VÃN CẢNH CHÙA ÔNG MẸT – TRÀ VINH

Chùa ông Mẹt hội tụ phong cách đặc sắc của nền văn hóa khmer, một biểu tượng của hệ phái Nam Tông Khmer Nam Bộ trên tiến trình lịch sử phật giáo vùng. Ở đất thiêng Trà Vinh, nơi tập trung số lượng chùa Nam Tông Khmer,  ba cổ tự và cũng là đại tự: chùa Âng, chùa Hang và chùa ông Mẹt, trong đó chùa ông Mẹt được các tư liệu sử ghi nhận cổ nhất, có sớm hơn chùa Âng mấy trăm năm.

Toàn cảnh chùa ông Mẹt – Ảnh: daihocsi

Chùa Ông Mẹt tọa lạc trên đường Lê Lợi, thuộc Phường 1, ngay trung tâm thành phố Trà Vinh. Tên gọi theo Phạn ngữ của ngôi chùa này là Bodhisàlaraja, người Khmer vẫn quen gọi là Wat Kompong, dịch nghĩa là Chùa Bến.

Tên Chùa Ông Mẹt có hai cách giải thích. Cách thứ nhất là vị sư cả trụ trì ngôi chùa này trong một thời gian dài có tên là Sư Meas nên bà con phum sóc quen gọi là Wat Lụckru Meas. Người Kinh, người Hoa cứ vậy gọi theo là Chùa Ông Mẹt. Cách thứ hai là cốt tượng Phật trong chùa quá lớn, khiến cho nhiều người Khmer nhìn thấy ngạc nhiên đến thảng thốt mà buột miệng: “Mèn đéc ơi!” (Trời đất ơi!). Từ đó biến âm dần thành Chùa Ông Mẹt.

Là ngôi chùa lớn tọa lạc tại trung tâm tỉnh lỵ, thuận tiện giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy với hệ thống các ngôi chùa Khmer khắp các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ, nên chùa Ông Mẹt trở thành trung tâm Phật giáo Khmer tỉnh và hiện là nơi đặt Trường trung cấp Phật học Nam tông Khmer.

Chùa Ông Mẹt chính là trung tâm đào tạo nhiều thế hệ tăng tài, có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo nói riêng, văn hóa dân tộc Khmer nói chung và lịch sử đấu tranh cách mạng của cộng động các dân tộc Trà Vinh.

Theo truyền kể dân gian, chùa Ông Mẹt được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh Trà Vinh bây giờ. Đến khoảng năm 711, chùa mới dời về vị trí hiện nay.

Ngôi chùa gồm nhiều kiến trúc hài hòa nhau bao quanh ngôi chánh điện, trong khuôn viên rộng gần 1,3 ha có vòng tường kín bao bọc chung quanh, mặt tiền nhìn ra đường Lê Lợi ở hướng đông, đúng với tư tưởng truyền thống Phật giáo là Đức Phật ở Tây phương nhưng luôn dõi mắt về hướng đông để cứu độ chúng sinh.

Khuôn viên rộng nhiều cây xanh

Cổng chùa Ông Mẹt là một kiến trúc đẹp với 8 trụ cột nâng đỡ mái cổng và chia cổng thành lối đi chính ở giữa rộng và hai lối đi nhỏ hơn ở hai bên. Trên đầu mỗi cột đều trang trí Chim thần Keyno hai mặt luôn tươi cười đón khách. Hai bên cổng là hai bờ tường vừa thấp dần vửa mở rộng, trang trí bởi cặp rắn bảy đầu theo phong cách nghệ thuật Khmer truyền thống.

Cổng chùa

Chánh điện chùa Ông Mẹt quay mặt về hướng đông và được xây dựng trên nền tam cấp bằng đá xanh, có hàng rào bao quanh.

Chánh điện

Trên đầu các cột rào trang trí đầu thần bốn mặt Bhramma. Bốn góc phía trong rào là các tháp Kote nơi an nghỉ của các vị sư cả tiền bối.

Kiến trúc đặc trưng văn hóa Khmer – Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa

 Mái ngói ngôi chánh điện được thiết kế thành mái đứng một cấp và mái nằm hai hoặc ba cấp. Đường gờ giữa các mái ngói được trang trí thành vây lưng rồng vắt đuôi lên cao, xà đầu xuống thấp, trong khi toàn bộ những viên ngói xếp nhau trên mái tạo hình vảy rồng. Nếu từ trên cao nhìn xuống, sẽ thấy mái ngôi chánh điện chùa Ông Mẹt như một đàn rồng từ trên trời nhìn xuống bốn hướng nhân gian. Hai đầu hồi trước và sau ngôi chánh điện là hai tấm gỗ quý được chạm khắc rất công phu với nhiều hình tượng thể hiện đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer Nam bộ.

Những viên ngói xếp nhau trên mái tạo hình vảy rồng

Trên bệ thờ bên trong ngôi chánh điện là cốt tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi trên tòa sen. Đây là một trong những tượng Phật to nhất trong những ngôi chùa Khmer trên địa bàn Trà Vinh. Chung quanh tượng lớn này còn có nhiều tượng Phật nhỏ hơn bằng nhiều chất liệu như đá, xi măng, đồng, gỗ… với nhiều kích thước và tư thế khác nhau như Phật xuất gia, Phật khất thực, Phật thành đạo, Phật thuyết pháp…

Tượng Phật trong khuôn viên

Trần chánh điện vẽ hoa văn biểu tượng chánh pháp. Hai vách hông có rất nhiều tranh vẽ, hoặc mô tả cuộc đời sự tích Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật

Phía sau chánh điện là Thư viện được xây dựng vào năm 1916 với lối kiến trúc độc đáo nhà sàn gỗ truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ xưa. Toàn bộ 24 đầu cột, xiên tâm, xiên dọc… đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng. Thư viện có ba gian, giam giữa là nơi chứa sách, trong đó có nhiều thư tịch cổ; hai gian hai bên là nơi đọc sách, học tập của các vị sư sãi và bà con trong phum sóc.

Trong khuôn viên chùa Ông Mẹt còn có một số kiến trúc như tăng xá, Văn phòng Trị sự Phật giáo hệ phái Mahanikay, giảng đường, sala thờ Neakta, tháp tưởng niệm… Dù được xây dựng ở những giai đoạn khác nhau bằng những chất liệu khác nhau và được sử dụng vào những mục đích khác nhau nhưng những kiến trúc độc lập này tồn tại hài hòa trong một tổng thể kiến trúc chung đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ.

Ngày 3 tháng 3 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 834/QĐ – BVHTTDL công nhận chùa Ông Mẹt là di tích cấp Quốc gia. Đây hoàn toàn xứng đáng là nơi được bảo vệ và là điểm đến cho khách thập phương mỗi khi du lịch Trà Vinh để tìm hiểu mảnh đất này.

0 Shares