Người đàn ông chi 17 tỷ đồng làm đường cho quê nhà

CẦN THƠ – Chiều cuối năm về quê ăn Tết, ông Lang dừng xe ghé vào thăm đoạn đường bê tông dài hơn 500 m, hai bên hoa mười giờ nở rộ.

Trên đường, hàng chục người trẻ đang chụp hình cùng với những tiểu cảnh trang trí. Cạnh đó, những người lớn tuổi vận động trên những máy tập thể dục được lắp đặt sẵn. Đoạn đường du lịch sinh thái này ở ấp Tân Hòa, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền được khởi công xây dựng từ giữa năm ngoái, kinh phí gần 3 tỷ đồng, là món quà ông Nguyễn Ngọc Lang, 54 tuổi, dành tặng bà con quê hương dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Ông Huỳnh Việt Cường, Chủ tịch xã Giai Xuân cho biết, đoạn đường này chỉ là một phần trong 15 km đường bê tông mà ông Lang đã bỏ hơn 17 tỷ đồng làm suốt 10 năm qua.

“Tháng 11 năm ngoái, ông Lang còn chi tiền xây cây cầu bắc qua sông, rút ngắn 5 km quãng đường từ ấp lên trung tâm xã. Người dân địa phương gọi đoạn đường này là ‘phố ông Lang’ bởi nhờ ông mà con đường đất lầy lội trước đây thành điểm tham quan du lịch”, chủ tịch xã chia sẻ.

Ông Lang lắp đặt máy tập thể dục phục vụ người dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trên đoạn đường du lịch sinh thái trị giá 3 tỷ đồng, ông Lang còn cho lắp đặt máy tập thể dục phục vụ người dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Ngọc Lang sinh ra trong một gia đình nghèo ở ấp Tân Hòa, phải bỏ học từ năm lớp 4 để phụ cha mẹ việc đồng áng. Sau hơn 20 năm lên Sài Gòn gây dựng sự nghiệp, ông trở thành giám đốc một nhà máy mỹ phẩm với hơn 100 công nhân. Nhiều lần về thăm quê, thấy những con đường hầu như không thay đổi, vẫn là đường đất men theo bờ sông, đám ruộng, việc đi lại rất khó khăn, ông rất trăn trở.

“Không có đường bê tông, cuộc sống khó mà khá lên được”, ông Lang nói với người thân. Từ năm 2012, ông giám đốc bắt đầu bỏ tiền làm đường cho xã Giai Xuân. “Mỗi người có một cách khác nhau để đền đáp ân tình với quê hương. Riêng tôi thấy cầu đường là thứ quan trọng nhất”, ông giải thích.

Nhờ số tiền khoảng vài trăm triệu đồng được trích từ lợi nhuận mỗi năm của nhà máy ở quận Bình Tân (TP HCM), từng đoạn đường ở Giai Xuân dần dần được bê tông hóa. Có đoạn rộng 4 mét, đoạn chỉ 2 mét tùy địa hình. Năm 2018, sau khi xin phép địa phương, ông quyết định “làm một cú lớn”, chi hơn 5 tỷ đồng làm 5 km đường “rộng đủ cho hai ôtô đi được”.

“Bỏ ra số tiền lớn nên bà xã hơi đắn đo nhưng không ngăn cản, để tôi quyết định”, ông Lang nhớ lại. Vợ ông, bà Lê Thị Truyền chia sẻ: “Thời điểm này, gia đình đã ổn định, con cái cũng đã trưởng thành nên vợ chồng tôi muốn đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn”.

Đã có lúc kế hoạch làm đường cho quê hương của ông Lang suýt bị bỏ dở giữa chừng. Năm 2019, ông bị sốc nhiễm trùng ống mật, hôn mê suốt 6 ngày, bác sĩ tiên lượng cơ hội sống chỉ 1%. May mắn, ông Lang tỉnh lại. Những ngày nằm trên giường bệnh, ông nghĩ có lẽ nên gác lại việc làm đường. Sau khi hồi phục, thấy mình vẫn đủ sức khỏe, việc kinh doanh của gia đình cũng tốt hơn nên ông thay đổi ý định. “Còn sức khỏe, còn điều hành công ty được thì phải làm để giúp người dân quê nhà để sau này không còn gì tiếc nuối”, ông Lang nói.

Vợ chồng ông Lang bên cạnh cây cầu do mình đầu tư xây mới, tháng 10/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vợ chồng ông Lang bên cạnh cây cầu do mình đầu tư xây mới, tháng 10/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giữa năm ngoái, ông rời Sài Gòn về quê tránh dịch và nảy sinh ý tưởng làm một đoạn đường du lịch sinh thái phục vụ bà con. Hai bên đường, ông trồng hoa mười giờ, lắp hàng trăm bóng đèn năng lượng mặt trời. Ban ngày hoa nở sặc sỡ, ban đêm đèn đường sáng rực một vùng. Ở những mảnh đất cạnh đường, ông trồng rau, bầu bí… người dân đến tham quan thích thì hái về làm quà. Ông còn cho đào ao rộng nghìn mét vuông, thả hoa sen, bắc cầu ra giữa ao, đặt xích đu để khách chụp hình lưu niệm.

“Ông ấy là giám đốc nhưng khi về quê cứ chân chất như mọi người trong ấp. Có hôm tôi ghé thăm thì thấy ảnh mải làm quên ăn, quá trưa mới vào pha gói mỳ tôm lót dạ”, chủ tịch xã Cường kể.

“Ban đầu, người dân chúng tôi nghĩ ông Lang bỏ tiền xây đường, khu du lịch sinh thái để lấy tiền nhưng không ngờ tất cả những công trình ở đây đều miễn phí”, bà Nguyễn Thị Năm, 50 tuổi, ở ấp Tân Hòa nói.

Trước đây, ông Lang luôn trăn trở có thể vợ ngoài mặt đồng ý nhưng buồn trong lòng, bây giờ ông đã tin vợ ủng hộ mình hoàn toàn. Thay vì chuẩn bị Tết cho gia đình, năm nay bà Truyền về quê ở hẳn từ giữa tháng Chạp để phụ ông duyệt các công trình tiểu cảnh phục vụ khách tham quan.

“Nhìn vợ vui, tôi nhẹ lòng. Nhìn bà con rôm rả trò chuyện trên con đường, cây cầu mình xây thì đời này tôi chẳng còn gì hối tiếc. Tôi nghe nhiều người nói với nhau câu: ‘Tiền nhiều để làm gì’? Nhưng nghĩ bụng, nếu tôi có nhiều tiền thì có nhiều việc để làm cho quê hương lắm”, ông Lang tâm sự.

Diệp Phan

0 Shares

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *