BIỂN BA ĐỘNG – BÃI BIỂN ĐẸP NHẤT XỨ TRÀ VINH

Biển Ba Động là danh thắng và địa điểm du lịch Trà Vinh nổi tiếng thuộc địa phận xã Trường Long Hoà, huyện Duyên Hải. Bãi biển Ba Động mang vẻ đẹp hoang sơ với triền cát trải dài bên hàng dương rì rào theo gió, được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất xứ Trà Vinh. Đến đây, bạn thỏa thích tắm biển, thưởng thức hải sản tươi ngon, và tận hưởng không khí trong lành mát mẻ.

Biển Ba Động

Theo những người dân sống lâu năm ở vùng đất này cho biết, sở dĩ có tên gọi bãi biển Ba Động là bởi mỗi khi thủy triều xuống, bờ biển nơi đây lại nổi lên ba động cát, gồm hai động nhỏ và một động lớn có dáng vẻ độc đáo, thu hút sự hiếu kỳ của người dân bản địa.

Bình minh trên Biển Ba Động

Cách trung tâm TP. Trà Vinh chừng 60km, bãi biển Ba Động thơ mộng đã được người Pháp khám phá, cho xây dựng thành nơi tắm biển, nghỉ dưỡng từ những năm đầu thế kỷ XX và đặt tên là Biển Nhà Mát.

Vùng biển Đông ven bờ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng biển phù sa do nhiều cửa sông lớn nhỏ đổ ra nên phần lớn là bãi bùn, nước không trong. Trong đó, biển Ba Động là khu vực hiếm hoi ở miền Tây Nam bộ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một bãi cát dài hơn 10 km từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng.

Bãi biển thơ mộng đã được người Pháp khám phá từ những năm đầu thế kỷ XX . Ảnh: Phan Minh

Do độ dốc thoai thoải, khi nước thủy triều xuống, bãi cát phơi ra hàng trăm mét, từ bờ xuống tới mép nước. Cũng do nằm trong khu vực biển phù sa nên bãi cát Ba Động không trắng muốt hay vàng óng ả, nước biển Ba Động cũng không thể trong xanh như với các bãi biển Miền Trung. Tuy nhiên, dọc bờ biển Đông, từ Gò Công tới Cà Mau, Ba Động có bãi cát đẹp, nước biển khá trong, nhất là vào những tháng sau Tết Nguyên đán, sóng yên biển lặng, hình thành khu du lịch biển được nhiều người ưa chuộng.

Biển chiều hoàng hôn

Du khách đến với bãi biển Ba Động không chỉ được thư giãn, bơi lội thỏa thích trong làn nước biển trong xanh và lăn mình trên bãi cát trắng, mà còn được vui chơi cưỡi mô tô nước lướt trên ngọn sóng một cách an toàn, không lo bị sóng biển cuốn đi như nhiều bãi biển khác.

Dưới tán rừng phi lao xanh ngút ngàn với vẻ đẹp hoang sơ, du khách có thể nằm võng đung đưa thư giãn, thả hồn lắng nghe âm thanh của sóng biển hòa cùng tiếng lá reo trong gió như một bản nhạc bất tận du dương, êm ái giữa không gian trong lành, mát mẻ đầy quyến rũ của rừng một bên và biển một bên.

Rừng phi lao xanh mát

Đến với khu du lịch Biển Ba Động, bạn đừng bỏ lỡ khoảng khắc lúc ánh bình minh hoặc ánh hoàng hôn trên biển. Cách Ba Động không xa là một cánh rừng ngập mặn mênh mông với vẻ đẹp hoang sơ, giúp du khách có những trải nghiệm khám phá đầy thú vị.

Trên bãi tắm Ba Động còn có những gian chòi lá trải dọc bờ biển, là nơi để du khách thưởng thức các món đặc sản ven biển hấp dẫn như: chù ụ rang me, tôm sú Cồn Cù, nghêu Nhà Mát, ốc cà na hấp sả, nước mắm Rươi … 

Hải sản tươi ngon

Từ Ba Động, du khách có thể tham quan nhiều địa danh nổi tiếng khác như cửa biển Cung Hầu (giáp với Tiền Giang), cửa Định An (giáp Sóc Trăng) và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cổ kính của một số nhà thờ đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc, như nhà thờ Giồng Rùm, nhà thờ Phước Hảo. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời như Làng Đáy biển Động Cao, Làng Muối Cồn Cù, Làng Dưa hấu Ba Động…

Tuy không nổi tiếng như những bãi biển khác của Việt Nam, nhưng biển Ba Động vẫn mang sức hút đặc biệt cho những ai yêu thích sự hoang sơ. Một lần về với Trà Vinh để được thưởng lãm vẻ đẹp của biển Ba Động bạn nhé !

0 Shares

NHÀ CỔ HUỲNH KỲ – NGÔI NHÀ CỔ ĐẸP NHẤT TRÀ VINH

Nhà cổ Cầu Kè hay còn gọi là nhà cổ Huỳnh Kỳ tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nằm trong danh sách những ngôi dinh thự đẹp nhất Miền Tây Nam Bộ. Du lịch Trà Vinh, đến thăm nhà cổ Cầu Kè, bạn không chỉ nhìn ngắm những công trình điêu khắc, hội họa tuyệt mỹ mà còn được hiểu thêm về lịch sử của tỉnh Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung vào thế kỉ 20.

Nhà Cổ Huỳnh Kỳ

Ngôi nhà của Đốc phủ sứ Hàm Huỳnh Kỳ được ông cho bắt đầu xây dựng từ năm 1924 theo bản thiết kế của các kiến trúc sư người Pháp. Mặc dù chịu sự tác động của văn hóa phương Tây nhưng với nề nếp của gia đình, với truyền thống văn hóa phương Đông, cho nên khi cất nhà Huỳnh Kỳ rất chú trọng đến việc chọn vị trí, chọn hướng. Ngôi nhà đủ điều kiện nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ và hướng mở cửa lấy được chính khí “Thuần Thanh”.

Cũng như nhiều ngôi nhà dân dụng khác, nhà Huỳnh Kỳ gồm ngôi nhà chính và một số công trình khác như: rào cổng, nhà sau, nhà kho…Mặt bằng tổng thể được phân bố như sau: Ngôi nhà chính nằm theo chiều dọc ở trung tâm, nhà sau nằm theo chiều ngang sau ngôi nhà chính và nối liền với ngôi nhà chính bằng một đường dẫn. Nhà kho nằm theo chiều dọc từ ngoài cổng nhìn vào ở phía bên trái ngôi nhà chính. Bao bọc khuôn viên ngôi nhà là hàng rào với các cổng ra vào.

Rào cổng được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo kiểu thượng song hạ bảng. Trụ rào, trụ cổng làm bằng gạch, song rào, cửa cổng bằng thép. Cổng có hai cửa ra vào, một của chính một cửa phụ. Bước vào cổng là khoảng sân khá rộng sử dụng để bố trí trồng các bồn trồng hoa kiễng. 

Cổng vào

Qua khỏi khoảng sân đến ngôi nhà chính.

Ngôi nhà chính

Ngôi nhà chính được xây dựng hình chữ nhật, chiều dài 20m, chiều rộng 18m, có đường nét cổ kính, với nhiều loại hoa văn, gạch, phù điêu trang trí khác nhau bên trong và bên ngoài ngôi nhà, mang dấu ấn văn hóa riêng theo phong cách trang trí tiêu biểu của kiến trúc Pháp. Bắt mắt nhất vẫn là những viên gạch men chúng gần như bền màu với thời gian.

Ngay chính diện phía trên cùng là hình tượng song mã chầu hoa, hai bên là hai lục bình

Nội thất ngôi nhà gồm 05 gian chia làm hai phần trước và sau kiểu “ngoại khách nội hưu” bên ngoài là phòng khách bên trong là phòng nghỉ. Vách và trần nhà đều trang trí bằng những phù điêu và hoa văn với nhiều họa tiết tinh xảo. Tất cả các vật dụng như gạch lát hay các vật dụng trang trí khác đều được chuyển về từ Pháp Quốc, cho thấy rằng ngôi nhà là tiêu biểu cho lối điêu khắc và hội họa phát triển lúc bấy giờ.

Vách và trần nhà đều trang trí với nhiều họa tiết tinh xảo

Tuy nhiên các vật dụng trong nhà cổ được bố trí theo phong cách thuần Việt và có sự giao thoa rõ nét giữa hiện đại và truyền thống.

Các vật dụng trong nhà cổ được bố trí theo phong cách thuần Việt

Đặc biệt, trần của ngôi nhà không làm bằng bê tông cốt thép mà sử dụng gỗ làm khung sườn rồi dùng lưới kẽm mắc vào khung gỗ và đấp vào một hỗn hợp vôi vữa. Từ trần đến mái nhà là một khoảng không cách nhiệt có các lỗ thông gió, vì vậy luôn tạo cho ngôi nhà mát mẻ.

Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, ngôi nhà còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa. Các tượng, phù điêu trên mái, trên các đầu cột, vòm cửa, cửa sổ; các bức họa trên vách, trên trần; cách sử dụng gạch men với nhiều loại hoa văn để trang trí phần sảnh, vách ngoài và sàn nhà đã tạo cho công trình nét độc đáo riêng.

Ngôi nhà còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa

Nhà cổ Cầu Kè là một minh chứng cho lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại. Ngôi nhà cũng là một chứng tích cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Năm 2011, ngôi nhà này đã được tỉnh Trà Vinh công nhận Di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh.

Hiện nay ngoài Nhà cổ Cầu Kè, trên địa bàn huyện Cầu Kè còn có nhiều phong cảnh đẹp, di tích lịch sử, điểm đến tâm linh nổi tiếng hút khách thập phương như: Cù Lao Tân Quy, Di tích lịch sử cách mạng chùa Ô Mịch; Thánh Tịnh Thanh Long Tràng Võ; Khu Tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch), Chùa Săm Pua của người Khmer, chùa Ông Bổn của người Hoa…

0 Shares

VÃN CẢNH CHÙA ÔNG MẸT – TRÀ VINH

Chùa ông Mẹt hội tụ phong cách đặc sắc của nền văn hóa khmer, một biểu tượng của hệ phái Nam Tông Khmer Nam Bộ trên tiến trình lịch sử phật giáo vùng. Ở đất thiêng Trà Vinh, nơi tập trung số lượng chùa Nam Tông Khmer,  ba cổ tự và cũng là đại tự: chùa Âng, chùa Hang và chùa ông Mẹt, trong đó chùa ông Mẹt được các tư liệu sử ghi nhận cổ nhất, có sớm hơn chùa Âng mấy trăm năm.

Toàn cảnh chùa ông Mẹt – Ảnh: daihocsi

Chùa Ông Mẹt tọa lạc trên đường Lê Lợi, thuộc Phường 1, ngay trung tâm thành phố Trà Vinh. Tên gọi theo Phạn ngữ của ngôi chùa này là Bodhisàlaraja, người Khmer vẫn quen gọi là Wat Kompong, dịch nghĩa là Chùa Bến.

Tên Chùa Ông Mẹt có hai cách giải thích. Cách thứ nhất là vị sư cả trụ trì ngôi chùa này trong một thời gian dài có tên là Sư Meas nên bà con phum sóc quen gọi là Wat Lụckru Meas. Người Kinh, người Hoa cứ vậy gọi theo là Chùa Ông Mẹt. Cách thứ hai là cốt tượng Phật trong chùa quá lớn, khiến cho nhiều người Khmer nhìn thấy ngạc nhiên đến thảng thốt mà buột miệng: “Mèn đéc ơi!” (Trời đất ơi!). Từ đó biến âm dần thành Chùa Ông Mẹt.

Là ngôi chùa lớn tọa lạc tại trung tâm tỉnh lỵ, thuận tiện giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy với hệ thống các ngôi chùa Khmer khắp các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ, nên chùa Ông Mẹt trở thành trung tâm Phật giáo Khmer tỉnh và hiện là nơi đặt Trường trung cấp Phật học Nam tông Khmer.

Chùa Ông Mẹt chính là trung tâm đào tạo nhiều thế hệ tăng tài, có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo nói riêng, văn hóa dân tộc Khmer nói chung và lịch sử đấu tranh cách mạng của cộng động các dân tộc Trà Vinh.

Theo truyền kể dân gian, chùa Ông Mẹt được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh Trà Vinh bây giờ. Đến khoảng năm 711, chùa mới dời về vị trí hiện nay.

Ngôi chùa gồm nhiều kiến trúc hài hòa nhau bao quanh ngôi chánh điện, trong khuôn viên rộng gần 1,3 ha có vòng tường kín bao bọc chung quanh, mặt tiền nhìn ra đường Lê Lợi ở hướng đông, đúng với tư tưởng truyền thống Phật giáo là Đức Phật ở Tây phương nhưng luôn dõi mắt về hướng đông để cứu độ chúng sinh.

Khuôn viên rộng nhiều cây xanh

Cổng chùa Ông Mẹt là một kiến trúc đẹp với 8 trụ cột nâng đỡ mái cổng và chia cổng thành lối đi chính ở giữa rộng và hai lối đi nhỏ hơn ở hai bên. Trên đầu mỗi cột đều trang trí Chim thần Keyno hai mặt luôn tươi cười đón khách. Hai bên cổng là hai bờ tường vừa thấp dần vửa mở rộng, trang trí bởi cặp rắn bảy đầu theo phong cách nghệ thuật Khmer truyền thống.

Cổng chùa

Chánh điện chùa Ông Mẹt quay mặt về hướng đông và được xây dựng trên nền tam cấp bằng đá xanh, có hàng rào bao quanh.

Chánh điện

Trên đầu các cột rào trang trí đầu thần bốn mặt Bhramma. Bốn góc phía trong rào là các tháp Kote nơi an nghỉ của các vị sư cả tiền bối.

Kiến trúc đặc trưng văn hóa Khmer – Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa

 Mái ngói ngôi chánh điện được thiết kế thành mái đứng một cấp và mái nằm hai hoặc ba cấp. Đường gờ giữa các mái ngói được trang trí thành vây lưng rồng vắt đuôi lên cao, xà đầu xuống thấp, trong khi toàn bộ những viên ngói xếp nhau trên mái tạo hình vảy rồng. Nếu từ trên cao nhìn xuống, sẽ thấy mái ngôi chánh điện chùa Ông Mẹt như một đàn rồng từ trên trời nhìn xuống bốn hướng nhân gian. Hai đầu hồi trước và sau ngôi chánh điện là hai tấm gỗ quý được chạm khắc rất công phu với nhiều hình tượng thể hiện đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer Nam bộ.

Những viên ngói xếp nhau trên mái tạo hình vảy rồng

Trên bệ thờ bên trong ngôi chánh điện là cốt tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi trên tòa sen. Đây là một trong những tượng Phật to nhất trong những ngôi chùa Khmer trên địa bàn Trà Vinh. Chung quanh tượng lớn này còn có nhiều tượng Phật nhỏ hơn bằng nhiều chất liệu như đá, xi măng, đồng, gỗ… với nhiều kích thước và tư thế khác nhau như Phật xuất gia, Phật khất thực, Phật thành đạo, Phật thuyết pháp…

Tượng Phật trong khuôn viên

Trần chánh điện vẽ hoa văn biểu tượng chánh pháp. Hai vách hông có rất nhiều tranh vẽ, hoặc mô tả cuộc đời sự tích Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật

Phía sau chánh điện là Thư viện được xây dựng vào năm 1916 với lối kiến trúc độc đáo nhà sàn gỗ truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ xưa. Toàn bộ 24 đầu cột, xiên tâm, xiên dọc… đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng. Thư viện có ba gian, giam giữa là nơi chứa sách, trong đó có nhiều thư tịch cổ; hai gian hai bên là nơi đọc sách, học tập của các vị sư sãi và bà con trong phum sóc.

Trong khuôn viên chùa Ông Mẹt còn có một số kiến trúc như tăng xá, Văn phòng Trị sự Phật giáo hệ phái Mahanikay, giảng đường, sala thờ Neakta, tháp tưởng niệm… Dù được xây dựng ở những giai đoạn khác nhau bằng những chất liệu khác nhau và được sử dụng vào những mục đích khác nhau nhưng những kiến trúc độc lập này tồn tại hài hòa trong một tổng thể kiến trúc chung đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ.

Ngày 3 tháng 3 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 834/QĐ – BVHTTDL công nhận chùa Ông Mẹt là di tích cấp Quốc gia. Đây hoàn toàn xứng đáng là nơi được bảo vệ và là điểm đến cho khách thập phương mỗi khi du lịch Trà Vinh để tìm hiểu mảnh đất này.

0 Shares