáo của Làng cổ Phước Lộc Thọ, nơi đây đã trở thành phim trường của nhiều bộ phim cổ trang.

Rời khu tham quan tới khu giải trí của làng cổ Phước Lộc Thọ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng gần 300 loại hoa lan khác nhau. Trong quần thể làng cổ Phước Lộc Thọ còn là sự hiện diện của một ngôi chùa mô phỏng theo chùa Một Cột tại Hà Nội.

Tại Làng cổ còn phục vụ món ăn đa dạng với không gian hữu tình. Đặc biệt khách du lịch Long An đến đây sẽ được thưởng thức ăn đặc sản Long An và các loài cá tươi ngon đánh bắt trực tiếp từ sông Vàm Cỏ.

0 Shares

LÀNG HOA SA ĐÉC ĐỒNG THÁP – LÀNG HOA LỚN NHẤT MIỀN TÂY

Đồng Tháp là vùng đất nổi tiếng với những di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo… và đặc biệt là làng hoa kiểng Sa Đéc – thủ phủ hoa của miền Tây. Làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) khởi nguyên là Làng hoa Tân Quy Đông, một làng nghề truyền thống hơn 100 năm tuổi. Nằm bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng, và được mệnh danh là xứ sở của các loài hoa kiểng. Du lịch Đồng Tháp, đến với làng hoa Sa Đéc, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục với muôn vàn loài hoa khoe sắc, tỏa ngát hương thơm.

Làng Hoa Sa Đéc Đồng Tháp

Giới thiệu làng hoa Sa Đéc

Lịch sử làng hoa Sa Đéc đã hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, bấy giờ ở vùng Tân Quy Đông chỉ có vài hộ trồng hoa để trang trí dịp tết. Thấy hoa hợp đất nở đẹp, dần dần số hộ trồng hoa đã tăng lên và mục đích kinh doanh được xác định. Về sau lan rộng ra các vùng như rạch Sa Nhiên, phường An Hòa, xã Tân Khánh Đông, và phường 3 thuộc TP Sa Đéc. Đến nay, tổng diện tích trồng hoa là hơn 500 ha, với trên 2.300 hộ dân, 2.000 loài hoa kiểng khác nhau, trở thành một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam.

Người dân chăm sóc hoa

Trước đây làng hoa kiểng Tân Quy Đông chỉ kinh doanh theo mô hình “cha truyền con nối”, và cũng chưa được đầu tư đúng mức nên đã trải qua nhiều lúc thăng trầm. Sau khi bước vào giai đoạn hội nhập, có cơ hội vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các vườn hoa Tân Quy Đông đã khởi sắc và được đầu tư cơ sở hạ tầng, bổ sung nhiều giống hoa quý hiếm mới lạ, xây dựng trung tâm lai tạo nhân giống cấy mô, lập chợ đầu mối để tiêu thụ hoa kiểng… những yếu tố này đã góp phần tích cực đưa làng hoa Tân Quy Đông phát triển, mở rộng và bước vào thời kỳ hoàng kim.

Làng hoa Sa Đéc đã hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20

Ngày nay, đặc điểm làng hoa Sa Đéc vẫn giữ nét khác biệt với hình ảnh các luống hoa thẳng tắp trên ruộng đất, bởi hoa ở đây được trồng trên các giàn cao, phía dưới là mặt nước xâm xấp được dẫn từ các con rạch chảy vào. Người dân cứ thế lội chân, mùa nước nổi thì dùng xuồng, len lỏi giữa các luống hoa mà ra công chăm sóc.

Hoa ở đây được trồng trên các giàn cao, phía dưới là mặt nước xâm xấp

Vườn hoa Sa Đéc trồng nhiều loài hoa đẹp như: cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc đồng tiền, dạ yến thảo, cát tường, vạn thọ, hoa mười giờ, hoa dừa, đại phú, chiều tím, liễu hồng, xác pháo… Đặc biệt có khoảng 50 giống hoa hồng xuất khẩu .

Vườn hoa Sa Đéc trồng nhiều loài hoa đẹp

Xứ này còn nổi tiếng bởi các loài cây kiểng, có cây quý hiếm tuổi đã ngót trăm năm, bên cạnh những loài cây rất bình dị gần gũi như: khế, cau, sung, si, mai… qua bàn tay tỉ mẫn, tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng với dáng hình đẹp, lạ.

Đây là vựa hoa kiểng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long

Riêng Vạn Niên Tùng là loài cây thời thượng được giới nhà vườn dí dỏm xếp vào hàng “đại đế” của các loài cây kiểng ở đất phương Nam. Từ các loài Sơn Tùng, Ngọa Tùng, Tùng Hổ Phách, Tùng Nhật Bản… đến Kim quýt, Nguyệt quới, Mai vàng, Mai chiếu thủy… các nghệ nhân đã không ngừng sáng tạo, hình thành nên các thế phu thê, mẹ bồng con, thác đổ, nghinh phong… hàm chứa nghệ thuật và triết lý sâu xa.

Hoa Sa Đéc giờ không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu nước ngoài

Với bề dày kinh nghiệm lâu năm và tiến bộ khoa học kỹ thuật, hoa kiểng Sa Đéc giờ không chỉ có mặt ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn xuất khẩu đi các quốc gia trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… Bởi thế, nơi đây đã trở thành một địa danh quen thuộc với khách sành chơi hoa kiểng.

Thời gian du lịch Làng Hoa Sa Đéc

Đến tham quan làng hoa Tân Quy Đông Sa Đéc, dù bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng có thể ngắm hoa và chụp ảnh thỏa thích. Đặc biệt, khi vào xuân, khí trời mát mẻ, muôn hoa bắt đầu đua nở. Cả làng hoa như ngập tràn trong muôn sắc thắm của nghìn hoa khoe sắc. Đây là điểm du lịch bạn không thể bỏ qua ở Sa Đéc Đồng Tháp mỗi dịp Tết đến.

Dịp gần tết nguyên đán là thời điểm làng hoa đẹp nhất

Du khách đến tham quan làng hoa Sa Đéc cần lưu ý thời gian, vì sau ngày 23 tháng Chạp (Tháng 12 Âm Lịch) các nhà vườn hầu như đều đã chuyển hoa đi các tỉnh, thành khác. Do đó, để ngắm trọn vẹn nét đẹp của làng hoa nên tranh thủ thời gian đến tham quan trước ngày 23 tháng Chạp.

Cách đến Làng Hoa

Từ TP Hồ Chí Minh, để du lịch Làng hoa Sa Đéc khá dễ dàng, đường quốc lộ tiện lợi bạn có thể đi xe khách, xe ô tô, xe máy để tới đây. Sa Đéc chỉ cách Sài Gòn khoảng 140 km với gần 3 giờ di chuyển. Đến bến xe Miền Tây mua vé xe khách từ Sài Gòn về Sa Đéc, có rất nhiều nhà xe và đều xuất bến liên tục hàng giờ nên bạn không cần lo lắng về thời gian xe chạy. Các hãng xe uy tín là Phương Trang, Phú Vĩnh Long, Lộc Điền,… Giá vé trung bình từ 80.000 VND – 105.000 VND.

Nếu ở Hà Nội hoặc Đà Nẵng vì quãng đường khá xa nên phương tiện tốt nhất là máy bay, bạn nên đặt vé sơm để có giá rẻ. Điểm dừng bạn nên bay đến là Cần Thơ thay vì Sài Gòn. Vì Cần Thơ chỉ các Sa Đéc hơn 40km.

Tham quan Làng Hoa Sa Đéc

Trục chính là đường hoa Sa Nhiên – Cai Dao dài hơn 2km với bạt ngàn hoa kiểng, đủ chủng loài, màu sắc, hương thơm. Khách có thể chọn đi bộ, đi xe điện hoặc thuê xe ôm, thuê xe máy để tham quan.

Phong cảnh nhìn từ đài ngắm Làng Hoa

Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của làng hoa Sa Đéc so với các làng hoa khác là các luống hoa được trồng trên giàn cao, phía dưới ngập nước và người trồng hoa phải đi ủng hoặc dùng thuyền nhỏ để chăm sóc hay hái hoa. Theo những người trồng hoa nơi đây, việc làm này giúp tiết kiệm chi phí vì đa phần đất trồng hoa đều là đất ruộng trồng lúa cải tạo lại, dễ ngập nước do địa thế thấp.

Mùa nước nổi, nông dân dùng xuồng, len lỏi giữa các luống hoa chăm sóc

Nơi đây còn hấp dẫn du khách với những quán cà phê làng hoa Sa Đéc có không gian rộng mở, được bài trí rất bắt mắt với những chiếc xuồng ba lá, xe lôi, cầu khỉ, lều tranh… chất đầy hoa xinh xắn.

Phía đầu đường là Hội quán làng hoa, có quầy tư vấn, thuyết minh về làng hoa Sa Đéc, giới thiệu sản phẩm đặc sản, quà lưu niệm…

Hiện nay, một số hộ dân đã thiết kế vườn hoa của mình thành điểm du lịch Homestay thú vị như Ngôi nhà Hoa ếch, Rose,Phong La Vent…, nơi du khách có thể tìm hiểu làng hoa Sa Đéc sâu hơn và ở lại qua đêm trải nghiệm cuộc sống cùng gia chủ. Nghe các nghệ nhân giới thiệu các công đoạn trồng trọt cũng như chăm sóc các loài hoa khác nhau. Nhìn cách người nông dân tự tay chăm sóc từng khóm hoa một thì bạn mới có thể hiểu được họ đã trải qua biết bao nỗi vất vả, nhọc nhằn mới cho ra đời những khóm hoa rực rỡ đến như vậy; hay cùng gia chủ đi chợ, nấu các món ngon dân dã như: bánh canh bột xắt, bánh xèo, lẩu mắm, vịt nấu chao…

Đặc biệt, khi vào xuân, khí trời mát mẻ, muôn hoa bắt đầu đua nở. Cả làng hoa như ngập tràn trong muôn sắc thắm của nghìn hoa khoe sắc. Đây là điểm du lịch bạn không thể bỏ qua ở Sa Đéc Đồng Tháp mỗi dịp Tết đến.

Muôn hoa khoe sắc

Theo người dân địa phương, từ rằm tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), các vườn hoa Sa Đéc bắt đầu vào mùa thu hoạch cho dịp Tết cổ truyền. Không khí nhộn nhịp khắp vùng, từng đoàn xe tấp lập đổ về vận chuyển hoa kiểng, rồi hối hả tỏa đi khắp nơi. Dọc bờ sông, trên bến dưới thuyền cũng tất bật chợ hoa những ngày giáp Tết.

Những người nông dân bận rộn thu hoạch hoa cho dịp tết

Những ngõ nhỏ quanh làng cũng được tận dụng xắp đầy hoa kiểng. Trong vườn, các chậu hoa đua nhau nở rộ, xếp thành từng hàng dài đều tắp trên giàn tre, kết thành những thảm màu rực rỡ. Những người nông dân bận rộn cắt cành, tỉa lá, chăm chút cho từng chậu hoa, chuẩn bị đưa ra chợ… Và những ngày này, rất đông du khách từ khắp nơi đến tham quan làng hoa Sa Đéc vào xuân, khiến bức tranh du lịch Đồng Tháp thêm bừng sáng. Có thể nói rằng, làng hoa kiểng Sa Đéc đã trở thành hội hoa xuân thơ mộng của miền Tây Nam Bộ vào dịp cuối năm.

Tour Làng hoa Sa Đéc

Thuận tiện nhất là mua Tour Đồng Tháp có điểm đến Làng Hoa Đéc kết hợp với các điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Tháp như: Nhà Cổ Huỳnh Thủy Lê, Di Tích Xẻo Quýt… do Thám Hiểm MeKong tổ chức. Chi tiết tour làng hoa Sa Đéc Đồng Tháp 1 ngày xuất phát từ Cần Thơ hoặc TP Hồ Chí Minh:

Lễ hội hoa xuân Sa Đéc 2020

Lễ hội hoa xuân Sa Đéc năm 2020 sẽ chính thức khai mạc vào lúc 19h ngày 14-1-2020 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) tại công viên Sa Đéc. Lễ hội với nhiều chương trình thú vị như: hội chợ triển lãm nhịp cầu xúc tiến thương mại khởi nghiệp và đầu tư; trưng bày và triển lãm sinh vật cảnh; liên hoan dân vũ thanh thiếu nhi; hội thi “Duyên dáng áo bà ba”; hội thi ẩm thực từ các loại hoa; hội thi chọi gà nghệ thuật; biểu diễn nghệ thuật đường phố; biểu diễn làm bánh dân gian ba miền, bánh quốc tế; trải nghiệm làm bánh dân gian; trưng bày và giới thiệu quy trình sản xuất bột gạo; hủ tiếu Sa Đéc; khu trưng bày và đọc sách miễn phí dành cho thiếu nhi… cùng nhiều hoạt động khác.

Kinh nghiệm Du lịch Làng hoa Sa Đéc

  • Con đường hoa của Khu du lịch Làng hoa Sa Đéc lên đến 2-3km. Vậy nên bạn hãy chuẩn bị một đôi giày đi bộ thật tốt.
  • Bạn nên bận áo dài hay những chiếc áo đẹp để chụp hình Tết cùng nghìn hoa ở đây chắc chắn bạn sẽ có nhiều bộ ảnh xinh đẹp ở đây.
  • Thời tiết miền Tây nắng khá gắt, bạn nên chuẩn bị dù, nón và kem chống nắng.
  • Mọi người tới tham quan vườn hoa thì hãy cẩn thận đừng làm gãy hay dẫm lên hoa.
  • Bạn nhớ mua một vài chậu hoa để kỷ niệm hay làm quà cho người thân. Giá hoa ở đây rất rẻ hoàn toàn không có hiện tượng chặt chém. Sau khi mua nên hỏi cách chăm sóc hoa bạn nhé !
0 Shares

KHU DU LỊCH CÁNH ĐỒNG HOA HỒNG – SA ĐÉC – ĐỒNG THÁP

Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) được mệnh danh là thủ phủ hoa của miền Tây, nơi đây càng thu hút du khách khi Khu du lịch Cánh Đồng Hoa Hồng rộng hơn 2,5 ha đưa vào hoạt động. Khu du lịch Cánh Đồng Hoa Hồng nằm trên đường Cao Thắng, thuộc khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, Thành phố Sa Đéc. Du lịch Đồng Tháp, đến thăm Cánh Đồng Hoa Hồng ai củng phải choáng ngợp với vẻ đẹp rực rỡ của hàng chục giống hoa hồng kèm theo mùi thơm bát ngát quyến rũ.

Khu du lịch Cánh Đồng Hoa Sa Đéc

Ngoài 6.000 ngàn cây hoa hồng với trên 20 loại khác nhau đang được chăm sóc tại đây, điểm tham quan du lịch còn đầu tư nhiều tiểu cảnh để phục vụ du khách, như: thang vô cực, cánh đồng hoa hướng dương, cầu tre tàng hình, hồ sen, nhà lá, vó bắt cá… Du khách đặc biệt là các bạn trẻ thỏa sức chụp ảnh check-in, dạo chơi.

Du khách thỏa sức chụp ảnh check-in

Trong đó bến thuyền hoa, dòng sông hoa là góc lý tưởng để có những bức ảnh đẹp. Du khách tận hưởng cảm giác thú vị khi bồng bềnh trên những chiếc thuyền hoa, như được trở về với phiên chợ hoa ngày Tết.

Dòng sông hoa

Tận hưởng cảm giác thú vị khi bồng bềnh trên những chiếc thuyền hoa

Ngoài ra Khu du lịch cánh đồng hoa hồng còn có cả ao cá dành riêng cho những ai thích trải nghiệm kéo vó – cách bắt cá trên sông khá phổ biến ở miền Tây xa xưa. Điều khác biệt nhất là khi đến đây, du khách sẽ được xem màn biểu diễn cá lóc bay rất đặc sắc và được tham quan quy trình chiết xuất nước hoa hồng.

Màn biểu diễn cá lóc bay

Mới đây nhiều khách du lịch Đồng Tháp đến tham quan Cánh đồng hoa hồng Sa Đéc đều tỏ ra bất ngờ và thích thú với hàng loạt tiểu cảnh mới vừa được cơ sở này đầu tư để chuẩn bị đón khách dịp Tết 2021. Trong đó, công trình khinh khí cầu đã tạo được sự thích thú với nhiều du khách.

Khinh khí cầu

Khinh khí cầu được thiết kế mô phỏng theo hình dạng khinh khí cầu thật, được thiết kế bằng sắt, sức chứa tối đa 4 người, chiều cao đến đỉnh khí cầu là gần 8m. Được thiết kế giữa không trung nên đứng từ xa chụp ảnh sẽ giúp du khách có những bức ảnh giống y như đang bay trên khinh khí cầu thật.

Ngoài bố trí các tiểu cảnh, điểm dừng chân, nơi đây còn phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát cho khách tham quan. Cánh Đồng Hoa Hồng hứa hẹn sẽ là điểm du xuân hấp dẫn cho những người yêu hoa trong dịp tết này.

Nếu bạn cần tìm một nơi để dừng chân thư giãn và khám phá cuộc sống – thiên nhiên xung quanh mình, đừng quên Sa Đéc và đặc biệt là Cánh Đồng Hoa Hồng.

0 Shares

VỀ ĐỒNG THÁP CHECK IN VƯỜN NHO TRĨU QUẢ

Vườn nho Ba Tuấn tọa lạc tại xã Long Khánh B, Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là điểm đến thú vị cho du khách khi về với vùng đất cù Lao huyện Biên giới Hồng Ngự.

Vườn nho của anh Nguyễn Thanh Tuấn ngụ xã Long Khánh B, Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Cây nho vốn được biết đến là giống cây thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu khô nóng ở miền Nam Trung bộ. Anh Nguyễn Thanh Tuấn được xem là nông dân đầu tiên ở Đồng Tháp trồng thành công cây nho trên đất lúa.

Những chùm nho trĩu quả

Để vườn nho được trĩu quả như hôm nay chính là sự nổ lực, cố gắng và tất cả tâm huyết của chủ nhà vườn. Anh Tuấn phải ra tận Ninh Thuận để tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu và học hỏi kỹ thuật canh tác cây nho của các nông dân nơi đây.

Giai đoạn quả nho có màu xanh

Trở về quê nhà, anh tiến hành cải tạo đất và bắt tay vào trồng giống nho 3 màu. Hiện sau 5 tháng trồng, 1.000 gốc nho trên diện tích 13.000m² của anh Tuấn đang phát triển tốt và đang cho những trái ngọt đầu tiên. Tùy theo giai đoạn, quả nho có màu xanh, sau đó chuyển đỏ hồng, khi chín toàn phần quả có màu đỏ vang rất đẹp.

Khi chín toàn phần quả có màu đỏ vang rất đẹp

Du lịch Đồng Tháp, đến thăm vườn nho Ba Tuấn bạn sẽ được tận hưởng không gian thoáng đãng, tha hồ chụp ảnh sống ảo, tự tay thu hoạch những chùm nho ưng ý ngay tại miền Tây.

Không gian thoáng đãng

Thưởng thức nho sạch tại vườn

Ngoài ra còn được thưởng thức nho sạch tại vườn rất giòn, độ ngọt vừa phải, có vị thơm nhẹ rất đặc trưng và các món ăn dân dã mang đặc trưng vùng quê Nam bộ. Bên cạnh đó, du khách còn được tự do câu cá giải trí.

0 Shares

ĐÌNH TÂN PHÚ TRUNG – ĐỒNG THÁP

Đình Tân Phú Trung tọa lạc nằm trên một khoảnh đất rộng, giữa một vùng quê trù phú thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, là một trong những ngôi đình cổ ở Đồng Tháp rất đáng để du khách ghé thăm.

Toàn cảnh Đình Tân Phú Trung từ trên cao

Đình Tân Phú Trung thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, được vua Tự Đức ban Sắc phong 1854. Đình làng Tân Phú Trung được trùng tu lớn vào các năm 1952, 1957… Đến nay đình Tân Phú Trung là một trong những ngôi đình có kiến trúc khá tiêu biểu cho đình làng Nam bộ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Từ cổng nhìn vào ta nhận ra những công trình chính: cổng đình, sân đình, đình chính và nhà Hương hội. Cổng chính ngay trước đình chính, ngang 3m, cao 3,5m. Trụ cổng bằng gạch vững chãi, trên gắn tượng lân bằng sành. Thanh ngang cổng đình đắp nổi: ĐÌNH TÂN PHÚ TRUNG. 

Sân đình rộng, lát gạch tàu, giữa là cột cờ cao 8m. Dưới chân cột cờ là Đàn xã tắc. Trước Đàn xã tắc là Bình phong, phía trước là tranh vẽ cảnh đôi rồng vờn uốn lượn trong mây, phía sau là hổ xuống núi (hạ sơn lâm). Cân đối trong sân đình, bên phải là miễu Sơn thần (thần hổ), đối xứng là miễu Ngũ hành (Ngũ nương). Chỉ trong sân đình đã chứa đựng biết bao biểu tượng đời sống văn hóa tâm linh, tư duy của cư dân nông nghiệp

Đình chính gồm ba khối nhà theo kiểu sắp đọi, mỗi nhà có bốn cột chính, cũng là tứ trụ, theo đó mà đâm lòng trính và vì kèo ra bốn phía kêu là tứ tượng, trên mỗi vì kèo còn đâm kèo quyết, trên đó là dàn rui mè… tạo nên mái đình vững chãi. Đình chính có ba nóc, kiểu thượng lầu hạ hiên, trùng thềm điệp ốc. Mái đình lợp ngói âm dương, trên cùng trang trí công phu những lưỡng long tranh châu, cá hóa long, lân vờn mẫu tử, bát tiên, chim phượng ngậm cuốn thư…

Chánh điện

Trong đình, nhiều mảng chạm khắc các hoành phi, bao lam, câu đối với các đề tài khá phổ biến như: Long, Lân, Quy, Phụng, xuân – hạ – thu – đông, hoa lá cách điệu. Đặc biệt đình có 3 tượng quan Thánh – Đế – Quân làm bằng gỗ trầm quí hiếm hiện còn lưu giữ.

Đình Tân Phú Trung không chỉ là công trình kiến trúc lâu đời của nhân dân địa phương mà còn là nơi lưu giữ những hoạt động văn hóa tín ngưỡng cộng đồng tiêu biểu, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa. Ngày 15 tháng 8 năm 2012, Đình Tân Phú Trung đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Kiến trúc khá tiêu biểu cho đình làng Nam bộ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Hằng năm, lễ hội đình làng Tân Phú Trung diễn ra vào những ngày 16 – 17 tháng tư âm lịch (năm chẵn) và 12 – 13 tháng 5 âm lịch (năm lẻ) thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch Đồng Tháp đến tham quan, chiêm bái, cầu cho quốc thới dân an, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi việc làm ăn thuận lợi, làng xóm ấm no sung túc…

0 Shares