Biệt thự 2.200 m2 kết hợp kiến trúc đồng quê Việt – Pháp

VĨNH PHÚC Công trình có gần 1.600 m2 sân vườn, được bảo tồn một số phần từ ngôi nhà cũ kiểu Việt Nam, kết hợp kiến trúc miền Nam nước Pháp.

Căn biệt thự có quy mô hai tầng, diện tích 610 m2, được xây trên khu đất rộng 2.200 m2 tại Vĩnh Phúc, phía trước là đường giao thông rộng 5 m, phía sau là cánh đồng lúa.

Gia chủ đã có thời gian sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, mong muốn xây dựng một công trình kết hợp giữa phong cách kiến trúc miền nam nước Pháp với đặc trưng bản địa Việt Nam để gia đình nghỉ dưỡng.

Với mật độ xây dựng khoảng một phần tư tổng diện tích, biệt thự có gần 1.600 m2 là hồ bơi, sân vườn xanh mát.

Công trình nằm cách trung tâm thành phố hơn 80 km, nên việc tìm kiếm thợ có tay nghề phù hợp với đặc trưng dự án khá khó khăn. Vì vậy, đơn vị thiết kế đã sử dụng nhân lực địa phương và đào tạo lại, để thi công.

Vật liệu xây dựng được kết hợp giữa nguồn có sẵn như ngói đỏ Việt Nam, gạch nhập từ Tây Ban Nha, sơn vôi Italy…

Để lưu giữ những kỷ niệm ấu thơ, gia chủ mong muốn tận dụng lại một số cánh cửa nhà cũ, đưa vào công trình mới. Ngoài ra, 4 bức tượng gỗ tái chế được nghệ nhân địa phương tạo tạc từ cột chuồng trâu cũ, sau đó đưa về trưng bày trong không gian biệt thự.

Toàn bộ không gian sử dụng chính lùi ra phía sau, hướng tầm nhìn ra cánh đồng lúa thoáng mát, phía trước là khu vực hồ bơi và thảm cỏ lớn.

Mặt bằng tổng thể công trình.

Khu vực sảnh vào tầng một gợi nhắc đến những biệt thự ở miền Nam nước Pháp.

Tầng một được thiết kế không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp – ăn và ba phòng ngủ.

Phòng khách với ba mặt là vách kính tiết diện lớn, cung cấp nguồn ánh sáng tự nhiên chan hòa.

Bàn ăn nằm liên thông với khu vực tiếp khách, tạo không gian liền mạch, thông thoáng.

Phòng bếp với hệ cửa sổ kính giúp lấy sáng và đối lưu không khí, hướng tầm nhìn rộng mở ra cánh đồng.

Phòng ngủ được bố trí không gian rộng rãi, có chỗ ngồi tiếp khách, bàn làm việc và khu vệ sinh – tắm riêng biệt.

Phòng vệ sinh có thiết kế bồn tắm nằm, liền kề là cửa sổ hướng ra vườn cây.

Mặt bằng bố trí các tầng.

Thu Hương
Đơn vị thiết kế: D12 Architect
KTS trưởng: Chu Văn Đông
Nhóm thiết kế: Nguyễn Tiến Dũng, Vũ Minh Chức, Lê Gia Vinh, Nguyễn Văn Hải
Ảnh: Hoàng Lê

Nguồn: https://vnexpress.net/biet-thu-2-200-m2-ket-hop-kien-truc-dong-que-viet-phap-4716304.html

0 Shares

Ngôi nhà 150 m2 với hệ mái dốc, ngập tràn nắng gió

HẢI PHÒNG – Công trình thiết kế tối giản, đủ tiện nghi, hài hòa với vẻ mộc mạc của nhà truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Ngôi nhà có quy mô 1,5 tầng, diện tích xây dựng 150 m2, tọa lạc tại Hải Phòng. Đây là món quà con trai tặng mẹ, cũng gợi nhắc lại những kỷ niệm cũ về không gian sống thuở ấu thơ – nơi ghi dấu quãng thời gian khó khăn của gia đình từ 30 năm trước.

Do đó, công trình được thiết kế theo hướng tối giản, đủ tiện nghi, hài hòa với vẻ mộc mạc của nhà truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Khu đất vốn có hình chữ nhật, bị bó cứng bởi hai mặt bên tiếp giáp với nhà hàng xóm. Để tìm cách “thở” cho ngôi nhà, kiến trúc sư giải quyết bằng kết cấu không gian xốp, kết hợp những khoảng đặc – rỗng, lệch tầng, đan xen các mảng cây xanh, nhằm đối lưu gió và lấy ánh sáng tự nhiên.

Mặt bằng nhà được trộn lẫn 4 khoảng rỗng, ở tầng lửng có thêm một khoảng sân nhằm mở rộng và kết nối với sân trung tâm.

Mái nhà dốc kéo dài từ tầng lửng xuống và hàng hiên xòe rộng, cổng rào thấp, khiến nhìn từ ngoài vào như ngôi nhà một tầng xưa cũ, tạo cảm giác thân thiện khi tiếp cận, tăng kết nối giữa sân ở tầng lửng với mặt đường.

Một góc mái xòa thấp để che nắng Tây, góc còn lại vén cao lên để đón hướng gió mát thổi vào nhà. Một nếp gấp nhẹ được tạo ra ở phần kết thúc mái, giúp thu gọn nước mưa về một phía, chảy xuống chum sành để dưới sân nhà, đáy chum có ga thoát nước.

Mặt cắt công trình.

Cổng vào làm từ rọ sắt, bên trong là đá cuội, không có chất kết dính.

Công trình sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, như: đá cuội, đá chẻ slate, đá ong chẻ, bê tông xốp, thép, sơn không độc hại (không chứa VOC), kính hộp. Theo nhóm kiến trúc sư, quá trình vận hành ngôi nhà hoàn toàn không sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tiết kiệm nước qua các thiết bị hiện đại hay tái sử dụng nước mưa để tưới cây.

“Ngôi nhà được lựa chọn các giải pháp thiết kế để bền bỉ và ít yêu cầu bảo trì liên tục”, đại diện nhóm kiến trúc sư chia sẻ.

Các vật liệu và tạo hình mang dáng dấp truyền thống, gợi nhắc về ngôi nhà vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hệ cửa lam gỗ sọc dọc, với độ cao tương đồng với bậu cửa trong nhà truyền thống. Ngoài ra, còn có ngói mũi hài, gạch ốp từ làng Bát Tràng, gạch ốp bếp mang họa tiết hoa sen thời Lý.

Hệ cửa linh hoạt giúp phòng khách có thể mở thoáng về mùa hè, đóng kín chắn gió về mùa đông, mà vẫn đảm bảo tầm nhìn ra vườn và đủ sáng. Tất cả các phòng đều không cần bật đèn vào ban ngày, nhưng gia chủ có thể sinh hoạt và làm việc được.

Tận dụng “góc chết” trong gầm cầu thang, kiến trúc sư bố trí bồn rửa tay để thuận tiện sinh hoạt.

Khoảng sân giữa góp phần mang đến khoảng xanh quý giá cho ngôi nhà.

Phòng ngủ được đưa lên tầng lửng, tách biệt với không gian sinh hoạt ở tầng một, nhằm đảm bảo tính riêng tư.

Phòng vệ sinh tràn ngập ánh sáng, với tầm nhìn hướng ra cánh đồng sau nhà.

Mặt bằng bố trí công trình.

Thu Hương
Đơn vị thiết kế: Văn phòng Kiến trúc Nhà của gió
KTS chủ trì: Trịnh Hải Long, Nguyễn Minh Thủy
Ảnh: Trịnh Hải Long

Nguồn: https://vnexpress.net/ngoi-nha-150-m2-voi-he-mai-doc-ngap-tran-nang-gio-4715796.html

0 Shares

Biệt thự 1.200 m2 xây trong 3 năm, chi phí 24 tỷ đồng

BÌNH DƯƠNG – Công trình có tổng diện tích 1.200 m2, được kết hợp giữa phong cách tân cổ điển và Địa Trung Hải, đặc biệt chú trọng đến hình khối, tỷ lệ.

Căn biệt thự có quy mô 2 tầng, tọa lạc tại Bình Dương. Gia chủ mong muốn sở hữu không gian sống sang trọng, đầy đủ tiện nghi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt – thư giãn – giải trí, nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, gần gũi với thiên nhiên.

Nhóm thiết kế đã chọn giải pháp kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc là tân cổ điển và Địa Trung Hải, nhằm làm nổi bật vẻ đẹp của khối nhà và không gian sân vườn thoáng rộng.

Một trong những thử thách lớn đặt ra cho kiến trúc sư đó là phải cân bằng giữa yêu cầu về tính khả thi trong quá trình triển khai kỹ thuật, xây dựng và phù hợp với ngân sách. Công trình được thiết kế và thi công trong 3 năm, chi phí hoàn thiện khoảng 24 tỷ đồng.

Điểm nhấn của biệt thự là hồ bơi với màu nước xanh ngọc bích. Theo đó, thay vì sử dụng đá màu mozaic truyền thống, kiến trúc sư đã chọn ốp đá xám nhạt để tạo ra màu nước đúng như mong muốn.

Xuyên suốt kiến trúc công trình là những vòm cong đặc trưng của phong cách tân cổ điển. Mỗi chi tiết, đường nét đều được tính toán và tuân theo tỷ lệ phù hợp, hài hòa.

Tầng một được bố trí khu vực để xe, hồ bơi, sảnh, phòng khách, bếp – ăn, phòng giải trí, phòng ngủ và khu làm việc. Tầng hai gồm 4 phòng ngủ có vệ sinh riêng, phòng giải trí.

Các mảng xanh nằm đan xen khối nhà, tạo cảnh quan đẹp cho công trình.

Ngôi nhà được chú trọng bởi hình khối và tỷ lệ. Thiết kế đối xứng được áp dụng cả ở mặt tiền, kiến trúc và nội thất.

Không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp – ăn nằm ở trung tâm, một bên là sân vườn xanh mát, bên còn lại là hồ bơi rộng thoáng.

Toàn bộ nội thất cho các phòng chức năng đều được đặt riêng, hài hòa với phong cách chung của biệt thự.

Cầu thang tròn – chi tiết quen thuộc trong kiến trúc tân cổ điển được thiết kế làm nổi bật vẻ sang trọng của không gian.

Biệt thự có tổng 5 phòng ngủ. Mỗi phòng ngủ đều có khoảng ban công riêng để làm nơi ngồi thư giãn, đọc sách.

Mặt bằng bố trí các tầng.

Thu Hương
Đơn vị thiết kế: MD Architects Hồ Chí Minh
KTS Chủ trì: Nguyễn Hoàng Tâm Minh

Nguồn: https://vnexpress.net/biet-thu-1-200-m2-xay-trong-3-nam-chi-phi-24-ty-dong-4715408.html

0 Shares

Căn hộ 200 m2 như không gian nghỉ dưỡng giữa rừng cây

HÀ NỘI Với sự kết hợp giữa hai phong cách wabi sabi và nhiệt đới, toàn bộ không gian căn hộ như nằm giữa một khu rừng xanh mát.

Căn hộ có diện tích 200 m2, thuộc một tòa nhà chung cư thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội). Công năng gồm phòng khách, bếp – ăn, hai phòng ngủ, một phòng làm việc và khu vui chơi cho con.

Với phong cách chủ đạo là wabi sabi kết hợp nhiệt đới (Tropical), NTK Lê Viết Dũng đưa ra ý tưởng mang cả khu rừng vào không gian sống. Cảm hứng này xuất phát từ sở thích của gia chủ – vốn rất đam mê du lịch, mong muốn được nhìn thấy thiên nhiên ở bất cứ vị trí nào trong nhà.

“Cây xanh biểu hiện cho sức sống và tinh thần, tạo cảm giác mộc mạc, lạ mắt nhưng không quá hào nhoáng cho căn hộ”, NTK chia sẻ.

Hiện trạng ban đầu của căn hộ có 4 phòng ngủ và 3 vệ sinh. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng thực tế của gia đình không quá đông người nên NTK đã thay đổi công năng thành 3 phòng ngủ và 2 vệ sinh. Toàn bộ tiện nghi quan trọng sẽ tập trung ở phòng ngủ chính.

Phòng khách ít được sử dụng, nên thiết kế nhằm tối ưu không gian và có sự xuất hiện của thiên nhiên cây cỏ. Toàn bộ nội thất căn hộ đều được đầu tư thiết bị cao cấp. Cây xanh được sử dụng cả cây thật và giả, tùy vào điều kiện của mỗi khu vực cụ thể.

Khu bàn ăn nằm liên thông phòng khách, ngập tràn màu xanh của cây cỏ, nhằm mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn.

Góc nhỏ thư giãn ở sát cửa ra vào, liền kề với không gian thờ cúng.

Theo nhà thiết kế, công trình mất khá nhiều thời gian hoàn thiện, phần xây dựng đòi hỏi kỹ thuật tay nghề cao và tỉ mỉ. Các vật liệu trang trí cũng không quá phổ biến và không dễ thi công. Cụ thể, toàn bộ diện tường, trần sử dụng màu tạo hiệu ứng, các phần sàn khu vực ướt là bê tông mài hoặc vữa tự san để không tạo mép nối như lát gạch.

Với nhu cầu không thường xuyên nấu nướng, khu bếp được thiết kế tối giản đồ đạc để tạo nên không gian rộng rãi, thoáng đãng, thiên về tính chất trang trí hơn so với một bếp nấu thông thường. Điểm nhấn nằm ở hệ sàn bê tông mài, đồng bộ với trần uốn lượn.

Khu làm việc tại nhà liên thông với phòng ngủ chính, với điểm nhấn là khu vườn xanh bên mảng tường đá.

Một không gian ngồi thưởng thức trà đạo được bố trí kết hợp trong phòng làm việc.

Phòng ngủ master được đập thông bởi hai phòng ngủ lớn nhất căn hộ, với đủ tiện ích đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, làm việc, giải trí và thư giãn. Căn phòng được lấy cảm hứng từ các bungalow tại khu nghỉ dưỡng mà gia chủ từng đi qua.

Phòng ngủ chính có một khu vườn riêng biệt ở ban công.

Phòng vệ sinh với cây xanh ngập tràn, thiết kế hai bồn rửa tay và bồn tắm nằm để tăng cảm giác thư giãn.

Cửa sổ giúp lấy sáng và tăng khả năng đối lưu không khí cho không gian phòng vệ sinh.

Mặt bằng bố trí căn hộ.

Căn hộ được hoàn thiện trong năm 2023, tổng chi phí không được tiết lộ.

Thu Hương
Chủ trì thiết kế: Lê Viết Dũng
Đơn vị thi công: Namm.lab
Ảnh: Quang Minh

Nguồn: https://vnexpress.net/can-ho-200-m2-nhu-khong-gian-nghi-duong-giua-rung-cay-4712645.html

0 Shares

Nhà 80 m2 trong ngõ chan hòa ánh sáng, chi phí 1,1 tỷ đồng

HÀ NỘI – Nhờ thiết kế khoảng thông tầng, vách kính sát trần, các không gian trong nhà đều ngập tràn ánh sáng và gió tự nhiên.

Ngôi nhà có quy mô một tầng và một gác lửng, được xây trên khu đất rộng 80 m2 trong một con ngõ tại quận Long Biên (Hà Nội).

Gia chủ đặt ra yêu cầu bố trí hai phòng ngủ, một phòng làm việc riêng, khu sinh hoạt chung và một phòng thờ. Với nhược điểm khu đất không vuông vắn, kích thước dài 11 m, mặt tiền 7,3 m và ngân sách xây dựng ở mức trung bình, nhóm thiết kế đã chọn giải pháp xây nhà gác lửng kiểu hiện đại.

Trong đó, không gian sinh hoạt chung và phòng ngủ được tách riêng biệt, các phòng đều tận dụng tốt ánh sáng tự nhiên, đối lưu không khí. Chi phí thi công hoàn thiện gần 1,1 tỷ đồng, chưa gồm thiết bị điện tử.

Với tổng diện tích sàn xây dựng 140 m2, tầng một được thiết kế không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp – ăn. Tầng lửng là hai phòng ngủ, một phòng làm việc và khu thờ cúng.

Phòng khách ngập tràn ánh sáng nhờ nằm giữa khoảng thông tầng, với vách kính lớn sát trần. Để tiết kiệm diện tích, cầu thang được bố trí dọc, sát với hông nhà.

Phòng bếp được thiết kế nhỏ gọn, chọn tone màu trắng – gỗ làm chủ đạo, lấy điểm nhấn ở hệ cửa màu xanh.

Sát cửa ra vào là khu vực tủ giày, có thiết kế ghế ngồi để thuận tiện sử dụng.

Nhà có tổng hai phòng ngủ. Phòng ngủ chính có tone trắng chủ đạo, nội thất ưu tiên liền tường, dành diện tích cho lối đi lại rộng rãi.

Phòng ngủ cho con với tone màu theo sở thích của bé, kết hợp cửa sổ rộng để tối ưu ánh sáng tự nhiên.

Phòng vệ sinh với vách kính ngăn chia khu tắm rửa bồn rửa, tạo cảm giác thoáng đãng.

Phòng làm việc với không gian rộng rãi, tràn ngập ánh sáng.

Một góc vui chơi dành riêng cho bé trong phòng làm việc.

Phòng thờ được thiết kế nhỏ gọn, đủ ánh sáng.

Công trình được thi công hoàn thiện trong 5 tháng.

Thu Hương
Đơn vị thiết kế: Team Khải Anh
Đơn vị thi công: Mộc Anh Concept

Nguồn: https://vnexpress.net/nha-80-m2-trong-ngo-chan-hoa-anh-sang-chi-phi-1-1-ty-dong-4710575.html

0 Shares

Nhà ngoại ô Sài Gòn tái hiện ký ức về khu vườn tuổi thơ

Ngôi nhà có tổng diện tích sàn xây dựng 108 m2, nằm trên khu đất rộng 294 m2, tại Hóc Môn (TP HCM).

Tọa lạc ở ngoại ô – nơi những ngôi nhà còn chưa san sát và phần lớn là mái tôn – toàn bộ cấu trúc công trình được lấy cảm hứng từ nhà truyền thống Việt Nam. Hệ mái ngói nhấp nhô đi từ thấp lên cao, tạo tính nhịp điệu và có độ dốc vừa đủ để thoát nước nhanh, đảm bảo yếu tố bền vững.

Ngôi nhà được hình thành dựa trên mong muốn của vợ chồng gia chủ, muốn tái hiện khu vườn tuổi thơ, để con được sống gần hơn với thiên nhiên và rời xa các thiết bị điện tử thông minh.

Cấu trúc ngôi nhà gồm ba phần chính. Phần ngoài là sân vườn, kết hợp chỗ ngồi nghỉ ngơi, uống cafe hay tổ chức những buổi tiệc BBQ ngoài trời. Tiếp đến là phần nhà, với một hàng hiên lớn để thuận tiện ngồi đọc sách, hóng gió. Phòng khách và bếp bố trí bên ngoài, tách biệt với phòng ngủ bằng một khoảng sân vườn, hạn chế tầm nhìn bằng những lớp cây xanh.

Cổng vào được thiết kế vừa đảm bảo kín đáo, vừa giúp thông gió tốt.

Sân trước rộng rãi lát gạch đỏ – hình ảnh thường thấy ở những công trình nhà truyền thống của Việt Nam.

Phía sau chỗ ngồi thư giãn là lối đi xanh mát dẫn vào nhà chính.

Lối vào nhà chính nằm dưới một hàng hiên lớn, giúp che mưa nắng. Vật liệu sử dụng cho công trình đa phần là những loại có đặc tính thô – mộc mạc, mang đến cảm giác giản dị và gần gũi.

Không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, khu bếp – ăn, nằm liên thông, không vách ngăn, hướng tầm nhìn ra sân vườn phía trước.

Ngăn cách giữa khu vực khách, bếp và phòng ngủ là một khoảng sân trong, có trồng cây xanh.

Nhà có tổng hai phòng ngủ, được đặt ở khối nhà trong cùng để tăng sự riêng tư, tách biệt với không gian sinh hoạt chung phía trước.

Nhờ bố trí các sân trong hợp lý, toàn bộ phòng chức năng luôn đủ sáng và không khí tự nhiên.

Nội thất ưu tiên tone màu tự nhiên, đồng nhất với sơn tường nâu đất.

Mỗi phòng ngủ đều có một khoảng sân riêng, có trồng cây để tăng mảng xanh.

Mặt bằng bố trí công trình.

Ngôi nhà được thi công hoàn thiện trong năm 2023, chi phí không được tiết lộ.

Thu Hương
Đơn vị thiết kế và thi công: TTDESIGN
Chủ trì: KTS Tôn Trang
Ảnh: Quang Trần

https://vnexpress.net/nha-ngoai-o-sai-gon-tai-hien-ky-uc-ve-khu-vuon-tuoi-tho-4706108.html

0 Shares

Căn hộ 61 m2 với thiết kế ‘giấu đồ’, tiết kiệm diện tích

HÀ NỘI Với thiết kế “giấu đồ” thông qua các hệ tủ liền tường, vừa để trang trí, vừa lưu trữ đồ dùng, cộng sử dụng các gam màu trung tính, căn hộ trông rộng rãi hơn diện tích thật.

Căn hộ có diện tích 61 m2, nằm tại một tòa nhà chung cư thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Gia chủ là người có phong cách sống giản dị, vì vậy, kiến trúc sư đưa ra phương án thiết kế căn hộ theo hướng hiện đại, ưu tiên cảm giác thoải mái và tiện nghi.

Công năng chính gồm một phòng khách liền bếp, phòng ngủ và phòng làm việc kiêm để đồ. Thiết kế với tone màu trắng chủ đạo, phối hợp hài hòa cùng các gam màu vàng nhạt, xám, và nâu, sử dụng vật liệu chính là gỗ công nghiệp để tiết kiệm chi phí.

Nhằm khắc phục nhược điểm diện tích hạn chế, kiến trúc sư chọn thiết kế “giấu đồ”, thông qua các hệ tủ liền tường, vừa để trang trí, vừa lưu trữ đồ dùng. Hệ thống đèn điện với nhiều chế độ ánh sáng cũng là một trong những điểm nhấn của công trình.

Khu thờ cúng được đặt gọn gàng ở phòng khách, sát ban công, bên dưới tận dụng bố trí ghế sofa.

Phòng bếp nằm sát khu vực cửa ra vào. Ngăn cách ở giữa không gian là bàn ăn.

Khu bếp với hệ tủ kịch trần, hình chữ I, với khoang tủ rộng giúp không gian luôn gọn gàng.

Để tối ưu diện tích, khoảng trống nhỏ gần cửa ra vào được tận dụng để bố trí tủ giày và ghế ngồi thay giày.

Phòng ngủ chính với vách kính lớn giúp lấy sáng tự nhiên và thông gió. Nội thất chủ yếu liền tường, tạo cảm giác thông thoáng và lối đi lại rộng rãi.

Mặt bằng căn hộ.

Công trình được thiết kế và thi công trong một tháng, chi phí không được tiết lộ.

Thu Hương
Thiết kế và thi công: TLT Home
Chủ trì thiết kế: KTS Lê Tùng
Ảnh: Quang Minh

https://vnexpress.net/can-ho-61-m2-voi-thiet-ke-giau-do-tiet-kiem-dien-tich-4705167.html

0 Shares

Căn hộ 110 m2 gợi nhắc không gian biệt thự Pháp cổ

HÀ NỘI – Không gian căn hộ lấy cảm hứng từ lối kiến trúc và cách sử dụng màu sắc của các biệt thự Pháp cổ, điểm nhấn là nội thất thêu tay.

Căn hộ có diện tích 110 m2, nằm tại khu chung cư ở quận Đống Đa (Hà Nội), là nơi sinh sống của một gia chủ độc thân. Công năng chính gồm một phòng ngủ, một phòng thiền, phòng đọc sách, khu tiếp khách, bếp – ăn và hai vệ sinh.

Lấy cảm hứng từ những ký ức về Hà Nội xưa, nhóm thiết kế đã tái hiện không gian gợi nhắc đến hình ảnh các biệt thự Pháp trong phố cổ. Chọn tone chủ đạo là vàng – xanh, điểm nhấn của nội thất còn nằm ở những hoạ tiết thủ công đặc trưng của những làng nghề Bắc Bộ.

Các họa tiết trên đèn và gối được thêu tay hoàn toàn, thời gian thực hiện trung bình khoảng 40-50h mỗi món. Gỗ sử dụng cho sofa, bàn trà, giường là gỗ tái chế nhằm tạo nét xưa cũ.

Xuất phát từ thực tế, tín ngưỡng và thói quen thờ phụng trong một căn nhà của người Bắc Bộ luôn được đặt hàng đầu, nhóm thiết kế đã bố trí khu thờ ở nơi trang trọng giữa không gian sinh hoạt chung.

Phòng khách và bàn ăn được thiết kế mở, không sử dụng vách ngăn để tạo cảm giác rộng rãi, thông thoáng.

Khu vực bếp mang đậm cảm hứng về kiến trúc xưa, với tường trát vôi ve vàng, gạch gốm Bát Tràng màu ngói đỏ, cửa sổ xanh ngọc thẫm.

Phòng thiền với nội thất tối giản, tone màu vàng nâu chủ đạo. Hệ cửa xếp đáp ứng nhu cầu sử dụng linh hoạt của gia chủ.

Phòng sách là nơi chủ nhà dành để làm việc, vẽ tranh, đọc sách, viết thư pháp và chơi đàn. Ý tưởng thiết kế hướng tới sự bay bổng, nhẹ nhàng.

Nhóm thiết kế tận dụng vách tường để làm không gian trưng bày bộ sưu tập đồ trang trí của gia chủ.

Phòng ngủ với ban công rộng rãi, giúp lấy sáng và đối lưu không khí tốt.

Điểm nhấn của phòng ngủ là tác phẩm tranh và đèn ngủ với họa tiết thêu tay được thiết kế riêng.

Khu vực sảnh vào căn hộ với mảng tường kính làm điểm nhấn.

Công trình được thiết kế và thi công hoàn thiện trong năm 2023, chi phí không được tiết lộ.

Thu Hương
Thiết kế và thi công: Elemental
Ảnh: Đỗ Sỹ

https://vnexpress.net/can-ho-110-m2-goi-nhac-khong-gian-biet-thu-phap-co-4703591.html

0 Shares

Chống nắng bằng mái ngói hình phễu

TÂY NINH – Toàn bộ không gian sinh hoạt chung nằm trọn dưới hệ mái ngói hình phễu, giúp giảm bớt thời tiết nắng nóng khô hạn tại địa phương.

Ngôi nhà có quy mô một tầng, diện tích xây dựng 210 m2 tại Tây Ninh. Là nơi sinh sống của một cặp vợ chồng lớn tuổi, công trình sở hữu lối kiến trúc mộc mạc, không gian nội thất đầy đủ tiện nghi nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản.

Ngôi nhà có quy mô một tầng, công năng gồm một phòng khách liên thông bếp và khu thờ cúng, xung quanh là 4 phòng ngủ.

Cửa chính của ngôi nhà quay về hướng Nam, ứng dụng quan niệm xây dựng truyền thống của người Việt, đồng thời được che mát bởi hàng dừa.

Toàn bộ không gian sinh hoạt chung nằm trọn dưới hệ mái ngói hình phễu, giúp hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng khô hạn tại địa phương. Vật liệu chủ đạo là hệ vì kèo sắt lợp tôn, trên đỉnh cao nhất lắp kính chống nóng hai lớp.

Cửa ra vào được xây lùi vào trong, chừa một khoảng hiên để chống nắng và làm chỗ ngồi hóng mát.

Phòng khách hướng tầm nhìn thẳng ra sân vườn, thông qua hệ cửa kính. Nội thất theo hướng tối giản, tận dụng một vài đồ dùng từ nhà cũ.

Khu vực bếp được thiết kế nhỏ gọn với hệ tủ chữ I, bàn đảo để thuận tiện sử dụng. Ánh sáng xuyên thấu qua lớp kính trên giếng trời là một trong những điểm nhấn cho không gian.

Phòng ngủ được thiết kế tối giản, chủ yếu sử dụng nội thất gỗ tự nhiên. Các vật dụng bố trí theo thói quen sinh hoạt của gia chủ.

Để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp và giữ không gian mát mẻ, kiến trúc sư chọn sử dụng trần bê tông thô, bên trên chồng mái ngói.

Kiến trúc sư có chủ ý thiết kế không gian đóng – mở hài hòa, bằng cách tạo ra 4 khoảng hiên nhà, kết hợp thả mành tre giúp giảm nhiệt cho bên trong.

Phòng tắm với cửa sổ hướng ra sân vườn, giúp không gian luôn khô thoáng.

Mặt bằng bố trí ngôi nhà.

Công trình được thực hiện trong 4,5 tháng, chi phí không được tiết lộ.

Thu Hương
Đơn vị thiết kế: Thien Hung Design and Construction
Nhóm KTS: Huỳnh Minh Đức, Lê Văn Duy Bảo

Ảnh: Paul Phan

0 Shares

Nhà 2 tầng bên ngoài kín bưng, trong gồm các phòng ‘hứng nắng’

LÂM ĐỒNG – Căn nhà hai tầng có tường bao xây kín 3 mặt, nhưng các gian phòng bên trong đều được tiếp cận với nắng và gió tự nhiên.

Căn nhà có quy mô 2 tầng, được xây dựng trên mảnh đất rộng 180 m2 tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Gia chủ mong muốn sở hữu không gian sống có chức năng cơ bản, nhưng phải mang lại cảm giác ấm áp, gần gũi, giống như “sợi dây liên kết” của gia đình. Sau khi nghiên cứu giải pháp, kiến trúc sư đã chọn ý tưởng về một ngôi nhà tràn ngập ánh sáng, nhiều khoảng mở – nơi các thành viên có thể dễ dàng nhìn thấy và sinh hoạt chung với nhau.

Kiến trúc của công trình hướng tới sự đơn giản, xây kín 3 mặt để đảm bảo yếu tố riêng tư. Hàng rào sắt dạng nan thưa an toàn, không cản trở lưu thông gió vào bên trong nhà.

Trước nhà là khoảng sân vườn nhỏ. Phần mái hiên xòe rộng kết hợp trồng cây để cản mưa nắng.

Tầng một gồm không gian sinh hoạt chung, một phòng ngủ và 2 vệ sinh. Không gian ấm áp là mục tiêu của thiết kế, nên các phòng chức năng đều được tiếp cận ánh sáng tự nhiên, từ phòng khách, bếp, cho đến hành lang và phòng ngủ.

Tone màu chủ đạo là trắng và gỗ tự nhiên, thể hiện lối sống tối giản của gia chủ. Điểm nhấn là sàn terazzo, giúp giảm nhẹ cảm giác “tĩnh” của ngôi nhà đơn sắc.

Cầu thang dẫn lên tầng 2 nằm nép bên một góc nhỏ cạnh phòng khách, giúp thuận tiện đi lại.

Để khắc phục nhược điểm của nhà ống hẹp và dài, kiến trúc sư chọn thiết kế một khoảng thông tầng với giếng trời ở giữa. Khu vực này bố trí phòng bếp và bàn ăn.

Kiến trúc sư lựa chọn không gian ăn uống để kết nối khu vực tiếp khách và phòng ngủ, nhằm giúp các thành viên trong gia đình dễ dàng kết nối với nhau thông qua những bữa cơm nhà ấm cúng.

Đà Lạt thường có không khí se lạnh vào sáng sớm và chiều tối. Vì vậy, hệ sàn hai lớp, bên dưới lót gạch, trên lát gỗ trong phòng ngủ, giúp tạo cảm giác ấm áp khi trời trở lạnh và mát mẻ trong những ngày nóng.

Phòng ngủ tầng một cũng sở hữu riêng một khoảng sân sau để trồng cây, tạo mảng xanh cho không gian nghỉ ngơi.

Mặt bằng tầng một.

Tầng 2 gồm 2 phòng ngủ và một vệ sinh chung. Hệ cửa xếp gỗ giúp các phòng ngủ linh hoạt trở thành không gian mở hay đóng kín, theo nhu cầu sử dụng của gia chủ.

Phòng ngủ tầng 2 cũng được thiết kế một khoảng ban công riêng để trồng cây và làm nơi ngồi thư giãn.

Mặt bằng tầng 2.

Công trình được hoàn thiện trong 5 tháng, chi phí không được tiết lộ.

Thu Hương
Đơn vị thiết kế: Thien Hung Design and Construction
Nhóm KTS: Huỳnh Minh Đức, Lê Văn Duy Bảo
Ảnh: Paul Phan

Nguồn: https://vnexpress.net/nha-2-tang-ben-ngoai-kin-bung-trong-gom-cac-phong-hung-nang-4694795.html

0 Shares