HÀ NỘI – Hạ tầng phát triển, cùng ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 tạo ra xu hướng dịch chuyển đến vùng ven, khiến giá nhà tăng nhưng vẫn được khách hàng đón nhận.
Anh Nguyễn Trọng Tín (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới chi hơn 3 tỷ đồng mua một căn hộ cao cấp rộng hơn 70m2 ở Gia Lâm. Giá bán lên đến gần 43 triệu đồng mỗi m2 (tăng gần 10% so với cuối năm 2020 – thời điểm ra mắt), song anh Tín vẫn quyết mua bởi được giới thiệu dự án đạt chuẩn quốc tế, không gian sống xanh, trong lành lại nhiều tiện ích cao cấp.
Đầu tháng 7, Tập đoàn Ecopark tung ra thị trường dòng căn hộ khoáng nóng với giá trên dưới 50 triệu đồng mỗi m2. Các đơn vị phân phối dự án công bố hàng nghìn căn hộ của dự án nhanh chóng hết khi mới ra mắt, nhiều khách hàng phải chờ đợi và đặt cọc để giành quyền chọn mua trong lần mở bán tiếp theo.
Thực tế ghi nhận giá nhà ở khu vực vùng ven Hà Nội có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021 của Savills Việt Nam chỉ ra, giá bán sơ cấp căn hộ chung cư tại khu vực như Long Biên, Thanh Trì, Hoài Đức đều tăng. Tại Long Biên, mức giá sơ cấp tăng 12% mỗi năm do vị trí gần khu trung tâm và những cải thiện về cơ sở hạ tầng.
Theo Savills Việt Nam, cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội, nguồn cung cũng mở rộng từ các khu vực thành thị đến các huyện ngoại thành. Nếu như năm 2017, các huyện Hoài Đức và Thanh Trì chỉ cung cấp 6% nguồn cung thì chỉ trong 6 tháng đầu năm, 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh chiếm 32% thị phần. Đơn vị này dự báo, từ năm 2021 trở đi, các huyện ngoại thành sẽ cung cấp 27% nguồn cung.
“Chênh lệch về giá bất động sản giữa khu vực thành thị và vùng lân cận đang được thu hẹp do cơ sở hạ tầng cải thiện và các dự án ở xa sẽ có nhiều tiện ích đa dạng để bù đắp cho bất lợi về vị trí. Nguồn cung mới hạn chế và hàng tồn kho giá cao khiến các chủ đầu tư chuyển hướng sang các tỉnh lân cận. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh”, báo cáo của Savills Việt Nam nhận định.
Không riêng chung cư, giá bán biệt thự và nhà liền kề ven đô cũng tăng mạnh. Báo cáo quý II của Savills ghi nhận, giá sơ cấp trung bình của tất cả các loại biệt thự, liền kề đều tăng trong quý. Ở Hoài Đức, giá biệt thự tăng 29%, liền kề 38% và nhà phố tương mại tăng đến 59%. Dù giá tăng song tỷ lệ hấp thụ vẫn đạt mức 59%, tăng 30% tổng cung mới.
Theo Savills, trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung, khối lượng giao dịch dòng sản phẩm biệt thự và nhà liền kề tại khu vực ven đô đang chiếm tỷ lệ áp đảo so với khu trung tâm. Cụ thể, tổng lực cung của phân khúc biệt thự và nhà liền kề đạt 905 căn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng huyện Hoài Đức đã chiếm 50% tổng cung mới. Đối với nguồn cung sơ cấp, các huyện ven đô như Hoài Đức, Đông Anh và Hà Đông chiếm 69% tổng cung.
Xu hướng tăng giá bất động sản vùng ven không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Chia sẻ về xu hướng dịch chuyển ra ven đô tại tọa đàm trực tuyến “Đánh thức tiềm năng bất động sản vùng ven” cuối tuần qua trên VnExpress, PGS. TS Nguyễn Minh Hòa – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP HCM cho biết, dịch bệnh xảy ra ở các thành phố lớn hình thành nên làn sóng “bỏ phố về quê” và lối sống sinh thái, tìm đến những đại đô thị nằm tại ngoại thành, vừa gắn bó với thiên nhiên lại không quá ồn ào.
Còn theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc CBRE Việt Nam, giá bất động sản tại khu vực trung tâm các thành phố lớn ngày càng tăng trong khi nguồn cung giảm khiến nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển ra các vùng đất lân cận. Bên cạnh đó, các vùng ven thành phố lớn đều đẩy mạnh hạ tầng để thu hút đầu tư. Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hệ thống hạ tầng được phát triển đồng bộ, tạo sự liên thông về giao thông, giúp nhà đầu tư thuận tiện tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cũng có xu hướng tìm kiếm vùng đất mới ở xa khu vực trung tâm, kéo theo lượng lớn nhà đầu tư đi theo, hình thành làn sóng dịch chuyển ra ven đô.
Đồng quan điểm, TS. Trần Nguyễn Minh Hải – chuyên gia địa ốc của Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, mối quan tâm về môi trường xanh sống giữa thiên nhiên trong mùa dịch là 2 yếu tố chính khiến bất động sản ven đô tăng mạnh trong những tháng đầu năm.
Theo bà, khoảng 10 năm trước, tại miền Bắc, cuộc sống ven đô bị đánh giá là kém chất lượng thì nay việc dịch chuyển từ nội thành chật chội ra các khu vực ven đô sinh sống là một trong những xu hướng điển hình của giới nhà giàu thành phố. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh về hạ tầng tại vùng ven Hà Nội như vành đai 3, vành đai 3,5; hàng loạt cây cầu như Vĩnh Tuy 2, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở… cũng là nhân tố chính thúc đẩy làn sóng giãn dân về khu vực ven đô.
“Covid-19 xuất hiện tạo nên một cuộc cách mạng trên thị trường bất động sản. Dịch bệnh lây lan, giãn cách xã hội kéo dài khiến nhu cầu quan tâm về sức khoẻ tăng mạnh, mơ ước về một căn nhà ven đô với không gian sống xanh và tách biệt với đô thị đông đúc trở nên bức thiết hơn lúc nào hết”, bà cho biết.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, không phải sản phẩm ven đô nào cũng hút nhà đầu tư. “Chỉ những dự án, nằm trong những đại đô thị, được quy hoạch bài bản, sở hữu diện tích mảng xanh lớn, tạo ra cuộc sống như nghỉ dưỡng ven đô mới tạo ra sức hút lớn”, bà nói thêm.
Đón đầu xu hướng di dân ra ven đô, các ông lớn địa ốc như Ecopark, Vinhomes, Masteri cũng triển khai hàng loạt dự án có quy mô hàng trăm ha tại khu vực ven đô như Ecopark (Văn Giang – Hưng Yên), Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm – Hà Nội), Vinhomes Dream City (Văn Giang – Hưng Yên)…
Mới đây, Ecopark cũng giới thiệu dòng sản phẩm căn hộ trị liệu khoáng nóng tại gia The Landmark, đưa khoáng nóng và công nghệ detox vào từng căn hộ. Ngoài ra, dự án này sở hữu tổ hợp onsen trong nhà và ngoài trời rộng hơn 2.000 m2, với 3 dòng suối khoáng nóng sở hữu chất lượng tương đương với những mỏ khoáng tốt nhất vùng Hakone Nhật Bản. Các tổ hợp khoáng nóng này được thiết kế may đo để trị liệu các vấn đề sức khoẻ và trị liệu riêng biệt.
Tổ hợp khoáng nóng này còn sở hữu tổ hợp spa và sauna quy mô lớn, bao quanh dự án là không gian xanh lên tới 50 ha của hồ Thiên Nga. Dự án được phát triển bởi những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản: chủ đầu tư Nomura, đơn vị thiết kế là Nikken, đơn vị tư vấn khoáng nóng là Raymond.
Đánh giá về hướng đi này của Ecopark, TS Minh Hải cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng, trị liệu sẽ là xu hướng của thị trường bất động sản ven đô thời gian tới. Trào lưu nghỉ dưỡng khoáng nóng cũng sẽ góp phần giúp dự án này ghi dấu ấn trên thị trường.
Tâm Anh – Vnexpress