Miền Tây thơ mộng, trù phú khi nhìn từ trên cao

Những địa điểm du lịch như Chợ nổi, cầu Cần Thơ… vốn đã nổi tiếng cả nước nay với góc máy từ trên cao của nhiếp ảnh Trần Minh Lương càng trở nên thơ mộng.

Anh Trần Minh Lương hiện công tác tại Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) với vai trò là một chuyên viên truyền thông vì vậy niềm đam mê chụp ảnh cũng gắn liền với anh.

Mong muốn tìm kiếm trải nghiệm mới lạ qua ống kính, anh Minh Lương đã ghi lại những góc ảnh nhìn trên cao với chiếc flycam.

Anh chia sẻ: “Công tác tại công ty phát điện nên tôi mong ước có thể thực hiện bộ trọn vẹn bộ ảnh ghi lại vẻ đẹp các công trình điện từ trên cao. Với tôi đó vừa là kỷ niệm, vừa là tư liệu phục vụ cho công việc”.

1 (3)

Hệ thống điện kết nối với Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 

Trong số hàng trăm bức ảnh về chủ đề ngành điện đã thực hiện, anh cho biết bản thân ấn tượng nhất với hình ảnh Hệ thống điện kết nối với Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn băng ngang qua cánh đồng lúa đang vào vụ chín vàng trong buổi sớm đầy sương.

2

Ruộng muối tại xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Những lúc rảnh rỗi, anh lại cùng “người bạn đồng hành” của mình rong ruổi đến những địa phương lân cận để tự cảm nhận và ghi lại bức tranh cuộc sống nhiều màu sắc của người dân. Trong một lần đến với ruộng muối tại xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, anh đã ngỡ ngàng trước sự cuốn hút về đường nét và màu sắc của những ô ruộng muối trải dài, nối tiếp nhau.

Anh chia sẻ, nghề làm muối Bạc Liêu tập trung nhiều nhất tại hai huyện Đông Hải và Hòa Bình, sản xuất mỗi năm một vụ, kéo dài từ khoảng tháng 12 đến tháng 4 năm sau, trước khi mùa mưa bắt đầu. 

3 (2)

Chợ “đồng” thuộc thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Đến miền Tây thì không thể nào bỏ qua những khu chợ miệt vườn, bởi chợ là nơi tập trung đa dạng nhất các sản vật đặc trưng. Chợ “đồng” thuộc thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang là một trong số đó; người dân nơi đây trải bạt trực tiếp trên đất thành từng hàng cách nhau bằng những lối đi và bày bán những loại nông sản “của nhà trồng được” như chuối, mướp, bí bầu, cá, tôm… Vì là chợ nông thôn nên cũng chắng có sạp hay gian hàng hoành tráng, bà con thường ngồi xổm và bày hàng hóa xung quanh. Cái tên “chợ chồm hổm” cũng bắt nguồn từ đó.

4

Con đường hoa phượng tại huyện Vị Thủy của tỉnh Hậu Giang

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” – Có lẽ giờ đây không dễ để bắt gặp hình ảnh này, thế nhưng một không gian rực rỡ sắc phượng vào hè bạn hoàn toàn có thể tìm thấy khi đến với huyện Vị Thủy của tỉnh Hậu Giang. Anh Minh Lương đã ghi lại con đường rợp bóng phượng vào một ngày giữa tháng 5. Khung cảnh này có lẽ sẽ làm “lụi tim” những “tín đồ” có tâm hồn lãng mạng và mơ mộng.

5 (1)

Cầu Cần Thơ trở nên huyền ảo trong hoàng hôn.

Dẫu có đi đâu cũng không quên quê hương mình, chàng kỹ sư trẻ đã chờ rất nhiều buổi hoàng hôn để có thể lựa chọn một góc ảnh vừa hiện đại lại vừa nên thơ bên công trình đáng tự hào của người dân đất xứ Tây Đô – Cầu Cần Thơ. Chiếc cầu dây văng này bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ, có chiều dài toàn tuyến 15,85 km, trong đó phần cầu chính dài 2,75 km được hoàn thành năm 2010.

6

Bức ảnh “Họp chợ sớm” là tác phẩm giúp anh Trần Minh Lương đạt Huy chương đồng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 34 năm 2019.

Nếu bỏ lỡ hoàng hôn trên cầu Cần Thơ thì nhất định phải đón được ánh mặt trời đầu ngày ở chợ nổi Phong Điền. Cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 17 km về phía Đông Nam. Nơi đây buôn bán đầy đủ các mặt hàng nông sản như trái cây, rau củ, thức ăn. Dù không nhộn nhịp như xưa kia nhưng chợ nổi ngày nay vẫn là nơi thu hút nhiều du khách, mang đến một trải nghiệm khác lạ chỉ có riêng tại miền Tây sông nước. 

7

Làng nghề gạch gốm Vĩnh Long trở nên lung linh và huyền ảo từ góc máy trên cao.

Qua cầu Cần Thơ, du khách sẽ đặt chân đến địa phận tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây không chỉ “đốn tim” khách phương xa bằng những vườn trái cây trĩu quả mà còn mở ra một không gian hoài cổ với những điều xưa cũ được giữ gìn giữa xã hội hiện đại và không ngừng đổi mới. Làng nghề gạch gốm Vĩnh Long (hay còn được gọi với cái tên Làng gạch cổ Mang Thít – Làng nghề gốm Cổ Chiên) đã tồn tại hơn trăm năm. Đây là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ lớn nhất miền Tây một thời. Quang cảnh hàng nghìn lò nung gạch gốm khổng lồ nhấp nhô thi nhau nhả khói trong bình minh hay lúc chiều tà chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng khó quên cho những ai một lần đến với nơi này.

8 (1)

Cánh đồng lác tại Vĩnh Long

Cũng tại tỉnh Vĩnh Long, những cánh đồng lác xanh rờn vào mùa thu hoạch chắc hẳn cũng là một điểm đến không nên bỏ lỡ. Quan sát cảnh thu hoạch lác của nông dân từ trên cao, bạn sẽ bất ngờ vì nó không khác gì một sân khấu của những vũ công. Với bà con miền Tây, từ lâu, lác đã được sử dụng rộng rãi, một chất liệu thân thiện với môi trường để dệt chiếu hay làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

9 (1)

Cánh đồng Tà Pạ ở huyện Tri Tôn, An Giang 

Với góc máy trên cao của mình, anh Minh Lương đã khám phá ra cánh đồng Tà Pạ ở huyện Tri Tôn, An Giang cũng rực rỡ không kém. Ruộng lúa vào mùa thu hoạch nằm kề sát nhau, in bóng những hàng cây, tất cả được kết hợp rất ngẫu nhiên nhưng lại tạo nên một bức tranh khổng lồ đầy màu sắc cho quê hương Thất Sơn huyền bí.

10

Mùa nước nổi An Giang

Trải nghiệm của các bạn sẽ càng thêm đa dạng nếu về với An Giang vào mùa nước nổi (mỗi độ tháng 7 – tháng 10 âm lịch hàng năm). Ngoài việc được thưởng thức những món ngon từ sản vật trời ban này thì những cánh đồng trắng nước còn như chiếc gương khổng lồ soi bóng mây trời, hoa lá và cả dáng vẻ lao động cần lao của cư dân đầu nguồn Cửu Long.

11

Còn đây là một góc đảo nhỏ thuộc quần đảo Nam Du, Kiên Giang. Quần đảo này gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ. Phần lớn đảo thuộc Quần Đảo Nam Du đều lưu giữ được nét đẹp hoang sơ nguyên thuỷ, là không gian nghỉ dưỡng tuyệt vời cho những ai cần tạm thời “chạy trốn” khỏi nhịp sống xô bồ thường nhật.

12

Cánh đồng hoa tại TP Sa Đéc, Đồng Tháp

Được xem là vùng sản xuất hoa kiểng lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp mỗi dịp cuối năm lại rộn ràng đón khách tham quan. Để có được những chậu hoa khoe sắc cho du khách thưởng lãm, người nông dân đã miệt mài chăm bón từ nhiều tháng ròng tưới nước, bón phân. Nét đẹp lao động của người nông dân cần lao bên vườn cúc mâm xôi đã được tác giả chụp lại một cách thật sống động qua góc nhìn từ trên cao.

“Bộ ảnh “Cảnh sắc miền tây từ trên cao” là mảnh ghép chưa đầy đủ về cảnh quan, công trình và điểm du lịch đặc trưng tại các địa phương ĐBSCL. Tôi sẽ tôi tiếp tục thực hiện để hoàn thiện bộ ảnh này, qua đó, giới thiệu đến du khách về miền sông nước quê mình”, anh Trần Minh Lương nói.

Minh Lương – Hà Hương – Giadinhonline

0 Shares

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *